Khi ý Đảng hợp lòng dân

04/01/2018 12:00

Sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Hải Dương đã thay đổi toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.


Đường giao thông nông thôn ở xã Long Xuyên (Kinh Môn) được đổ bê tông rộng rãi, tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Ảnh: PV

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

So với mặt bằng chung cả nước, tỉnh ta có thành tích nổi bật trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Hết năm 2017, Hải Dương có khoảng 140 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 58,6% trong khi toàn quốc mới đạt hơn 31%. Hiện bình quân mỗi xã đạt 17 tiêu chí NTM, cao hơn toàn quốc 3,47 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh xây dựng, cải tạo, nâng cấp được 2.350 km đường các loại, trên 83% số người dân khu vực nông thôn tham gia bảo hiểm y tế, 88% số người được sử dụng nước sạch…

Xây dựng NTM là chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức bởi không chỉ cần kinh phí lớn mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các tiêu chí cụ thể, rõ ràng.

Ngày 15.2.2011, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Quyết định 115/QĐ-TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia NTM tỉnh giai đoạn 2010-2020; ngày 24.9.2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV ban hành Nghị quyết 14/NQ-TU về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến năm 2020. Ở mỗi thời điểm, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đều ban hành các chủ trương, kế hoạch, định hướng xây dựng NTM phù hợp. Trong xây dựng NTM, tỉnh ban hành những cơ chế đặc thù như hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, vốn trực tiếp, vốn lồng ghép trong các công trình… cho các xã, các huyện, thị xã.

Căn cứ vào điều kiện, đặc điểm, mỗi địa phương lại có những giải pháp xây dựng NTM phù hợp. Đồng chí Bí thư Huyện uỷ Kinh Môn Nguyễn Minh Hùng cho biết: “Huyện ủy, UBND huyện Kinh Môn đã quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Huyện đã ban hành trên 10 văn bản. Lãnh đạo huyện thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình, kịp thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Trong 2 năm 2016-2017, huyện đã hỗ trợ mỗi xã hoàn thành NTM 2 tỷ đồng; các Trường THPT Kinh Môn và Nhị Chiểu cũng được hỗ trợ 2 tỷ đồng/trường để xây dựng hạ tầng”.

Năm qua, Kinh Môn trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh. Thị xã Chí Linh cũng đã bứt lên trở thành địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Phong trào xây dựng NTM được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể ở cơ sở hưởng ứng mạnh mẽ. Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Hiệp Lực (Ninh Giang) mới đạt 8 trong 19 tiêu chí và phấn đấu hoàn thành NTM vào năm 2017. Xã đã huy động tất cả các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc với những giải pháp hiệu quả, thiết thực. Đến năm 2015, xã đạt được 17 tiêu chí. 2 tiêu chí là cơ sở vật chất văn hóa và cơ sở vật chất trường học đạt 60-70% so với chỉ tiêu. Nhận thấy có nhiều khả năng "cán đích" NTM sớm nên Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung các nguồn lực hoàn thành 2 tiêu chí này. "Mặc dù không đăng ký nhưng với sự đồng tâm, hiệp lực cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã, năm 2016, Hiệp Lực đã về đích NTM", ông Nguyễn Xuân Chiên, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực cho biết.

Người dân tích cực hưởng ứng

Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, người dân xóm Chùa, thôn 2, xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) đã đóng mỗi khẩu 800.000 đồng làm lại 100 m đường dày 20 cm, rộng 4 m để đạt chuẩn NTM. “Khi xóm phát động làm lại đường, chúng tôi ủng hộ ngay. Từ khi có đường mới, chúng tôi đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn rất nhiều”, bà Hồ Thị Lan, một người dân trong xóm nói.

Không chỉ đóng góp tiền của, không ít gia đình còn chủ động phá dỡ công trình phụ, thậm chí cả nhà ở để hiến đất cho thôn, xóm mở rộng đường. Gia đình ông Nguyễn Văn Bàn ở thôn Duẩn Khê, xã Long Xuyên (Kinh Môn) là một điển hình. Để thôn mở rộng đường theo đúng tiêu chí NTM,  ông Bàn đã phá một phần ngôi nhà của con trai đang ở. Việc làm của ông có sức lan tỏa, tác động đến nhiều gia đình trong xóm. Nhiều hộ cũng tham gia hiến đất để mở rộng đường.

Ông Phạm Tuấn Hải, Trưởng thôn Cẩm Lý, xã An Lâm (Nam Sách) cho biết: “Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, người dân trong thôn, con em xa quê đã ủng hộ hơn 800 triệu đồng để xây dựng lại nhà văn hóa thôn. Nhà văn hóa mới rộng 140 m2 đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của nhân dân".

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, tổng kinh phí xây dựng NTM từ năm 2011 đến tháng 8.2017 trên địa bàn tỉnh đạt gần 30.761 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 4.265 tỷ đồng, chiếm 7,2%. Ngoài ra, người dân còn hiến hàng nghìn m2 đất, hàng nghìn ngày công lao động để làm đường, xây dựng các công trình công cộng. "Nếu không có sự hưởng ứng tích cực, đóng góp to lớn của người dân, nhiều địa phương, nhất là những xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ xây dựng NTM", ông Nguyễn Xuân Thuấn, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang khẳng định.

Hải Dương phấn đấu đến năm 2020 có 203 xã NTM, các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Nam Sách, Thanh Hà, Thanh Miện sẽ là huyện NTM, bình quân mỗi xã đạt 18,2 tiêu chí. Để đạt kết quả trên, thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục đề ra nhiều giải pháp xây dựng NTM hiệu quả như tỉnh tiếp tục hỗ trợ 5 tỷ đồng/xã hoàn thành NTM; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về công cuộc xây dựng NTM; tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân...

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi ý Đảng hợp lòng dân