Bất cập trong chuyển đổi đất lúa

12/03/2018 07:13

Do những quy định chưa cụ thể, thậm chí có nhiều bất cập dẫn tới tình trạng chuyển đổi tràn lan, không theo quy hoạch.


Nông dân xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản cho giá trị kinh tế cao

Quy định chưa sát thực tế

Tiếc ruộng bỏ hoang do cấy lúa kém hiệu quả, năm 2011 anh Nguyễn Đình Toản ở xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) thuê 12 mẫu ruộng để cải tạo nuôi cá. Quyết tâm vực dậy khu đồng chua trũng của anh Toản gặp nhiều trở ngại, vướng mắc bởi quy định sử dụng đất lúa. Theo quy định mới ban hành, chuyển đất lúa sang nuôi thủy sản không được phép hạ thấp độ sâu của mặt bằng dưới 1,2m và phải phục hồi được nguyên trạng khi quay lại gieo cấy lúa. Đây là yêu cầu khó bởi điều kiện nuôi thủy sản khác hoàn toàn so với cấy lúa. Trong khi đó chỉ được sử dụng tối đa 20% diện tích để hạ thấp mặt bằng nhưng lại không quy định rõ phạm vi nên không có căn cứ xác định diện tích nuôi thủy sản. Điều này khiến anh Toản hết sức băn khoăn: "Thực tế cho thấy nuôi cá cho thu nhập gấp nhiều lần so với cấy lúa nên tôi muốn tiếp tục mở rộng quy mô. Những ràng buộc về mặt pháp lý làm cho việc chuyển đổi đất trồng lúa gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến diện tích ruộng hoang ngày một gia tăng". 

Đồng quan điểm với anh Toản, bà Mạc Thị Hinh ở xã Cẩm Chế (Thanh Hà) nhận thấy quy định về chuyển đổi đất lúa chưa sát thực tế khi không đề cập đến việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Gia đình bà Hinh có nhu cầu chuyển đổi đất trồng lúa sang làm trang trại theo mô hình vườn, ao, chuồng nhưng theo quy định, gia đình bà chỉ được phép trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi thủy sản. “Khi chuyển đổi đất lúa chúng tôi mong muốn kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi để tăng hiệu quả và bớt rủi ro lúc thị trường biến động. Quy định mới về sử dụng đất lúa đã hạn chế mục đích chuyển đổi khiến người dân có ít lựa chọn hơn”, bà Hinh phân trần.

Trước những yêu cầu bức thiết trong chuyển đổi đất lúa, tháng11.2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 19/2017/TT-BNNPTNT để hướng dẫn chi tiết về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. So với Thông tư 19/2016/TT-BNNPTNT trước đó, thông tư mới đã nới lỏng nhóm đối tượng chuyển đổi. Ngoài trồng cây hằng năm và trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản, người dân được phép trồng thêm cây lâu năm. Mặc dù phần nào tháo gỡ được những hạn chế của thông tư cũ nhưng thông tư mới vẫn có nhiều bất cập cần phải xem xét khi không có quy định cụ thể về vùng sản xuất và bỏ qua nội dung xây dựng công trình mới trên đất chuyển đổi.

Khó quản lý

Không chỉ nông dân muốn chuyển đổi đất trồng lúa gặp vướng mắc mà những quy định về chuyển đổi đất lúa hiện nay chưa chặt chẽ còn gây khó khăn cho công tác quản lý.

Theo ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, người dân chuyển đổi tự phát diễn ra phổ biến đã phần nào cho thấy sự cần thiết của việc chuyển đổi và bộc lộ những lỗ hổng trong quản lý, sử dụng đất lúa. Lấy ví dụ cụ thể từ thực tế, ông Luyện cho biết: Quy định bắt buộc phải quy vùng chuyển đổi để hình thành vùng sản xuất tập trung, khai thác hiệu quả hạ tầng sẵn có, khi xây mới phải phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp. Song nếu cần thiết phải hoàn trả mặt bằng để cấy lúa trở lại. Điều này mâu thuẫn với nhau bởi muốn sản xuất lớn phải có hạ tầng kiên cố, đồng bộ như hệ thống tưới tiêu, đường giao thông, nhà kho chứa vật tư nông nghiệp. Nhưng quy định mới lại không nói đến nội dung này. Vì vậy, việc thực hiện chức năng quản lý đất lúa và chuyển đổi đất lúa gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đánh giá Hải Dương là địa phương đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Mặc dù vậy, theo ông Sơn, việc chuyển đổi phải thực hiện thận trọng, không nên làm ồ ạt, theo phong trào để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn chuyển đổi. Với một số nội dung trong quy định chuyển đổi đất trồng lúa chưa phù hợp với thực tế sản xuất, tỉnh có thể linh hoạt áp dụng nhưng vẫn phải trên tinh thần của pháp luật. Chuyển đổi đất lúa phải đi liền với bảo vệ đất lúa. Có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững, đem lại hiệu quả lâu dài.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Bất cập trong chuyển đổi đất lúa