Cẩn trọng khi nuôi tôm thẻ chân trắng

13/03/2019 14:29

Hiện nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.


Mỗi năm, gia đình ông Tưng thu lãi gần 200 triệu đồng từ 7 sào ao nuôi tôm 

Giá trị cao

Ông Nguyễn Văn Tưng ở thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đã nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá. Mấy năm gần đây, cá không còn mang lại giá trị kinh tế cao như trước do thị trường bão hòa. Nhận thấy tôm có khả năng cho lãi cao, ông Tưng đã đi nhiều tỉnh để tìm hiểu về kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc tôm thẻ chân trắng. Mặc dù loại tôm này sinh sống ở nước mặn và nước lợ, nhưng bằng niềm đam mê, ông Tưng đã mày mò, nghiên cứu và thuần hóa tôm thẻ chân trắng nuôi ở vùng nước ngọt.

Thời gian đầu nuôi, ông Tưng gặp nhiều khó khăn bởi vốn kiến thức hạn hẹp, kỹ thuật chăm sóc chưa cao, tôm thường xuyên bị chết. Ông tích cực đi tham quan và học hỏi nhiều mô hình nuôi tôm nước ngọt ở tỉnh khác. Nhờ quyết tâm theo đuổi đam mê, tôm dần thích nghi với môi trường mới, phát triển đồng đều và cho thu nhập cao. Hiện gia đình ông nuôi 1 ao tôm rộng 7 sào, mỗi vụ chỉ kéo dài 2 tháng. Tôm thẻ chân trắng nuôi nước ngọt có chất lượng thịt thơm ngon, vỏ mỏng và ngọt thịt hơn tôm nuôi trong nước mặn nên được thị trường ưa chuộng. Tôm này được bán với giá 300.000 đồng/kg loại 30-40 con/kg, cao gấp từ 8-10 lần so với cá rô phi. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 200 triệu đồng/năm.

Anh Vũ Văn Ngàn ở thôn Thượng Đáp, xã Nam Hồng (Nam Sách) là một trong những người đầu tiên thuần hóa và nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt. Gia đình anh chuyên cung cấp tôm giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho một số hộ trong tỉnh. Anh Ngàn cho biết: "Tôm thẻ chân trắng được người dân ưa chuộng, khâu tiêu thụ thuận lợi. Hiện nhiều hộ muốn nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt nhưng tỉnh chưa có chủ trương để quy hoạch và phát triển mô hình này. Do vậy, chúng tôi rất mong tỉnh nghiên cứu để quy hoạch được vùng nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt". Theo anh Ngàn, tôm thẻ chân trắng có thể sinh sống hoàn toàn trong môi trường nước ngọt. Thậm chí khi nuôi ở nước ngọt, tôm ít bị dịch bệnh hơn so với nuôi ở nước mặn và nước lợ.

Nhiều rủi ro

Ở một số tỉnh, việc nuôi tôm thẻ chân trắng bị kiểm soát chặt chẽ. Tại tỉnh ta, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên nuôi vì nhiều rủi ro. Đặc tính của con tôm này là sinh sống trong môi trường nước mặn. Bởi vậy, khi nuôi trong nước ngọt, một số hộ vẫn tự tạo độ mặn cho phù hợp với con tôm. Để tạo độ mặn, người nuôi thường thả 3-4 tạ muối/sào ao và dùng nước giếng khoan nuôi tôm. Nếu nuôi lâu dài với diện tích lớn sẽ ảnh hưởng tới các loại cá nước ngọt và cây trồng trong vùng. Ngoài ra, việc tạo độ mặn bằng cách thả muối xuống ao nuôi sẽ không bảo đảm khoáng chất như trong nước biển nên môi trường này không bền vững.

Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Do nuôi loại tôm này chỉ mang tính thử nghiệm với các mô hình nhỏ lẻ, trong thời gian ngắn nên không ảnh hưởng tới môi trường. Nhưng nếu phát triển nhiều với quy mô lớn sẽ tác động tiêu cực đến môi trường. "Tôm thẻ chân trắng yêu cầu kỹ thuật và môi trường nuôi rất khắt khe. Đặc biệt, loại tôm này rất nhạy cảm với thời tiết nên không phù hợp với mùa đông ở miền Bắc. Bởi khi nhiệt độ xuống thấp chỉ trong thời gian ngắn khiến tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi. Mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng lại kèm theo nhiều rủi ro nên cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên phát triển mô hình trên. Nếu nuôi phải tìm hiểu rõ kỹ thuật nuôi và nuôi thuần hóa hoàn toàn trong môi trường nước ngọt", ông Tình nói thêm.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng khi nuôi tôm thẻ chân trắng