Kinh Môn: Trồng sắn dây không lo đầu ra

08/07/2020 10:21

Từ cây trồng phụ, nông dân tận dụng vùng bờ bãi để trồng, sắn dây đã từng bước trở thành cây hàng hóa chính của một số phường, xã ở Kinh Môn, mang lại thu nhập cao cho người dân.


Bột sắn dây của cơ sở sản xuất Thành Nhàn, xã Thượng Quận (Kinh Môn) được người tiêu dùng nhiều nơi biết đến

Nông dân ở đây trồng nhiều loại như sắn hoa tím, hoa trắng, chân vịt... Sau mỗi vụ thu hoạch, họ chọn những cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, xử lý qua vôi bột để ươm mầm. Khi dây sắn mọc mầm, người dân lại tách ra đưa vào từng bầu để tạo các cây độc lập. Từ tháng 4 hằng năm, người trồng bắt đầu dùng đất cát pha thịt, tơi xốp, được trộn thêm phân bón để đắp các ụ đất lớn.

Gia đình anh Mạc Duy Độ, ở khu dân cư số 8 (phường An Phụ) mỗi năm trồng 3 mẫu sắn dây. Theo anh Độ, để sắn cho năng suất, chất lượng cao, khi cây vươn dài phải làm giàn cho sắn leo. "Năm vừa rồi năng suất sắn của gia đình tôi đạt 1,2 tấn/sào. So với những loại cây khác, cây này có thể thu hoạch kéo dài cả tháng. Nếu không bán sắn tươi thì chế biến thành bột nên người trồng không lo đầu ra", anh Độ nói.

Với ưu điểm giàu giá trị dinh dưỡng, bổ, mát nên sắn dây được ưa chuộng trên thị trường. Vào vụ thu hoạch, nhiều khách hàng trong và ngoài thị xã mua sắn tươi về làm thành bột. Gia đình ông Nguyễn Văn Thành ở xã Thượng Quận gắn bó với nghề làm bột sắn dây khoảng 10 năm nay. Mỗi vụ gia đình ông làm chục tấn bột sắn. Theo ông Thành, để thu được bột sắn ngon phải chọn những củ to, rửa sạch trước khi cho vào nghiền. Để bột sắn trắng, mịn đòi hỏi phải làm tốt khâu ngâm sắn và lọc bột. Do vụ thu hoạch sắn thường có mưa phùn nên ông Thành phải đầu tư hệ thống lò sấy. Sắn sấy xong được đóng vào các túi nilon mới đem đi tiêu thụ. “Do tự tay chế biến nên bột sắn của gia đình tôi luôn bảo đảm chất lượng, được khách hàng ưa chuộng. Để nâng cao hơn nữa uy tín của sản phẩm, năm nay, tôi đã đăng ký tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm với thương hiệu bột sắn dây Thành Nhàn”, ông Thành cho biết.

Thị xã Kinh Môn có 310 ha sắn dây, tập trung nhiều ở các xã Thượng Quận, Hoành Sơn và phường An Phụ. Năng suất bình quân đạt khoảng 1 tấn/sào. Với giá bán sắn tươi từ 8.000-10.000 đồng/kg, người dân lãi từ 5-7 triệu đồng/sào. Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã cho biết so với những nơi khác, năng suất, chất lượng sắn dây của thị xã cao hơn hẳn bởi đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với loại cây này.

Để phát huy hơn nữa giá trị của cây sắn dây, thị xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp, tận dụng bờ vùng, bờ thửa, ven sông trồng sắn và quan tâm xây dựng thương hiệu cho loại cây này.

HÀ NGÂN

(0) Bình luận
Kinh Môn: Trồng sắn dây không lo đầu ra