Tất bật làng nghề bánh đa nướng Đào Lâm những ngày cuối năm

03/01/2022 09:31

Dịp cuối năm, không khí tại các hộ làm bánh đa nướng ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) càng thêm hối hả. Để kịp cho những chuyến hàng Tết, họ làm việc cả ngày lẫn đêm.


Nhiều hộ vẫn tráng bánh đa theo cách truyền thống để giữ được hương vị riêng

Theo những người cao tuổi trong làng, nghề làm bánh đa nướng ở thôn Đào Lâm đã có từ hàng chục năm nay. Hiện số gia đình duy trì làm nghề này không còn nhiều nhưng nhờ chất lượng nên bánh đa nướng Đào Lâm vẫn duy trì được thương hiệu trên thị trường. Bà Nguyễn Thị Lê (73 tuổi) đã có hơn 30 năm làm nghề cho biết: "Ngày trước những hộ làm bánh đa nướng chỉ coi đây là nghề phụ, kiếm thêm thu nhập. Nhưng hiện nay nhờ công nghiệp hoá, nhiều hộ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc làm bánh. Bánh đa nướng không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là đặc sản quê hương".

Để làm ra mỗi chiếc bánh đa nướng thơm, ngon, giòn, bùi là sự kết hợp hài hoà giữa các công đoạn. Cùng với đó là sự khéo léo, cầu kỳ và cái tâm của người làm nghề. Các hộ ở đây sử dụng gạo Q5 là nguyên liệu chính để làm bánh đa nướng. Vì loại gạo này có độ nở, khô hợp lý. Thông thường sau khi vo gạo, người làm bánh sẽ ngâm gạo khoảng 2 giờ, sau đó sẽ đem đi xay nhuyễn. Trong quá trình xay bột, nhiều hộ còn cho thêm cả gấc để bánh đa có màu đỏ tươi bắt mắt. Trước khi mang đi tráng, bột gạo còn được trộn với đường hoa mai, gừng với tỷ lệ phù hợp. Đây là "bí kíp" gia truyền của mỗi hộ sản xuất, quyết định tới độ thơm, giòn, ngọt của mỗi chiếc bánh.


Dịp cuối năm, các hộ làm bánh đa nướng ở thôn Đào Lâm xuất ra thị trường từ 60.000 -70.000 chiếc bánh đa nướng, tăng gấp đôi so với ngày thường

"Hiện nhiều hộ vẫn sử dụng nồi hơi truyền thống để làm bánh vì bánh được làm bằng cách này có vị đậm đà và dẻo dai hơn so làm bằng máy. Để tăng độ bùi và béo ngậy cho bánh đa nướng các hộ còn rắc thêm vừng, lạc, dừa trên mặt bánh. Không chỉ làm những chiếc bánh đa nướng tròn đơn thuần, nhiều gia đình còn “vuốt” bánh theo khuôn hoặc cuốn tròn để tạo mẫu mã mới. Thông thường mỗi cân gạo làm ra khoảng 10 chiếc bánh", ông Phạm Đình Phan ở thôn Đào Lâm chia sẻ.

Hiện ở thôn Đào Lâm có khoảng 25 hộ làm bánh đa nướng. Trung bình mỗi ngày các hộ ở đây cung cấp ra thị trường từ 60.000-75.000 chiếc bánh, tăng gấp đôi so với ngày thường. Nhiều hộ đã tạo được thương hiệu làm bánh và sản xuất không kịp để giao cho thương lái. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ lớn nhưng không vì thế mà họ cắt bớt công đoạn, làm vội vàng để chạy theo lợi nhuận. Cũng chính vì thế mà từ nhiều năm nay bánh đa nướng Đào Lâm vẫn giữ được uy tín trên thị trường với giá bán ổn định từ 5.000-6.000 đồng/chiếc.


Người dân cho bánh vào lò sấy bằng điện

Bà Phạm Thu Hằng (52 tuổi) ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, mặc dù xa quê đã hơn 30 năm nhưng cứ đúng dịp Tết tôi lại về Đào Lâm để mua bánh đa nướng làm quà. Năm ngoái do dịch bệnh phức tạp tôi phải nhờ người nhà mua giúp gửi lên. Trải qua hàng chục năm với nhiều đổi thay nhưng bánh đa nướng Đào Lâm vẫn giữ được hương vị riêng đặc biệt. Với những người ở xa đây không chỉ là món ăn vặt thơm ngon mà còn là nơi lưu giữ hồn quê.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đoàn Tùng cho biết bánh đa nướng Đào Lâm là 1 trong 3 sản phẩm được huyện Thanh Miện lựa chọn tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Mặc dù số hộ duy trì sản xuất nghề này không còn nhiều nhưng giá trị truyền thống không vì thế mà mai một. Chất lượng cũng như tiếng thơm của bánh đa nướng Đào Lâm vẫn tiếp tục được khẳng định trên thị trường. Không chỉ trong nước mà bánh đa nướng Đào Lâm còn được gửi đi nước ngoài làm quà.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tất bật làng nghề bánh đa nướng Đào Lâm những ngày cuối năm