Vùng vụ đông nghìn tỷ vào mùa

14/10/2018 11:41

Khi gió heo may thổi từng đợt hanh hao, hoa muống nở trắng các xứ đồng thì cũng là lúc nông dân Kinh Môn hối hả bước vào sản xuất vụ đông...

Mỗi năm, huyện Kinh Môn thu về hơn 1.000 tỷ đồng từ hành tỏi. Trong ảnh: Người dân thôn Trung Hòa, xã Thăng Long tập trung làm đất trồng cây vụ đông

Công trường vụ đông

Sáng sớm ngày đầu tháng 10, ánh nắng yếu ớt chưa thể hong khô những lá cỏ còn bám đầy sương đêm nhưng khắp các khu đồng của huyện Kinh Môn đã rộn rã tiếng nói cười. Đứng trên đê tả sông Kinh Môn nhìn xuống, cánh đồng khu nam An Phụ giống như một công trường rộn rã. Ai nấy đều hăng say làm việc. Từng vạt lúa vàng óng được ngả xuống bởi những chiếc máy gặt công suất lớn. Nông dân tất bật thu gom rơm rạ, bó cẩn thận đặt trên bờ để nhường lại ruộng cho máy làm đất. Khi đất đã vỡ tơi, người dân lại nhanh chóng lên luống cho kịp xuống giống vụ đông. Người dân Kinh Môn đã chuyển vụ nhanh chóng bằng những khâu sản xuất nhịp nhàng như thế. Hôm trước vẫn còn dấu ấn vụ mùa, hôm sau đã mang dáng dấp vụ đông.

Đặc trưng vụ đông Kinh Môn là hành tỏi. Cây hành, cây tỏi trồng tại đồng đất Kinh Môn không chỉ nổi tiếng khắp miền Bắc mà còn “có số, có má” trên cả nước. So về diện tích, hành Kinh Môn chỉ thua hành của huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Còn nếu căn cứ theo vùng hành sản xuất tập trung thì nơi đây đứng đầu cả nước. Người dân thôn Trung Hòa, xã Thăng Long luôn tự hào vì có cánh đồng hành đẹp nhất huyện. Vì thế, không khí sản xuất ở đây những ngày này cũng rộn ràng hơn. Đã gần 70 tuổi song ông Bùi Đức Đỉnh vẫn ra đồng từ tờ mờ sáng. Khi mặt trời đứng bóng, gió khô, nắng hanh táp vào gương mặt nhăn nheo bỏng rát, ông Đỉnh vẫn nhẫn nại, cẩn thận dùng xẻng khơi sâu rãnh luống. Thỉnh thoảng, ông lại tếu táo trêu đùa những người ruộng bên để xua tan mệt mỏi. Lẽ ra đã đến lúc an hưởng tuổi già nhưng vợ chồng ông Đỉnh vẫn trồng 1 mẫu hành. Ông bảo không tham công tiếc việc làm sao được khi mỗi vụ hành gia đình ông thu lãi cả trăm triệu đồng.

Khi thấy có người lạ hỏi chuyện, anh Phạm Văn Rô có ruộng gần đó cũng buông cuốc chạy sang tiếp lời: “Không chỉ làm ngày, chúng tôi còn làm đêm. Năm nay vào vụ, trời nắng hanh, làm đất thuận lợi nên bà con bớt vất vả hơn. Chứ như năm trước, mưa xối xả, sợ lỡ thời vụ, chúng tôi làm quên ăn, quên ngủ. Ánh sáng từ đèn pin trên cánh đồng chỉ tắt lúc 11 giờ đêm hôm trước và được thắp lại ngay từ 3 giờ sáng hôm sau. Làm vụ đông mệt nhưng vui. Cuối tuần, khu đồng lại càng nhộn nhịp. Những người làm công nhân trong huyện hoặc đi làm ăn xa tranh thủ phụ giúp gia đình trồng hành trong ngày nghỉ, còn trẻ nhỏ cũng háo hức ra đồng phụ bố mẹ, ông bà việc vặt”.

Nếu như người dân khu nam An Phụ mới đang tất bật làm đất thì ở khu bắc An Phụ, nông dân đã xuống giống hành tỏi. Khu vực này là vùng trồng tỏi tập trung của huyện. Do cây tỏi có thời gian sinh trưởng dài hơn cây hành nửa tháng nên khi trồng xong tỏi, nông dân ở đây cũng bắt tay ngay vào trồng hành. Nhanh tay trải rạ che phủ những luống hành vừa trồng, ông Vũ Văn Tú ở thôn Hán Xuyên, xã Thất Hùng hồ hởi: “Nhà tôi trồng 3 mẫu hành tỏi. 1,5 mẫu tỏi tôi đã huy động người trồng xong từ mấy ngày trước, còn giờ bắt đầu trồng hành”. Nông dân trong vùng thường lấy tiết hàn lộ để làm mốc trồng hành tỏi, còn với kinh nghiệm gần 30 năm gắn bó với 2 loại cây này, ông Tú nắm được quy luật để trồng hành tỏi cho năng suất cao. Theo ông Tú, khi hoa muống bắt đầu nở là thời điểm thích hợp nhất để trồng tỏi, còn khi hoa nở rộ thì trồng hành. Trồng như vậy, hành tỏi sẽ ít sâu bệnh và xuống củ thuận lợi hơn.

Vụ đông của huyện Kinh Môn chỉ diễn ra trong khoảng 20 ngày nên mọi thứ đều cập rập, vội vã. Người dân ở đây đặc biệt quan tâm vụ đông, bởi hiệu quả kinh tế từ vụ sản xuất này đáng giá hơn nghìn tỷ đồng, gấp cả chục lần 2 vụ lúa trong năm cộng lại.

Hướng đến hiệu quả lâu dài

Mặc dù nhiều địa phương đã chểnh mảng với vụ đông nhưng nông dân Kinh Môn vẫn luôn gắn bó và tâm huyết với vụ sản xuất này. Trong ảnh: Nông dân xã Thất Hùng trải rạ che phủ những luống hành vừa trồng

Không ai nhớ chính xác thời gian cụ thể hành tỏi bắt đầu bén rễ đồng đất Kinh Môn mà chỉ biết rằng từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi huyện Nam Sách phát triển cây hành thì nông dân Kinh Môn thâm canh cây tỏi. Cuối năm 80, cây hành được đưa sang đất Kinh Môn trồng. Điều kiện thổ nhưỡng của mảnh đất bán sơn địa được bao bọc bởi 4 con sông đã làm cho cây hành dần trở thành cây trồng chủ lực của người dân nơi đây. Chất đất thịt pha cát giúp cây hành xuống củ đều, đẹp, củ chắc nên tỷ lệ hao hụt sau bảo quản thấp. Chính vì vậy, người dân Nam Sách có thói quen bán hành tươi, non, còn nông dân Kinh Môn thường để hành già bán quanh năm. Đây cũng là lý do khiến hành tỏi Kinh Môn có giá bán ổn định hơn.

Câu chuyện riêng tư trên mảnh ruộng của ông Đỉnh bỗng chốc thu hút sự quan tâm của nhiều người dân khác. Ai cũng muốn góp lời để nói về giá trị mà cây hành, cây tỏi mang về cho các hộ. Thấy vậy, ông Đỉnh tươi cười, chỉ tay giới thiệu từng người: "Nhà cô này có 2 người mà trồng 2 mẫu hành, vừa bán nốt số hành khô vụ trước nhưng cầm 250 triệu đồng tiền tươi. Còn anh kia, đã làm trang trại vẫn tranh thủ trồng 7 sào hành. Nhiều lúc anh còn dùng tiền hành thu về để cứu vãn ao cá đang xuống giá. Tôi không tâng bốc cũng không giấu giếm bởi thực tế là như vậy. Trồng hành tỏi chỉ có lãi ít hay lãi nhiều chứ hiếm khi thua lỗ. Chính bởi lý do này mà cây hành, cây tỏi đã trồng ở đất này trên dưới 30 năm vẫn chưa bị soán ngôi. Ở xã không có đất bỏ hoang trong vụ đông, thậm chí một số hộ còn tận dụng cả bờ mương để trồng hành tỏi".

Như để minh chứng thêm cho câu nói của ông Đỉnh, chị Lê Thị Liễu hướng mắt nhìn về phía những ngôi nhà cao tầng san sát ở phía xa. "Cứ đi một vòng quanh làng là sẽ thấy hành tỏi có ý nghĩa như thế nào đối với nông dân Kinh Môn. Cây hành, cây tỏi không những giúp chúng tôi xây nhà, mua xe mà còn đóng góp được nhiều hơn cho quê hương. Cuộc sống vật chất khấm khá, đời sống tinh thần cải thiện, chúng tôi còn mong ước gì hơn", chị Liễu tươi cười nói.

Nông dân Kinh Môn đổi đời nhờ hành tỏi nên khi các địa phương khác trong tỉnh chểnh mảng vụ đông thì người dân trong huyện vẫn gắn bó và tâm huyết với vụ sản xuất này. Mặc dù vậy, họ vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Gần 20 năm làm trong HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hiệp Hòa, ông Dương Văn Tấn hiểu rõ những bất lợi trong sản xuất vụ đông của huyện. Theo ông Tấn, dù được thiên nhiên ưu đãi, người dân cần cù, chịu khó song nhiều khi vẫn không chinh phục được thiên nhiên. Những năm gần đây, người trồng hành tỏi đối mặt nhiều hơn với nguy cơ mất mùa vì thời tiết bất thường. Hơn nữa, nông dân chưa chủ động được đầu ra sản phẩm, vẫn lệ thuộc vào tiểu thương. Do đó, nhiều thời điểm, lợi nhuận thu về vẫn chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Để có thể khai thác tối đa giá trị sản xuất vụ đông trước những lợi thế cũng như khó khăn đang gặp phải, huyện Kinh Môn đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tiếp thêm động lực, giúp người dân yên tâm canh tác. Bên cạnh việc đẩy mạnh quy vùng tập trung, định hướng nông dân sản xuất hàng hóa và áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến, huyện tích cực liên hệ với các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ. Những mô hình có thể nâng cao giá trị hành, tỏi, huyện đều quan tâm thực hiện. "Tất cả những giải pháp, những việc làm của huyện đều hướng tới phát triển vụ đông bền vững, lâu dài", ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định.

Năm nay, vụ đông ở Kinh Môn được thời tiết ủng hộ nên người dân có thêm niềm tin về một vụ sản xuất thắng lợi. Vì vậy, dù nắng đã tắt sau những triền đê nhưng tiếng nói, tiếng cười của người dân vẫn như bừng sáng trên các khu đồng.

DŨNG CƯỜNG

Hằng năm, huyện Kinh Môn gieo trồng khoảng 4.250 ha cây vụ đông. Trong đó, có hơn 3.600 ha hành tỏi, tập trung ở các xã khu bắc và khu nam An Phụ. Với năng suất từ 16 - 17 tấn/ha, mỗi năm huyện thu về hơn 1.000 tỷ đồng từ hành tỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vùng vụ đông nghìn tỷ vào mùa