[Video] Vất vả xử lý lộc đông trên cây vải

30/11/2020 06:30

Khi trời bắt đầu lập đông cũng là lúc người dân Thanh Hà tập trung "canh lộc" trên cây vải để xử lý kịp thời.

Diệt lộc đông trên cây vải thời điểm này là một trong những công đoạn quan trọng đánh giá được năng suất, hiệu quả cây vải về sau. Nếu để lộc đông mọc tràn lên sẽ ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa. Mật độ lộc dày đặc, cây vải sẽ không phát nụ ôm hoa nên không được thu hoạch.


Ông Lê Văn Lời ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Quang ngắt tỉa lộc ở cây vải mới trồng 

Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy có 1,5 mẫu vải, chủ yếu  là vải thiều chính vụ. Mặc dù thường xuyên ra vườn chăm sóc vải, hôm thì tỉa lá, tỉa cành, quét dọn vườn tược, nhưng năm nào cũng như một thói quen, bà tính sau tiết lập đông vài ngày vải sẽ bắt đầu nhú lộc. Đợt lộc này vừa hại cây lại khó ra hoa, để khống chế hiệu quả lộc cần khoanh cành. Bà chọn khoanh cành cấp 3 để đỡ hại cây, nhằm hạn chế sự vận chuyển quang hợp từ lá và chất khoáng do cây hút. Lúc khoanh phải thật khéo léo. Vết khoanh chỉ được qua vỏ và chạm đến gỗ của cành vải chứ không được khoét sâu vào gỗ. Nếu khoét sâu có thể sẽ làm chết cành hoặc tổn thương, cây phục hồi chậm. Bà Tuyết cho biết nếu khoanh cành tốt thì có khả năng hạn chế được 90% số lộc đông. Sau đó có cây nào nhú lộc thì sẽ làm thủ công bằng cách đi ngắt từng cành. Nhà nào để lộc đông nhiều thì phải sử dụng thuốc phun trừ lộc  bằng cách pha phân bón lá với thuốc trừ cỏ và nước phun ướt đều khắp mặt tán cây, sau từ 5- 7 ngày lộc non sẽ thui rụng. Sau khi lộc thui rụng tiếp tục pha phân bón lá thúc đẩy ra hoa. Để làm đến khâu này thì người dân mất rất nhiều công sức, hại cây. Vì thế nhiều năm nay người dân Thanh Hà  dồn sức "canh" lộc đông để ngắt, tỉa ngay.

Gia đình ông Lê Văn Lời ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Quang năm nay có gần 2 mẫu vải, chủ yếu vải sớm. Do có kinh nghiệm chăm sóc nên lộc đông trên vải của gia đình ông ít hơn so với nhiều nhà khác. Ngày nào ông cũng phải ra vườn thăm, vạch từng tán lá để quan sát, có lộc là ngắt luôn. Ông Lời cho biết: "Nếu thuận lợi thì vải chỉ có một đợt lộc đông, nhưng có năm cây ra từ 2-3 đợt lộc do thời tiết thất thường, nông dân xử lý rất vất vả". Trong giai đoạn quan trọng đánh giá năng suất, sản lượng của cây vải này, nhiều người đứng ngồi không yên vì sợ thời tiết thay đổi. Ông Lê Văn Minh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phúc Giới cho biết dù vải sớm đã được áp dụng mọi biện pháp ngăn lộc đông nhưng cứ phải qua tháng 12 mới yên tâm được.


Bà Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy đang dọn bớt những cành vải non mọc ở thân cây vải

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà đang tích cực tuyên truyền các hộ dân áp dụng quy trình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng vùng đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu quốc tế thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng. Hiện nay một số diện tích vải u trứng trắng khu Hà Đông đã ra hoa cần theo dõi thường xuyên. Nếu trường hợp vừa ra hoa vừa ra lộc phải ngắt bỏ lộc tạo điều kiện cho hoa sinh trưởng, phát triển. Đối với trà vải chưa có biểu hiện ra lộc cũng phải theo dõi, giữ nước trên vườn, rãnh, tuyệt đối không tưới nước, bón phân, đạm khi cây ra hoa.

Huyện Thanh Hà hiện có khoảng 3.500 ha vải, trong đó có khoảng 2.000 ha vải thiều chính vụ, còn lại là vải sớm. Do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng của vụ vải năm 2019 và 2020 giảm nhiều so với những năm trước đó. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà đề nghị thời gian tới các cấp, ngành tiếp tục quan tâm chuyển giao kỹ thuật chăm sóc vải cho người dân, giúp họ khắc phục được những biến đổi bất thường của thời tiết, làm chủ khoa học công nghệ, áp dụng hiệu quả trong mùa vải tới. 

Xem clip

MINH NGUYỆT 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Vất vả xử lý lộc đông trên cây vải