Việt Nam gia nhập CPTPP: Biến thách thức thành cơ hội

20/04/2019 15:32

Các cấp công đoàn tỉnh Hải Dương đã có những biện pháp, định hướng để giữ vững vị thế và không ngừng lớn mạnh trong tương lai.

Cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương tuyên truyền pháp luật tới người lao động Công ty TNHH Seesvina. Ảnh: D.T

Để tháo gỡ khó khăn, biến thách thức thành thời cơ khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các cấp công đoàn (CĐ) tỉnh Hải Dương đã có những biện pháp, định hướng để giữ vững vị thế và không ngừng lớn mạnh trong tương lai. Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với đồng chí Mai Xuân Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh.

Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 14.1. Việc tham gia CPTPP là chấp nhận trong tương lai gần, CĐ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) khác, một việc chưa từng có trong tiền lệ.

- Theo nhận định của đồng chí, tổ chức CĐ sẽ chịu những ảnh hưởng gì khi sẽ có thêm những tổ chức khác đại diện cho NLĐ?

- Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xác định, từ trước tới nay, CĐ Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho NLĐ được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, CPTPP có hiệu lực, theo xu hướng tất yếu sẽ xuất hiện những tổ chức mới ra đời có cùng chức năng đại diện cho NLĐ ở doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề cạnh tranh và thu hút đoàn viên CĐ là điều sẽ xảy ra. CĐ sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở.

CĐ là một tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh chức năng đại diện, chăm lo cho NLĐ, CĐ còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương. Vì gắn trên mình đồng thời 2 trọng trách to lớn đó nên bên cạnh thuận lợi, CĐ cũng có khó khăn về hoạt động so với tổ chức đại diện NLĐ độc lập, nguồn tài chính bị phân tán.

Ở Hải Dương, hiện hầu hết cán bộ CĐ cơ sở trong doanh nghiệp là kiêm nhiệm. Đây vừa là thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn khi có sự phát triển của các tổ chức đại diện NLĐ khác. Bởi các cán bộ CĐ kiêm nhiệm phải đồng thời thực hiện 2 vị trí vừa của CĐ, vừa của doanh nghiệp. Do ăn lương của doanh nghiệp trả nên họ vẫn ưu tiên với công việc chuyên môn nhiều hơn. Mặt khác, còn không ít cán bộ CĐ cơ sở “non” về trình độ, thiếu kinh nghiệm, chậm thích ứng với những thay đổi của hoạt động CĐ trong tình hình mới. Họ có thể bị dao động trước những luận điệu của tổ chức đại diện NLĐ khác.

- Thưa đồng chí, tỉnh Hải Dương đã xuất hiện tổ chức đại diện NLĐ khác chưa? Giải pháp để CĐ biến thách thức thành cơ hội là gì?

- Đến thời điểm này, Hải Dương chưa xuất hiện tổ chức đại diện NLĐ khác. Hoạt động CĐ từ tỉnh đến cơ sở vẫn đang diễn ra thuận lợi với nhiều hình thức chăm lo, bảo vệ cho NLĐ và tạo được niềm tin, uy tín đối với NLĐ. Tuy nhiên, để bắt kịp với xu hướng của thời đại khi mà CPTPP đã có hiệu lực, LĐLĐ tỉnh đã có những biện pháp rất cụ thể để vượt khó khăn, biến thách thức thành cơ hội. Trước hết, LĐLĐ tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tỉnh uỷ về đường lối, chủ trương trong thời kỳ mới. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đổi mới cả nhận thức và tư duy với phương châm hoạt động tất cả vì quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ; coi việc đương đầu với thử thách, khó khăn là cơ hội để nỗ lực, hoàn thiện mình.

Mặt khác, các cấp CĐ trong tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động CĐ hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động trọng tâm. Nổi bật như chú trọng phát triển đoàn viên theo phương thức mới; đẩy mạnh chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên CĐ” mang đến những lợi ích thiết thực, ưu việt hơn hẳn cho đoàn viên CĐ so với NLĐ đứng ngoài tổ chức... Thông qua những việc làm cụ thể, CĐ khẳng định là tổ chức uy tín, xứng đáng để NLĐ gửi gắm niềm tin.

Tuy nhiên, để CĐ giữ vững, phát huy vị thế của mình, cũng cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Bản thân NLĐ cũng cần có nhận thức đúng đắn về vai trò của tổ chức CĐ trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi cho mình.

- Xin cảm ơn đồng chí!

DIỆU THUÝ (Lao động)

(0) Bình luận
Việt Nam gia nhập CPTPP: Biến thách thức thành cơ hội