Rào cản trong chuyển đổi đất lúa

24/05/2020 13:27

Việc chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu và nuôi thuỷ sản ở một số địa phương vẫn còn những khó khăn dù thấy rõ hiệu quả kinh tế.

Tại những vùng chuyển đổi, hiệu quả kinh tế được đánh giá cao hơn nhiều lần so với cấy lúa

Mặc dù chuyển đất lúa sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu và nuôi thuỷ sản mang lại thu nhập cao hơn nhiều lần so với cấy lúa, nhưng việc chuyển đổi ở một số địa phương vẫn gặp những rào cản nhất định, khiến mục tiêu của một số địa phương không đạt được.

Hiệu quả rõ rệt

Trước đây, gia đình anh Đỗ Văn Tròn ở khu dân cư Duẩn Khê, phường Long Xuyên (Kinh Môn) chủ yếu cấy lúa kết hợp trồng dưa. Sau nhiều năm áp dụng mô hình này, anh thấy dù trồng dưa vất vả nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cấy lúa. Từ năm 2018, anh đã chuyển toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng dưa. Anh Tròn cho biết: "Hiện nay tôi có trên 9 sào trồng dưa. Mỗi năm trồng 3 vụ dưa lưới, thu lãi khoảng 250 triệu đồng. Đây là khu vực chuyển đổi đất lúa (CĐĐL) sang trồng rau màu của phường nên việc trồng và tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi". 

Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2018-2020 của Hải Dương mới thực hiện được hơn 2 năm nay nên chưa thể đánh giá được hết hiệu quả cây trồng trên các vùng chuyển đổi, nhất là những vùng trồng các cây lâu năm như cam, ổi... Nhưng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tại những vùng đã CĐĐL từ nhiều năm trước đây sang trồng các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cấy lúa. Trong đó, diện tích đất lúa chuyển sang trồng cây ăn quả cho lãi từ 400-600 triệu đồng/ha/năm, nơi cao lên đến 1 tỷ đồng. Diện tích chuyển đổi đất trũng sang nuôi thuỷ sản cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha/năm, nơi cao lên đến 300 triệu đồng; rau màu cũng cho lãi hàng trăm triệu đồng/ha. Một số địa phương CĐĐL mạnh mẽ như Kinh Môn, Thanh Miện, Chí Linh...

Do rau màu và cây ăn quả sử dụng ít nước tưới và chịu được ngập úng nên bên cạnh lợi ích về kinh tế, những mô hình này còn thích hợp với những vùng thiếu nước hoặc bị ngập úng kéo dài. Việc CĐĐL sang trồng các cây khác, nuôi thủy sản đã góp phần hình thành nên những đặc sản, đặc trưng của địa phương, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp.

Nhiều khó khăn

Mặc dù hiệu quả kinh tế cao nhưng trong quá trình CĐĐL, các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn dẫn đến diện tích chuyển đổi không đạt được như kỳ vọng.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2018-2020, huyện Cẩm Giàng có 9 xã gồm Cẩm Vũ, Thạch Lỗi, Cao An, Cẩm Hoàng, Tân Trường, Kim Giang (nay là thị trấn Cẩm Giang), Cẩm Sơn (nay là xã Định Sơn), Cẩm Hưng và Cẩm Văn đăng ký chuyển đổi hơn 700 ha. Nhưng trong 2 năm 2018-2019, toàn huyện mới chuyển đổi được 296 ha, năm nay phấn đấu chuyển đổi thêm khoảng 100ha. Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cẩm Giàng, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ CĐĐL trên địa bàn huyện thấp là do quy định diện tích chuyển đổi khá lớn, từ 5 ha/vùng trở lên. Tỉnh quy định người dân tuyệt đối không được dựng, làm nhà ở, nhà trông coi, kể cả lán trại, lều tạm trên đất chuyển đổi cũng là một khó khăn trong việc thực hiện CĐĐL. "Những năm qua, Cẩm Giàng dành nhiều diện tích cho phát triển khu, cụm công nghiệp. Những cánh đồng "thẳng cánh cò bay" ở địa phương không còn mà thay vào đó là diện tích đất "xôi đỗ" nên việc quy hoạch các vùng chuyển đổi rộng 5ha đối với địa phương là khó khăn. Để xây dựng được vùng chuyển đổi quy mô lớn, các gia đình phải đầu tư nguồn vốn lớn vào cây trồng, vật nuôi nhưng lại không được làm nhà để trông coi, bảo vệ hoa màu, tài sản nên các hộ không yên tâm sản xuất", ông Thiện chia sẻ.

Huyện Bình Giang đăng ký diện tích chuyển đổi khá ít so với các địa phương khác trong tỉnh, chỉ khoảng 526 ha. Dù vậy huyện vẫn không đạt mục tiêu. Đến nay, Bình Giang mới chuyển đổi được 180 ha sang trồng rau màu và 50 ha sang trồng cây ăn quả; không chuyển đổi được sang nuôi thủy sản. Từ lâu người dân Bình Giang thường áp dụng mô hình chăn nuôi, trồng trọt kết hợp với nuôi thủy sản. Mô hình này được đánh giá là an toàn, phân tán rủi ro khi gặp những tác động tiêu cực từ thời tiết, thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, theo quy định người dân chỉ được chuyển đổi 20% số diện tích sang nuôi thủy sản và việc đào ao cũng không được sâu quá 1,2 m để bảo đảm thuận lợi khi khôi phục lại thành đất lúa. "Quy định diện tích đào ao thả cá này quá nhỏ, không phù hợp với nhu cầu thực tế. Nếu đã nuôi thủy sản thì phải đầu  tư quy mô lớn để thuận tiện trong chăm sóc, mua cám, hệ thống máy sục khí cũng như việc thu hoạch. Bên cạnh đó, độ sâu của ao cá cũng không bảo đảm, nuôi như vậy thì hiệu quả không cao", ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Bình Giang cho biết. 

Trong 2 năm 2018-2019, toàn tỉnh chuyển đổi được hơn 2.200 ha, đạt gần 51% kế hoạch. Trong đó gần 805 ha chuyển sang trồng cây hằng năm, gần 1.264 ha trồng cây lâu năm, gần 147 ha nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa. Năm 2020, toàn tỉnh dự kiến chuyển đổi 1.000 ha đất lúa sang trồng các loại cây khác và nuôi thủy sản. Như vậy, nếu thực hiện đủ diện tích chuyển đổi năm 2020 thì trong 3 năm, việc CĐĐL trong toàn tỉnh cũng chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch của UBND tỉnh. 

Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu CĐĐL từ 3.000-5.000ha, mỗi năm chuyển đổi từ 600-1.000 ha. Về cơ bản, các điều kiện chuyển đổi giống như giai đoạn trước, song cũng có đổi mới cho phù hợp thực tế. Trong đó, quan trọng nhất là diện tích vùng chuyển đổi đã giảm từ 5ha/vùng xuống còn 3 ha. "Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để các địa phương xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo, phát huy lợi thế, hình thành được nhiều vùng chuyển đổi, nâng cao giá trị trên 1ha đất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn", ông Lê Thái Nghiệp, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT) cho biết.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Rào cản trong chuyển đổi đất lúa