Độc đáo lễ khao quân tại khu di tích đền Cao

16/11/2020 10:48

Lễ khao quân là một trong những sự lệ độc đáo tại khu di tích đền Cao (TP Chí Linh).


 Nghi thức hạ hòm đặt trầu trong lễ khao quân tại khu di tích đền Cao

Khu di tích gồm đền Cả, đền Cao, đền Bến Tràng, đền Bến Cả và đình Lạc Đạo. Theo ngọc phả đang được lưu giữ tại cung cấm đền Cao, sau khi dẹp xong giặc, vua Lê Đại Hành đã hành binh về Dược Đậu trang (An Lạc) để khao quân thưởng tướng với ý nghĩa mừng ngày thắng trận trở về. Sau này, dân làng đã tổ chức lễ khao quân để kỷ niệm điển tích đó, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của ông cha trong đánh giặc giữ nước.

Lễ khao quân tại khu di tích đền Cao được tổ chức hằng năm vào ngày 14.11 (âm lịch) tại đình Lạc Đạo. Mọi nghi lễ do cụ trùm, quan đám và các thủ nhang thực hiện. Để chuẩn bị cho lễ khao quân, trước đó khoảng 1 tuần, Ban quản lý cử người mua sắm các lễ vật như mũ mã, ngựa, vài trăm bộ quần áo binh tướng (trước kia đặt quần áo chiến của quân sĩ thời phong kiến nhưng nay được thay bằng quần áo bộ đội, mũ sao vàng). Các đồ mã này được đặt ở các hộ làm hàng mã trong khu dân cư An Lạc; 8 cỗ lễ chay (mỗi cỗ gồm bánh giầy, chè kho, bánh kẹo, hoa quả, trầu cau, tiền vàng, hương đen) cúng các ban trong đình; 1 lễ mặn gồm thủ lợn, gà, xôi dành dành, rượu, gạo, muối, bỏng, hoa quả cùng với mũ mã, ngựa, quần áo để khao quân sĩ ngoài sân (trước ban trung thiên).


Các vật khao quân sĩ trước sân đình Lạc Đạo

Chiều 13.11 âm lịch, các quan đám tiến lễ các đền 1 cỗ chay gồm bánh giầy, chè kho, tiền vàng, hương đen mời các Đức Thánh về ngự tại đình chứng kiến lễ khao quân.

Đúng 7 giờ sáng 14.11 âm lịch, nghi lễ được tiến hành. Trong đình, cụ trùm và các quan đám thực hiện nghi thức hạ hòm đặt trầu. Đặt trầu xong, các quan đám rước hộp trầu của các Đức Thánh vào trong cung cấm, sau đó ra ngoài ban thờ các quan Bộ hạ (chính giữa gian Đại bái) làm lễ cúng các thánh. Các quan đám lễ trước, mỗi quan đám lễ 9 vái lần lượt theo thứ tự: quan Đông, quan Trung, quan Đoài, quan Nam, quan Bắc, cụ trùm đứng bên cạnh điều hành và lễ sau cùng.

Ngoài sân, các lễ vật khao quân đã được đặt trước Ban trung thiên, cụ thủ nhang khấn mời các âm binh - quân sĩ của 5 vị tướng họ Vương về hưởng hoa lễ, quần áo, mũ mã và cầu các ngài phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, nhiều tài lộc. Dân làng cũng khấn vái theo.

Trước đây, sau phần nghi lễ ngày 14.11, làng Lạc Đạo có lệ ca hát 7 ngày tại đình, hiện lệ này không còn.

Nghi lễ khao quân tại khu di tích đền Cao không chỉ có ý nghĩa đáp ứng nhu cầu về văn hóa tâm linh của nhân dân mà còn là dịp giáo dục truyền thống và khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước.

 NGỌC TÂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo lễ khao quân tại khu di tích đền Cao