Thiệt thòi lao động làng nghề

29/03/2022 14:00

Thời gian qua, các làng nghề trong tỉnh đã tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn song vì môi trường làm việc ở đây đa phần chưa chuyên nghiệp nên họ vẫn chịu nhiều thiệt thòi.


Do chỉ làm việc thời vụ nên nhiều lao động tại các làng nghề sản xuất giày da ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) không được chủ cơ sở sản xuất đóng bảo hiểm xã hội

Thiếu đủ thứ


Mải miết tiện đế giày nhưng anh H.V.T., lao động của một cơ sở sản xuất giày da trong làng nghề Văn Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) không đeo khẩu trang, cũng không có bất cứ thiết bị bảo hộ nào mặc dù bụi nhựa bay mù mịt. Anh T. cho biết nhiều người khác trong xưởng cũng không quen dùng bảo hộ lao động như anh. “Chủ cơ sở không trang bị hay nhắc nhở người lao động thường xuyên dùng bảo hộ trong khi làm việc nên nhiều người không tuân thủ”, anh T. nói.

Không được trang bị bảo hộ đã đành nhưng nhiều người mặc dù đã được doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất trang bị đầy đủ song vẫn không dùng. Anh Vũ Văn Điệp, chủ một cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) cho biết kiến thức về an toàn lao động của công nhân ở làng nghề còn hạn chế. Mặc dù đã được chủ doanh nghiệp trang bị thiết bị bảo hộ đầy đủ nhưng nhiều trường hợp không dùng vì họ kêu vướng víu. Vì thế tai nạn lao động rất dễ xảy ra hoặc ảnh hưởng lâu dài về sức khoẻ.

Đa phần những người làm việc ở các làng nghề là lao động tự do, lao động thời vụ nên ngoài tiền công họ hầu như không có chế độ gì. Rất nhiều chủ cơ sở sản xuất né tránh đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Chủ cơ sở sản xuất da giày Tuân Thùy ở xã Hoàng Diệu cho biết vì ký hợp đồng thời vụ và công việc không ổn định, nay thuê người này, mai lại người khác nên khó có thể đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho họ…

Mối quan hệ trong các cơ sở sản xuất của làng nghề chủ yếu là người nhà, người thân trong làng xóm nên khi xảy ra tai nạn lao động hay quyền lợi bị ảnh hưởng cũng dễ bỏ qua hoặc tự dàn xếp với nhau. Chủ sử dụng lao động luôn tìm mọi cách không thống kê các vụ việc tai nạn để báo cáo cơ quan chức năng, trừ trường hợp bất khả kháng. Do không có bảo hiểm nên khi tai nạn xảy ra người lao động gần như phải tự lo mọi khoản chi phí.

Cần được quan tâm 

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải Dương hiện có hơn 60 làng nghề, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động, chủ yếu ở khu vực nông thôn với mức thu nhập từ 4-8 triệu đồng/người/tháng. Các làng nghề có vai trò quan trọng giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững ngoài quan tâm các vấn đề như môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ thì vấn đề an toàn và quyền lợi cho người lao động cũng cần được quan tâm tốt hơn.

Theo đại diện Phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), những năm gần đây Hải Dương đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an toàn lao động trong các làng nghề truyền thống. Năm 2020 và 2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và kênh VTV2 (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện phóng sự tuyên truyền về công tác an toàn vệ sinh lao động và tư vấn xây dựng mô hình an toàn vệ sinh lao động khu vực phi kết cấu tại làng nghề mộc Đông Giao (xã Lương Điền, Cẩm Giàng). Từ mô hình này sở sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để thực hiện tại nhiều làng nghề khác trong tỉnh.

Bên cạnh đó trong thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động tại khu vực này để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường phối hợp với các địa phương đánh giá, tìm giải pháp phù hợp để tăng quyền lợi cho người lao động ở các làng nghề.

Lao động ở các làng nghề cũng cần chủ động yêu cầu chủ doanh nghiệp bảo đảm các quyền lợi cho mình như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và một số chế độ khác. Khi quyền lợi bị ảnh hưởng có thể liên hệ với tổ chức công đoàn cấp huyện để được hỗ trợ.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đang giám sát công tác quản lý nhà nước về hoạt động của làng nghề tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đây là cơ hội để thời gian tới tỉnh có những chính sách phù hợp trong phát triển nghề khu vực nông thôn, trong đó hy vọng sẽ có nhiều chính sách quan tâm đến cuộc sống của lao động ở các làng nghề.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiệt thòi lao động làng nghề