Cố tình không nộp phù hiệu ô tô khi bị thu hồi

21/10/2018 09:11

Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã và đang quyết liệt xử lý các ô tô vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình, nhưng nhiều chủ xe là doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải (KDVT) vẫn không hợp tác...

Đến nay, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải) mới tiếp nhận được gần một nửa số phù hiệu do chủ xe vi phạm nộp về

Xem thường quy định

Ngày 10.9.2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2014/NĐ - CP về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô tô. Theo đó, đơn vị KDVT hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, KDVT hành khách theo hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, KDVT hàng hóa bằng xe container phải lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của thiết bị giám sát hành trình...

Qua thiết bị giám sát hành trình, nhiều vi phạm của ô tô đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Từ đầu năm đến nay, có khoảng 500 ô tô đã bị Sở GTVT ra quyết định thu hồi phù hiệu 1 tháng. Trong 7 ngày kể từ khi có quyết định thu hồi, những người liên quan phải nộp phù hiệu về Sở Giao thông vận tải (GTVT). Chỉ trong tháng 8 và tháng 9, Sở GTVT đã ban hành 4 quyết định thu hồi phù hiệu đối với 388 xe buýt, taxi, xe tải, xe khách... của khoảng 200 doanh nghiệp và hộ KDVT.

Bị thu hồi phù hiệu đồng nghĩa với việc trong thời gian không có phù hiệu thì các xe này không được phép hoạt động. Nếu cố tình lưu thông, mức phạt sẽ rất nặng. Ví dụ xe tải không có phù hiệu, theo điều 30 Nghị định 86/2014/NĐ - CP của Chính phủ, lái xe sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng, tước bằng lái từ 1 - 3 tháng.

Mặc dù quyết định của Sở GTVT đã có hiệu lực, song quá thời gian yêu cầu, nhiều chủ ô tô vẫn cố tình không nộp phù hiệu. Đó là các Công ty: TNHH Thương mại Đức Chính (không nộp phù hiệu 6 xe), Thương mại tổng hợp Huy Hà - TNHH (5xe), TNHH một thành viên Bốn Sao (5xe), TNHH một thành viên Thương mại MT (4 xe)... Các chủ hộ KDVT có ô tô bị thu hồi phù hiệu nhưng không nộp như các ông: Bùi Hữu Phong, Bùi Quang Hiền, Bùi Văn Ánh, Chu Văn Khính...

Kiên quyết xử lý

Giám sát hành trình là thiết bị điện tử thông minh, có thể lưu giữ các thông tin như hành trình, tốc độ, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe, thời gian lái xe. Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình được sử dụng làm tài liệu trong quản lý hoạt động của đơn vị vận tải và cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu.

Điển hình như ngày 7 và 8.9, Sở GTVT ra 2 quyết định thu hồi phù hiệu 239 ô tô của các Công ty CP: Phát triển dịch vụ thương mại QT Đức Thắng, Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng, Giao nhận kho vận Hải Dương; các Công ty TNHH một thành viên: Bốn Sao, Mai Linh Hải Dương... Thông tin từ giám sát hành trình cho thấy những ô tô trên vi phạm các lỗi: tín hiệu giám sát hành trình không ổn định, mất tín hiệu ở khu vực TPHải Dương, mất tín hiệu từ TP Hải Dương đến tỉnh ngoài; đi sai hành trình, lịch trình, đi vào đường cấm... 

Thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục xử lý nghiêm, thu hồi phù hiệu của các ô tô vi phạm. Đối với những chủ xe không nộp phù hiệu, Sở GTVT sẽ áp dụng những biện pháp quyết liệt hơn. Ngày 11.10, Sở GTVT đã đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp, hộ KDVT thực hiện nghiêm quy định về quản lý và sử dụng thiết bị giám sát hành trình. Theo đó, các trường hợp phương tiện không nộp lại phù hiệu, Sở GTVT Hải Dương đăng cảnh báo toàn quốc trên hệ thống đăng kiểm và thu hồi phù hiệu phương tiện đó 6 tháng. Trong thời gian chủ các xe này chưa nộp phù hiệu, những ô tô trên không được đăng kiểm tại bất cứ hệ thống đăng kiểm nào trên toàn quốc.

Sở GTVT cũng yêu cầu phương tiện của các đơn vị KDVT phải truyền dẫn thông tin 24/24 giờ, không được sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu khi truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Nếu xe hỏng hoặc ngừng hoạt động mà giám sát hành trình không truyền được dữ liệu trên 7 ngày thì đơn vị KDVT phải báo cáo. Theo Nghị định 46 của Chính phủ, ô tô của tổ chức không truyền dữ liệu sẽ bị xử phạt từ 6 - 8 triệu đồng, xe của cá nhân từ 3 - 4 triệu đồng. 

Tại Việt Nam cũng như ở Hải Dương, mặc dù áp dụng chưa lâu, song thông qua giám sát hành trình đã góp phần bảo đảm công khai, công bằng trong KDVT và xử lý vi phạm. Trích xuất thông tin từ giám sát hành trình của phương tiện bị tai nạn, cơ quan chức năng còn có thể phân tích được nguyên nhân tai nạn, tìm ra biện pháp xử lý bất cập của hạ tầng hoặc cảnh báo tai nạn. Do đó, ngoài yêu cầu các chủ phương tiện duy trì ổn định hoạt động giám sát hành trình, kiên quyết thu hồi phù hiệu của xe vi phạm, ngành GTVT cần sớm cung cấp danh sách phương tiện chây ì không nộp phù hiệu cho lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông các địa phương để phát hiện, xử lý nếu phương tiện đó cố tình lưu hành.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cố tình không nộp phù hiệu ô tô khi bị thu hồi