Không được hỗ trợ xi măng: Nhiều địa phương khó thực hiện tiêu chí giao thông nâng cao

10/09/2019 15:47

Giao thông là tiêu chí khó nhất trong bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao nên việc không được hỗ trợ xi măng làm đường khiến nhiều địa phương lúng túng.

Xã Tân Kỳ còn 15 km đường giao thông cần tu sửa, mở rộng để bảo đảm tiêu chí giao thông nâng cao

Thiếu “mồi nhử”

Đặt mục tiêu về đích NTM nâng cao vào cuối năm 2019, đến nay xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) đã hoàn thành 17 trong tổng số 18 tiêu chí. Riêng tiêu chí về giao thông, xã vẫn loay hoay tìm cách gỡ khó vì có nhiều tiểu mục nằm ngoài khả năng thực hiện. Trong giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh hỗ trợ cho Tân Kỳ 2.266 tấn xi măng, nhân dân đã hăng hái đóng góp gần 7 tỷ đồng nâng cấp 23 km đường trục xã, đường thôn và ngõ xóm. Địa phương đã nhanh chóng hoàn thành tiêu chí giao thông, góp phần đưa xã cán đích NTM vào năm 2016.

Phát huy thành quả đạt được, Tân Kỳ tiếp tục vận động người dân hiến đất, góp công cải tạo, mở rộng đường. Trong 2 năm 2017-2018, địa phương này đã làm lại 16 tuyến đường thôn, xóm và đường ra đồng với tổng chiều dài gần 2 km. Để hoàn thành tiêu chí giao thông nâng cao, xã cần phải tu sửa thêm 15 km đường. Ông Phạm Việt Tiệp, Chủ tịch UBND xã cho biết địa phương luôn chú trọng đầu tư cho giao thông bởi đây là tiêu chí nền tảng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Xã đã huy động mọi nguồn lực song vẫn chưa bảo đảm các yêu cầu của tiêu chí giao thông nâng cao. Do không được hỗ trợ xi măng như trước nên địa phương phải tự xoay xở. "Huy động đóng góp quá sức dân cũng không được. Vì vậy, tiến độ làm đường đang bị chững lại. Nếu tỉnh hỗ trợ xi măng cho các xã NTM nâng cao thì chúng tôi mới có thể về đích đúng hẹn”, ông Tiệp nói.

Xã Quang Minh (Gia Lộc) cũng đang tập trung tháo gỡ khó khăn để hoàn thiện tiêu chí giao thông nâng cao. Theo ông Tạ Quang Điều, phụ trách địa chính xã, địa phương đạt chuẩn NTM từ năm 2014, khi đó thực hiện tiêu chí giao thông không khó như bây giờ. Quyết tâm xây dựng NTM nâng cao, trên nền cốt của các tuyến đường cũ, xã đang dồn sức cải tạo, mở rộng tuyến trục xã, liên thôn khang trang, sạch đẹp hơn. Để đồng bộ hệ thống giao thông trong xã, Quang Minh cần thêm khoảng 20 tỷ đồng. Trước kia, được tỉnh cấp xi măng nên người dân phấn khởi, chung sức cùng chính quyền làm đường. Còn hiện tại, địa phương phải tự lo toàn bộ kinh phí, nhiệm vụ cũng nặng nề hơn. “Xi măng chiếm 1/3 trong tổng giá trị đầu tư làm đường. Đối với các xã đang phấn đấu thực hiện NTM nâng cao, đây là nguồn hỗ trợ thiết thực, hiệu quả. Nó giống như vốn mồi giúp các địa phương tranh thủ sự ủng hộ của người dân. Khi không được hỗ trợ xi măng, chúng tôi cũng gặp khó trong việc vận động nhân dân”, ông Điều khẳng định.

Cần có cơ chế hỗ trợ

Để đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, các địa phương chỉ cần bảo đảm 80% điều kiện về chiều dài, chiều rộng của đường xã, đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm và đường trục chính ra đồng. Trong NTM nâng cao, việc đánh giá đạt chuẩn tiêu chí giao thông chặt chẽ với nhiều tiểu mục có yêu cầu cao hơn. Theo đó, các xã phải đạt 100% điều kiện về chiều dài rộng tuyến đường và có các công trình phụ trợ như hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng, biển báo hiệu, cây xanh… đáp ứng nhu cầu đi lại và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Mặc dù độ khó trong thực hiện tiêu chí này tăng nhưng các địa phương xây dựng NTM nâng cao không được hưởng cơ chế hỗ trợ xi măng của UBND tỉnh. Vì vậy, đến nay mới chỉ có 4 trong tổng số 25 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019 hoàn thành tiêu chí giao thông. Đây cũng là nguyên nhân làm cho tiến độ xây dựng NTM nâng cao của nhiều địa phương bị chậm.

Ông Phạm Văn Khoáng, Chủ tịch UBND xã Quang Minh đề xuất để về đích NTM, các xã đã huy động tối đa mọi nguồn lực. Nếu để các địa phương "tự bơi" khi xây dựng NTM nâng cao sẽ khó có thể khơi dậy được tinh thần tập thể và sức dân. Giao thông là tiêu chí khó, cần nguồn vốn lớn trong khi các xã phải thực hiện đồng thời nhiều tiêu chí khác. Tỉnh nên tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng để động viên, khuyến khích các xã phấn đấu. Có như vậy, phong trào xây dựng NTM nâng cao mới đi vào thực chất.

Theo ông Trần Duy Chinh, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối NTM tỉnh, hiện tỉnh vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ xi măng cho các xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao trong năm 2019. Chủ trương của tỉnh là tập trung cho các xã khó khăn, sau đó mới nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho các xã thực hiện NTM nâng cao. Điều này khiến nhiều địa phương phấn đấu hoàn thành NTM nâng cao giai đoạn đầu gặp không ít khó khăn. Trước thực tế này, Văn phòng điều phối NTM đã đề nghị Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đề xuất với UBND tỉnh xem xét điều chỉnh cơ chế hỗ trợ, nhất là về xi măng để tạo điều kiện cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao có thể về đích đúng kế hoạch.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không được hỗ trợ xi măng: Nhiều địa phương khó thực hiện tiêu chí giao thông nâng cao