Đặc sắc lễ chữ ở hội làng Nhuận Đông

23/02/2020 17:25

Ở làng Nhuận Đông, xã Bình Minh (Bình Giang) có một nghi thức lễ chữ được trao truyền và tiếp nối qua nhiều thế hệ. Nghi thức này đã trở thành nét văn hóa đặc sắc...

Lễ chữ ở hội làng Nhuận Đông được gìn giữ chu đáo

Tích xưa về người giúp nước

Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hội làng Nhuận Đông không tổ chức được. Điều này khiến không ít người con quê hương nuối tiếc, đặc biệt là lễ chữ.

Hội làng thường diễn ra vào ngày 17 và ngày 18 tháng giêng, gắn với đình nghè Nhuận Đông, nơi thờ hai vị thành hoàng Nguyễn Trung và Nguyễn Trinh, những người có công "âm phù" vua Lý Nam Đế đánh giặc Lương.

Tích xưa kể rằng thân mẫu của 2 vị thành hoàng làng là người hiền lành đức độ hơn người nhưng lại hiếm muộn đường con cái. Vì vậy bà đã lập đàn cầu tự, ăn chay niệm Phật. Một đêm, bà nằm mộng thấy đôi chim khổng tước bay tới đậu ở nhà mình.

Không lâu sau bà sinh hạ 2 người con, một trai, một gái. Người con trai đặt tên là Nguyễn Trung, người con gái là Nguyễn Trinh. Nguyễn Trung là người có sức vóc phi thường, khôi ngô tuấn tú, sáng dạ, tài cao. Nguyễn Trinh mặt hoa da phấn, thục nữ đoan trang.

Khi giặc phương Bắc sang xâm lược nước ta, Nguyễn Trung lên đường cùng nghĩa quân dẹp giặc, lập nhiều công lớn. Ông mất ngày 14.3 âm lịch. Nguyễn Trinh mất vào ngày 5.7 cùng năm đó. Nơi bà mất sau mối xông thành nấm mồ lớn, dân làng lập miếu thờ. Từ đó mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.

Khi giặc Lương sang xâm lược nước ta, vua Lý Nam Đế đem quân đi dẹp giặc, qua khu vực làng Nhuận Đông, đoàn ngựa chiến của vua dừng lại. Nửa đêm, vua nằm mộng thấy có nữ tướng đứng cạnh bên và tâu rằng: “Chúng tôi là con họ Nguyễn vâng mệnh thiên đình ngự ở phương vân này, nghe thấy hoàng đế lâm chinh đánh giặc, tôi xin theo để được giúp vua đánh giặc giữ yên bờ cõi”. Vua tỉnh giấc, truyền quân lính làm lễ tạ. Sau khi đánh thắng giặc trở về, vua ban cho nhân dân nơi đây 300 quan tiền làm hương hỏa quanh năm phụng thờ.

Điểm nhấn của lễ hội

Hằng năm, vào ngày hội làng, ngoài các nghi lễ tế rước, dân làng thường tổ chức lễ chữ. Đây là nét văn hóa đặc sắc trong lễ hội làng Nhuận Đông. Đây cũng là phần được chờ đợi nhất vì là điểm nhấn của hội làng.

Trong không khí trang nghiêm, trên nền nhạc lưu thủy, đội lễ chữ gồm 36 phụ nữ mặc áo tứ thân, vấn khăn, yếm dải xếp thành 2 hàng tiến vào sân. Người gõ trống điểm nhịp dẫn đầu. Tiếp sau là những người cầm cờ, cầm biển 8 chữ Hán: “Thượng, Hạ, Bình, Chính, Thiên, Hạ, Thái, Bình”. Từng tiếng trống hiệu vang lên, theo điệu nhạc lễ, đội lễ chữ uyển chuyển theo từng động tác. Tuỳ theo con chữ mà số lượng người xếp nhiều ít khác nhau. Đội lễ chữ tuân theo sự điều khiển của người đánh trống.

Người tham gia lễ chữ tay cầm quạt múa theo mỗi bước chân. Đến trước bái đường, sau khi lễ thánh, 8 người cầm biển chữ giương cao. Nhạc lưu thủy nổi lên, một cụ ông cao tuổi trong làng đọc tên chữ nào, người cầm biển chữ đó tiến về phía trước.

Đội xếp chữ tay múa quạt, chân di chuyển về các vị trí xếp thành các nét chữ. Khi người đánh trống dẫn điểm một tiếng, đội lễ chữ giương quạt trước mặt. Hai tiếng trống tiếp, người xếp chữ quỳ xuống, ấp quạt trước ngực. Đến tiếng trống thứ tư, người xếp chữ kính cẩn gập người bái lạy. Đến 3 tiếng trống tiếp là kết thúc lễ chữ, chuyển sang chữ tiếp theo...

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nhuận Đông, ông Vũ Duy Hữu (87 tuổi) đã nhiều lần chứng kiến hội làng. Theo ông Hữu, lễ chữ thể hiện ước vọng của nhân dân mong muốn đất nước bình yên, mưa thuận gió hòa, vạn sự yên bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Trải qua hàng trăm năm, 8 chữ “Thượng, Hạ, Bình, Chính, Thiên, Hạ, Thái, Bình” được người dân trong làng gìn giữ từ đời này sang đời khác.

Là thành viên của đội lễ chữ, chị Lê Phương Nõn cho biết: “Mọi người trong đội lễ chữ đều được học đứng ở các vị trí khác nhau, nên khi tập trung hay riêng đều thực hiện nhuần nhuyễn các động tác”. Chị Nõn chia sẻ, dù bận công việc nhưng khi làng có việc chung mọi người đều hăng hái tham gia, ai cũng có ý thức và mong muốn đóng góp sức mình vào việc chung của làng.

Ông Nguyễn Văn Huân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nhuận Đông cho biết, lễ chữ là nghi thức độc đáo của lễ hội làng Nhuận Đông. Những thế hệ hậu sinh cũng không biết lễ chữ có từ bao giờ, người làng Nhuận Đông ai lớn lên cũng thấy hội làng có nghi thức lễ chữ.

Trong quá khứ, có những giai đoạn chiến tranh, nghi thức lễ chữ bị gián đoạn, nhưng địa phương đã khôi phục, gìn giữ và phát huy nét văn hóa độc đáo này. Năm 2018, di tích nghè - chùa Nhuận Đông được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. "Đây là niềm tự hào của người dân trong thôn, mọi người có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, tôn tạo, tu bổ di tích và gìn giữ các nét văn hóa đặc trưng của hội làng”, ông Huân nói.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặc sắc lễ chữ ở hội làng Nhuận Đông