Tưởng niệm 577 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi

14/09/2019 11:27

Ban Tổ chức lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2019 tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 577 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi.


Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019 đọc diễn văn tưởng niệm

Sáng 14.9 (16.8 âm lịch), Ban Tổ chức lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2019 tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 577 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi (1442-2019).

Các đại biểu và nhân dân dâng hương tưởng niệm tại đền thờ Nguyễn Trãi

Diễn văn do đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019 đọc nêu rõ: Nguyễn Trãi (hiệu Ức Trai) sinh năm 1380 tại kinh thành Thăng Long. Thân phụ ông là Nguyễn Phi Khanh, nguyên quán ở làng Chi Ngãi (nay thuộc phường Cộng Hoà, TP Chí Linh), sau dời đến làng Ngọc Ổi (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội). Thân mẫu là bà Trần Thị Thái, con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.


Đông đảo du khách  thập phương và người dân địa phương dâng hương tưởng niệm 577 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi

Nêu bật thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Trãi trong xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tưởng niệm 577 năm ngày mất của người là một sự trân trọng lịch sử, ôn lại truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự cường, lòng tự hào dân tộc và giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ và tôn vinh các bậc tiền nhân có công lao trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.


 Tuyên đọc văn tế Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi

Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành và nhân dân tiếp tục quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, các di sản liên quan tới Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi để các giá trị văn hoá, các khu di tích tiếp tục tỏa sáng, trở thành nguồn lực tiếp sức cho mỗi con người Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng vững vàng bước vào hội nhập, xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh.


Dâng hoa lễ vào đền thờ Nguyễn Trãi

Các đại biểu và nhân dân đã được nghe văn tế 577 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Kết thúc buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành và TP Chí Linh cùng nhân dân dâng hương tại đền thờ Nguyễn Trãi.

* Trước đó, Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc tổ chức lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn và lễ rước văn (văn tế). Đây là nghi lễ truyền thống được phục dựng từ năm 2007 và duy trì cho đến nay.


Khung cảnh rước văn từ chùa Côn Sơn sang đền thờ Nguyễn Trãi

Đoàn rước gồm khoảng 1.000 người, gồm đội lân, rồng, cờ, bát âm, trống chiêng, 5 kiệu lễ (xôi gà, thủ lợn, chè thuốc, hoa quả, bánh kẹo), bát bửu, kiệu hoa, kiệu long đình bát hương, kiệu long đình văn tế, theo sau là chủ tế, đại biểu, các nhà sư, đội tế, nhân dân và du khách thập phương.


Tiết mục hát múa “Bác Hồ - Nguyễn Trãi, Côn Sơn” do nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo biểu diễn

Đoàn rước di chuyển từ nhà tổ chùa Côn Sơn (nơi thờ Nguyễn Trãi từ sau vụ án Lệ Chi Viên năm 1442) lên đền thờ Nguyễn Trãi (được tỉnh đầu tư xây dựng từ năm 2000) để làm lễ dâng hương, tưởng niệm 577 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

Tuổi thơ, Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long và Côn Sơn. Khi ông ngoại qua đời, ông về ở với cha tại Nhị Khê. Được ông ngoại và cha dạy dỗ, rèn luyện, Nguyễn Trãi sớm nổi tiếng là người có tài đức và chí lớn. Năm 1400, ông đỗ Thái học sinh, năm sau ra nhận chức Ngự sử đài chánh trưởng dưới triều Hồ.

Từ năm 1407, giặc Minh đô hộ và gây ra nhiều tội  ác trên đất nước ta. Căm phẫn quân thù, Nguyễn Trãi quyết nuôi ý chí cứu nước, cứu dân. Ông đến Lam Sơn tụ nghĩa, dâng Bình Ngô sách, 10 năm ở màn trướng, 5 phen miệng hổ lăn mình, dốc tâm huyết một lòng thành giúp Vua Lê Lợi. Ông trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước ở thế kỷ XV.

Kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô Đại cáo - một  bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, áng thiên cổ hùng văn tổng kết tài tình cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Đất nước hòa bình, với ước vọng tham gia “Duy tân đất nước, xây dựng nền thái bình muôn thuở…”, ông tiếp tục hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội dưới triều Lê và đã có công lớn trong việc tạo ra nền tảng kinh tế - xã hội, sự hoà hợp giữa “nước và dân” - nguồn lực xây dựng đất nước Đại Việt vững mạnh đương thời.

Dưới thời vua Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi được vua giao trông coi đạo Đông - Bắc. Côn Sơn cũng là nơi ông dựng nhà, mài mực viết nên nhiều tác phẩm có giá trị sử học, văn học, triết học, quân sự, ngoại giao và trở thành những di sản quý báu cho hậu thế. Tiêu biểu trong đó là “Côn Sơn ca” và  cho đến bây giờ vẫn chưa có tao nhân, mặc khách nào viết về Côn Sơn hay hơn thế.

Được giao trông coi chùa Tư Phúc, ông đã góp sức tu bổ, mở rộng qui mô đưa ngôi chùa trở thành danh lam thắng cảnh. Khi đi xa, Côn Sơn đã trở thành hoài niệm trong tâm hồn ông. Hồn của Côn Sơn - khí của đất tổ quê cha đã là một trong những mạch ngầm tạo nên Nguyễn Trãi – một vầng sao Khuê không chỉ toả sáng ở bầu trời Việt Nam mà đã toả sáng cả năm châu.

Vào dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi (1380 - 1980), Tổ chức Văn hoá - Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận và suy tôn ông là Danh nhân văn hoá thế giới.

TIẾN MẠNH - HUYỀN ANH - THÀNH CHUNG 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tưởng niệm 577 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi