Đàn thỏ khó bán, người nuôi thua lỗ

01/05/2020 10:55

​Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dù giá thịt thỏ đã xuống thấp nhưng người nuôi vẫn không tiêu thụ được.

Hàng nghìn con thỏ thịt của trang trại ông Cẩm bị tồn đọng dù giá thỏ thịt đã giảm sâu

Nuôi lâu, lỗ nhiều

Trang trại nuôi thỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Cẩm ở thôn Nghĩa Xá, xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) có quy mô lớn nhất tỉnh. Với 3 dãy chuồng khép kín, tổng diện tích chuồng nuôi lên đến 1.300 m2, trang trại đang nuôi 1.000 con thỏ bố mẹ và khoảng 6.000 con thỏ thịt. Trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thỏ của trang trại được tiêu thụ ở các nhà hàng, quán ăn... và không bao giờ ế hàng. Mỗi tháng trang trại cung cấp ra thị trường khoảng 1.600 con thỏ thịt, tương đương hơn 3 tấn thịt. Với giá bán 90.000 đồng/kg, ông Cẩm thu lãi 70 triệu đồng/tháng.

Sau Tết, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, giá bán thỏ giảm. Dù giá xuống thấp nhưng do không có thương lái đến mua nên lượng thỏ bị tồn nhiều. "Tổng số thỏ của cả trang trại đã lên tới gần 10.000 con. Chỉ tính riêng tiền cám đã hết hơn 200 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20 triệu đồng so với trước", ông Cẩm nói.
Nuôi thỏ từ năm 2015, anh Hà Văn Chiến ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) chưa bao giờ thấy khó khăn như hiện nay. Hầu hết các trang trại đều rơi vào tình trạng "đóng băng" ở khâu tiêu thụ. Trang trại của anh đang nuôi 400 thỏ bố mẹ và 4.000 thỏ thịt. Để giải quyết lượng thỏ bị tồn ứ trong chuồng, thay vì bán buôn cho thương lái, anh bán lẻ cho người dân trong vùng. Nhưng số thỏ tiêu thụ được không đáng kể. 
Theo các hộ chăn nuôi, chi phí nuôi 1 kg thỏ hơi từ 65.000 - 70.000 đồng. Hiện nay, thỏ đạt trọng lượng mà không tiêu thụ được, trong khi vẫn phải chi phí thức ăn, thuốc men thì người nuôi hiện lỗ từ 20.000 - 30.000 đồng/con, càng nuôi lâu thì càng lỗ nhiều. 


Anh Chiến tăng cường cho thỏ ăn các loại rau củ, cỏ, lá cây... để giảm chi phí chăn nuôi

Giảm tối đa chi phí

Để giảm thua lỗ, nhiều hộ nuôi thỏ đã nhanh chóng bán tháo đàn, bỏ nuôi, nhưng đây chỉ là biện pháp để các hộ chăn nuôi thỏ nhỏ (từ 50 con thỏ bố mẹ trở xuống) ứng phó với tình hình. Còn với các hộ chăn nuôi lớn thì không thể làm như vậy. 

Để giảm tối đa chi phí, ông Cẩm buộc phải cho 2 công nhân nghỉ việc. Việc chăm sóc đàn thỏ do vợ chồng ông và các con đảm nhận. Cũng từ sau Tết, ông cho thỏ tạm dừng sinh sản vì thỏ giống không có người mua. Ngoài ra, ông phải thay đổi thức ăn cho thỏ như dùng loại cám rẻ tiền hơn, tăng cường rau củ, cỏ, lá cây... Với ông Cẩm, lúc này cắt giảm chi phí được đồng nào hay đồng ấy. Đây cũng là cách mà nhiều trang trại nuôi thỏ đang áp dụng. 

Theo Hội Chăn nuôi thỏ Hải Dương, hiện toàn tỉnh có hơn 100 hộ chăn nuôi thỏ với quy mô từ 100 thỏ bố mẹ trở lên, tổng đàn thỏ thịt lên tới hàng trăm nghìn con. Hải Dương là một trong những tỉnh có phong trào nuôi thỏ phát triển mạnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Thỏ là con đặc sản nên thường được tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn lớn, đám cưới... Nay do dịch bệnh nên người nuôi thỏ cũng đang đối mặt với những khó khăn không nhỏ. 

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Đàn thỏ khó bán, người nuôi thua lỗ