Đa dạng sinh học ở Đảo Cò Chi Lăng Nam

22/05/2020 10:00

Từ một vùng quê ít người biết đến, Đảo Cò đã trở nên nổi tiếng, thành điểm du lịch hấp dẫn du khách và cũng là nơi bảo tồn các đa dạng sinh học.


Một số loài chim di cư từ đồng bằng sông Cửu Long đến Đảo Cò sinh sống

Ở cuối thế kỷ trước, sau khi được thành lập, Hội Giáo dục môi trường Việt Nam đã tiếp cận ngay với Quỹ Môi trường toàn cầu (MTTC) để xin tài trợ bảo vệ tính đa dạng sinh học ở Đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện). Điều này cho thấy việc bảo vệ đa dạng sinh học nơi đây quan trọng đến mức nào.

Tại Đảo Cò có hơn chục loài cò vạc nhưng không có loài nào có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Nhưng đổi lại ở hồ An Dương, nơi có đảo để đàn cò sinh sống vừa rộng vừa sâu (nhiều chỗ sâu tới 18 m) lại có tới 5 loài có tên trong Sách Đỏ gồm: tổ đĩa, cá kìm, cá trắm đen, cá ngạnh và rái cá. Nhờ sự tồn tại của các động vật quý hiếm trên mà Hội Giáo dục môi trường Việt Nam đã làm chủ dự án bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học ở đây.

Từ một vùng quê ít người biết đến, Đảo Cò đã trở nên nổi tiếng, thành điểm du lịch hấp dẫn du khách và cũng là nơi bảo tồn các đa dạng sinh học. Nhờ tầm quan trọng như vậy nên Đảo Cò đã được đầu tư giai đoạn 2, từ một đảo mở rộng thành 2 đảo, không gian sinh sống của các loại cò vạc, chim chóc và nhiều sinh vật khác thêm rộng rãi. 

Sau khi dự án hoàn thành, do khai thác chưa hợp lý nên một số bờ đảo đã bị lở và nhiều cây trồng cũng bị chết, sạt tụt xuống lòng hồ. Ngoài ra, nhiều thợ câu vào săn cá nên đã ảnh hưởng đến một số động vật quý hiếm. Nhiều người câu được cá kìm, cá trắm đen có tên trong Sách Đỏ, vớt lên chụp ảnh và xẻ thịt để bán. 

Những năm gần đây, do Đảo Cò được quan tâm đầu tư, cây trồng nhiều thêm và đa dạng hơn nên đã thu hút cò nhạn (cò ốc) di cư tới. Đặc biệt gần đây còn xuất hiện thêm loài cò quăm. Nước ta có 4 loài cò quăm đều quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ. Tại Đảo Cò hiện nay loài cò này được gọi là cò quăm đen, có bộ lông, đầu, chân màu đen, mỏ dài và cong. Trước đây, 2 loại cò trên chủ yếu sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện cò nhạn và cò quăm phải di cư ra Bắc do biến đổi khí hậu. Vùng chúng sinh sống ở phía nam gần đây bị hạn, ruộng khô nẻ nên chúng phải bay ra vùng châu thổ sông Hồng. Cò nhạn đã đến Đảo Cò từ 5 năm nay và hiện có hàng trăm con. Còn cò quăm mới đến gần đây, còn ít, nhưng sẽ ra đông hơn, kể cả một số loài chim khác nữa. 

Ngoài 2 loài chim quý hiếm trên, các nhà chuyên môn còn tìm thấy trong hồ có thêm 3 loài có tên trong Sách Đỏ nữa là cá vền và 2 loài trai cánh nước ngọt quý hiếm thuộc giống Cristaria. Hai loài trai này được nhiều nơi ở nước ta nuôi để tạo ra loại ngọc trai rất có giá trị.

Lớp bùn đáy hồ (tầng đáy) chắc chắn còn có nhiều loài quý hiếm nữa nhưng vì nước quá sâu nên có thể chưa biết hết. Vì vậy, việc bảo vệ đa dạng sinh học ở Đảo Cò Chi Lăng Nam cần được quan tâm thực hiện tốt hơn nữa. 

NGUYỄN VĂN KHANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đa dạng sinh học ở Đảo Cò Chi Lăng Nam