Khai hội chùa Nhẫm Dương

01/04/2017 21:21

Lễ hội diễn ra với màn múa lân, trống hội rộn rã; các nghi lễ: thuyết pháp giảng đạo, cúng Phật, cung tuyên lược sử Thánh tổ Thủy Nguyệt, dâng hương ...


Các đại biểu, tăng ni dâng hương tưởng niệm đức Thủy Nguyệt

Sáng 1.4, Giáo hội Phật giáo tỉnh phối hợp với xã Duy Tân (Kinh Môn) tổ chức kỷ niệm 313 năm ngày viên tịch của đức Thiền sư Thủy Nguyệt (vị tổ của Thiền phái Tào Động Việt Nam) và khai hội truyền thống chùa Thánh Quang (chùa Nhẫm Dương).

  Lễ  hội diễn ra với màn múa lân, trống hội rộn rã; các nghi lễ: thuyết pháp giảng đạo, cúng Phật, cung tuyên lược sử Thánh tổ Thủy Nguyệt, dâng hương, cầu quốc thái dân an, cúng đàn mông sơn thí thực. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội (từ ngày 1 - 3.4) còn có các trò chơi dân gian, cờ tướng, văn nghệ...

Hoà thượng Thuỷ Nguyệt quê ở đạo Sơn Nam (thuộc Thái Bình ngày nay) sinh năm 1637 đời vua Lê Thần Tông. Năm 20 tuổi xuất gia tại chùa Xã Hổ, huyện Thụy Anh (nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Năm 28 tuổi, nhân duyên đưa đẩy, Thủy Nguyệt hành hương sang phương Bắc "tầm sư học đạo" và trở thành đệ tử của Hoà thượng Trí Giáo Nhất Cú, tổ đời thứ 35 của Tào Động (một tông phái thiền của Phật giáo Đại thừa). 

Trải qua 3 năm với rất nhiều thử thách, khổ luyện, Thiền sư Thủy Nguyệt thành chính pháp, được ban pháp hiệu và cho về An Nam để truyền pháp. Tính theo hệ phái, Thiền sư Thủy Nguyệt là tổ đời thứ 36 của Thiền phái Tào Động Trung Hoa và là Đệ nhất tổ Thiền phái Tào Động Việt Nam. Với ân đức tu hành, Thiền sư Thủy Nguyệt đã khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương làm nơi thuyết pháp, phổ độ chúng sinh. Ngoài ra thiền sư còn đi truyền bá Phật pháp ở chùa Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn, khai sáng chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc tự) ở Hà Nội... Đến năm 1704, Thiền sư Thủy Nguyệt viên tịch, các đệ tử về sau tiếp tục sự nghiệp truyền pháp, đưa Tào Động trở thành môn phái nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. 



Các phật tử hành lễ tại hệ thống hang động chùa Nhẫm Dương


Chùa Nhẫm Dương được xây dựng từ thời Trần (1225-1400), có khoảng 30 hang động lớn nhỏ bao quanh. Tại động Thánh Hóa, nơi sư tổ Thủy Nguyệt viên tịch, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều di cốt hóa thạch cùng nhiều di vật khảo cổ thời đại đồ đá, đồng thau và các pho tượng Phật có niên đại thời nhà Nguyễn. 

Di tích chùa Thánh Quang được xếp hạng quốc gia năm 2003. Với những giá trị đặc biệt, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn) là di tích quốc gia đặc biệt.

  NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai hội chùa Nhẫm Dương