Muôn kiểu "sập bẫy" lừa đảo trên không gian mạng

10/07/2022 06:05

Nếu không tỉnh táo, người dân rất dễ mất tiền oan với những chiêu trò tinh vi của những kẻ lừa đảo qua mạng.


Thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp nhận, xử lý nhiều vụ phạm tội trên không gian mạng   

Trước vô số chiêu trò tinh vi, phức tạp lợi dụng không gian mạng của những kẻ lừa đảo, ngày càng có nhiều người trở thành những "con mồi".

Bỗng dưng... bị lừa

Mỗi khi nhắc lại sự việc bị lừa đảo qua mạng internet, chị N.T.M.H. ở huyện Nam Sách vẫn day dứt về sự dại dột. Giữa tháng 12.2021, do cần có việc làm, chị H. dùng Facebook thấy có tài khoản "Công Ty Nanouitech - tuyển dụng" đăng bài hướng dẫn tuyển dụng cộng tác viên tại nhà. Khi chị H. liên hệ thì được hướng dẫn gặp điều phối viên có tài khoản Zalo là "Phạm Thị Nhật Minh". Người này hướng dẫn chị cài đặt ứng dụng tên Houbi Global theo đường link down.laotiea.com/344i.app. Qua đăng ký, sử dụng ứng dụng này, chị H. được tài khoản khác tên "Thầy Minh" hướng dẫn đặt các lệnh lấy các đơn hàng. Lần đầu, chị H. đặt đơn hàng bằng cách chuyển 150.000 đồng nạp tiền vào tài khoản trên ứng dụng để làm nhiệm vụ xử lý đơn hàng. Khi ứng dụng báo kết thúc đơn hàng, tài khoản của chị H. nhận được 200.000 đồng. Thấy kiếm tiền nhanh, dễ làm, ngày 15.12.2021, chị H. lại chuyển khoản 9 lần với tổng số tiền gần 225 triệu đồng để mua đơn hàng. Sau đó, chị H. thấy trong ứng dụng báo có gần 1,15 tỷ đồng liền đặt lệnh rút tiền nhưng không thấy tiền về tài khoản của mình. Chị H. liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng có tên tài khoản Zalo "Thảo Linh" thì được hướng dẫn cần chuyển tiền nộp thuế, các loại phí vượt lợi nhuận, bảo hiểm vượt lợi nhuận, xử lý kim ngạch, đổi thẻ ngân hàng để làm thủ tục rút tiền. Tưởng thật nên chị H. chuyển thêm 9 lần với tổng số tiền hơn 660 triệu đồng. Tổng số tiền chị H. đã chuyển là hơn 885 triệu đồng. Số tiền này đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hết. 

Sau nhiều ngày xảy ra sự việc, chị G. (ở phường Minh Tân, Kinh Môn) vẫn còn bàng hoàng vì số tiền bị mất quá lớn. Theo lời kể của chị, ngày 3.12.2021, chị nhận điện thoại và qua ứng dụng Viber của một số người tự giới thiệu là Công an TP Đà Nẵng, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP Đà Nẵng nói chị liên quan đến vụ án ma túy lớn. Chúng liên tục có lời đe dọa, tạo sức ép yêu cầu chị chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng rồi cung cấp các thông tin như tên đăng nhập, mật khẩu, mã chuyển tiền của tài khoản để phục vụ công tác điều tra. Tuy không liên quan gì đến hành vi phạm pháp nào nhưng do quá hoảng sợ, chị G. nhiều lần chuyển tiền vào ngân hàng theo yêu cầu của bọn lừa đảo. Và toàn bộ số tiền chị chuyển cũng đã bị các đối tượng chiếm đoạt.

Tuyển dụng cộng tác viên làm việc tại nhà, giả danh cán bộ của các ngành công an, kiểm sát, tòa án hoặc các cơ quan nhà nước ... là một số chiêu thức mà các đối tượng lừa đảo đang dẫn dắt, lôi kéo, lừa đảo nhiều người, nhất là từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Bằng việc mồi chài, lôi kéo người làm việc tại nhà, chúng thường hướng dẫn người bị hại cài đặt, sử dụng các ứng dụng làm nhiệm vụ kiếm tiền như Houbi Global, Vset Group, CoinDCX, SBSI... Sau đó, yêu cầu bị hại chuyển tiền để làm nhiệm vụ hoặc chiếm đoạt tiền từ trong tài khoản của ứng dụng. 

Với chiêu thức giả danh cán bộ của các ngành công an, kiểm sát, tòa án hoặc các cơ quan nhà nước, các đối tượng lừa đảo thường gọi điện thoại đe dọa người dân dọa liên quan hoạt động ma túy, rửa tiền, phạm pháp hình sự khác... Sau đó chúng cũng yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt. 

Theo Công an tỉnh, thời gian qua, bọn tội phạm còn sử dụng một số thủ đoạn phổ biến khác như chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của bị hại rồi liên lạc với người quen của bị hại nhờ vay, chuyển tiền; giả quảng cáo bán tài sản trên mạng xã hội để "con mồi" chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt; gửi đường link, yêu cầu bị hại đăng nhập rồi chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tiền trong tài khoản; mạo danh các sàn giao dịch tiền ảo, giao dịch ngoại hối trá hình, kêu gọi đầu tư kinh doanh (chỉ có lãi cao) sau đó chiếm đoạt...


Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao điều tra, làm rõ đối tượng Ngô Văn Phương thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo qua hình thức bán hàng 

Tinh vi

Nhiều năm nay, mặc dù công tác tuyên truyền rộng khắp nhưng số vụ việc, số người bị lừa đảo chiếm đoạt tiền trên không gian mạng vẫn không ngừng gia tăng. Tội phạm lừa đảo nhắm đến các đối tượng, gồm: cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nông dân... Bọn tội phạm thường cấu kết thành các tổ chức, hình thành các hội, nhóm, có kịch bản, kế hoạch lừa đảo tinh vi, xảo quyệt khiến nhiều người đã cảnh giác vẫn không tránh được "bẫy".

Vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) làm rõ đối tượng Ngô Văn Phương (sinh năm 2000, ở thôn Nhật Tiến 1, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) với chiêu trò tinh quái đã liên tiếp thực hiện 19 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng của người dân trong và ngoài tỉnh. Tại cơ quan công an, Phương thừa nhận, khi đưa thông tin bán hàng giá rẻ, thấy người dân có nhu cầu đặt mua hàng, Phương yêu cầu chuyển tiền đặt cọc. Đồng thời, Phương liên hệ với một đại lý đặt và yêu cầu chuyển hàng theo đơn đến địa chỉ của người mua. Khi biết đại lý đến giao hàng, Phương yêu cầu người mua chuyển hết tiền hàng vào tài khoản của mình để chiếm đoạt. Trong khi đó, đại lý giao hàng không nhận được tiền thanh toán của người mua và người mua cũng không biết hàng mình nhận là của đại lý chứ không phải của Phương.

Thượng tá Phạm Hữu Măng, Phó Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết bọn tội phạm thường có sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về tâm lý để "ra đòn" đối với từng hình thức lừa đảo. Bọn chúng thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý sợ hãi của người dân để lừa đảo. Chúng thường tung tin giả, uy hiếp, đe dọa khiến người dân rơi vào tình trạng hoảng loạn, thiếu tỉnh táo. "Cùng với đó, chúng đánh vào lòng tham, hám lợi, sự cả tin của nhiều người qua việc tặng quà, kinh doanh lãi cao, mua hàng giá rẻ... Bị hại của những thủ đoạn lừa đảo này phần lớn là phụ nữ. Nhiều vụ việc người dân bị lừa đảo như chuyện đùa như đang có nhu cầu vay tiền lại bị kẻ xấu dẫn dắt, dụ dỗ tin theo chuyển cho chúng hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng", trung tá Măng chia sẻ.

Ví dụ như trường hợp anh N.S.D. ở huyện Cẩm Giàng do cần tiền chi tiêu nên đã dễ dàng mắc mưu kẻ gian. Trước đó, anh D. tìm hiểu một số ứng dụng cho vay trên mạng. Ngày 9.6.2022, anh D. nhận được cuộc gọi tư vấn hướng dẫn vay tiền qua ứng dụng Kexin FLC và tải ứng dụng về máy điện thoại. Hai ngày sau, anh D. được các tài khoản Zalo: "Lê Trọng Việt", "Cao Xuân Hữu" tư vấn hướng dẫn vay tiền trên ứng dụng. Sau khi đăng ký thông tin, anh D. nhận hồi báo thông tin tài khoản sai nên không giải ngân được số tiền cần vay và yêu cầu anh D. chuyển tiền đặt cọc để nâng điểm tín dụng nếu không tài khoản sẽ bị khóa. Tưởng thật, anh D. nhiều lần chuyển khoản với tổng số tiền 170 triệu đồng cho các đối tượng. 

Khó đấu tranh, triệt phá 

Theo tổng hợp của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, từ tháng 6.2021 - 6.2022, đơn vị tiếp nhận, xác minh 61 vụ, 67 bị hại bị lừa đảo trên không gian mạng với tổng số tiền thiệt hại hơn 40 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phần lớn các vụ việc lừa đảo trên không gian mạng rất khó điều tra, làm rõ kẻ phạm tội. Để xử lý được một vụ, cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc truy tìm dấu vết phạm tội. Có vụ, cơ quan công an mất hàng năm mới xác định được đối tượng đã di chuyển qua nhiều địa bàn.

Khó khăn lớn nhất mà cơ quan điều tra gặp phải là các đối tượng phạm tội công nghệ cao sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, liên tục thay đổi phương thức hoạt động. Các đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp thường sử dụng các tài khoản mạng xã hội ẩn danh, sim số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng giả mạo. Ngoài ra, phần lớn đối tượng lừa đảo hoạt động ở các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị ở nước ngoài càng gây khó khăn cho việc xử lý, làm rõ.

Các dịch vụ ngân hàng số, tiện ích số, thanh toán hóa đơn điện tử... ngày càng đa dạng, phong phú. Cùng với đó, việc đăng ký mở mới, sử dụng các loại tài khoản ngân hàng, ví điện tử, chứng khoán, tiền ảo còn nhiều lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm pháp. Việc phối hợp cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức liên quan có lúc chậm trễ, chưa đầy đủ thông tin, tài liệu, gây khó khăn cho công tác xác minh, truy tìm đối tượng, phong tỏa, thu hồi tài sản phạm pháp.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Muôn kiểu "sập bẫy" lừa đảo trên không gian mạng