Nhọc nhằn nghề tiếp thị du lịch

25/06/2018 16:29

Công việc của một nhân viên tiếp thị du lịch không chỉ đơn thuần là chào hàng, tư vấn tour tuyến. Họ còn phải trực tiếp tham gia làm hướng dẫn viên du lịch vào cuối tuần hoặc theo phân công đột xuất từ công ty.


Vào mùa cao điểm, anh Ngô Ngọc Hoàn (bên phải), nhân viên tiếp thị Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hòa Bình gần như không có thời gian ở nhà

“Thấy chúng tôi ăn mặc chỉn chu, cổ đeo cà vạt, tay xách cặp, chân đi giày bóng bẩy...., ai cũng nghĩ nghề tiếp thị du lịch là sung sướng, là lương cao. Nhưng thực tế lại không phải vậy, đây là nghề vất vả, chịu rất nhiều áp lực”, anh Vũ Cao Cường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du lịch Cao Cường (TP Hải Dương) chia sẻ.

Từ sáng sớm đến tối mịt

Vào nghề đã được hơn 10 năm nên anh Ngô Ngọc Hoàn, nhân viên tiếp thị Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hòa Bình hiểu rất rõ sự vất vả, nhọc nhằn của công việc này. Anh Hoàn cho biết 70% tổng doanh thu hằng năm của công ty có được là nhờ mùa du lịch từ tháng 4 - 6. Cho nên giai đoạn này công ty yêu cầu tất cả các nhân viên tiếp thị (còn gọi là nhân viên kinh doanh) phải hoạt động tối đa công suất, không có thời gian nghỉ ngơi.

Là nhân viên phụ trách tiếp thị du lịch tại 2 huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) và Tứ Kỳ (Hải Dương), cứ khoảng 6 - 7 giờ, sau khi ăn sáng, anh Hoàn lại đi xe máy đến các cơ quan, đơn vị để giới thiệu về các tour du lịch. Đi gần thì vài km, còn xa lên tới 50 - 60 km. 1 ngày, anh Hoàn thường đến 6 - 8 đơn vị để chào hàng nhưng không phải lúc nào cũng được như ý muốn. Nhiều đơn vị phải gõ cửa hàng chục lần mới gặp được thủ trưởng. Có ngày chẳng có đơn vị nào gọi nhưng có ngày 4 - 5 nơi cùng lúc yêu cầu đến tư vấn làm anh Hoàn không biết xoay xở thế nào. Công việc của một nhân viên tiếp thị du lịch luôn bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào khách hàng. Để không bị mất khách, anh phải rất linh hoạt, đôi khi phải nói khó để họ thông cảm chờ. Tiếp thị xong chỗ này, anh lại nhanh chóng di chuyển đến chỗ khác. Nhưng cũng có lúc chẳng kịp thời gian, khách họ chờ lâu nên về. Những lúc như thế, anh Hoàn phải hỏi địa chỉ đến tận nhà riêng của khách vào buổi tối để tư vấn. “Trong mùa cao điểm, mình thường đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, thậm chí là nửa đêm. Sáng đi vợ con chưa dậy, đêm về thì vợ con đã ngủ”, anh Hoàn nói.

Anh Vũ Cao Cường chia sẻ thời tiết mùa này nắng nóng, việc đi xuống các huyện để tiếp thị rất vất vả. Việc ăn, nghỉ cũng rất thất thường. Để đợi gặp được khách, nhiều lần anh Cường phải chầu chực ngoài quán nước vỉa hè. Chuyện 14-15 giờ mới được ăn cơm trưa cũng là thường. Anh Cường bộc bạch: “Nói chung là bạc mặt, không sung sướng gì đâu anh ạ. Dễ thì ai cũng làm được. Chúng tôi vẫn ví von cái nghề của mình là ăn như lợn, ngủ như gà, chạy như ngựa cũng vì thế”.

Áp lực, thiệt thòi

Công việc của một nhân viên tiếp thị du lịch không chỉ đơn thuần là đến các cơ quan, doanh nghiệp chào hàng, tư vấn tour tuyến cho khách. Họ còn phải trực tiếp tham gia làm hướng dẫn viên du lịch vào những ngày cuối tuần hoặc theo sự phân công đột xuất từ phía công ty.

1 ngày làm việc của hướng dẫn viên du lịch ít nhất cũng 12 tiếng. Với những đoàn đi tour dài ngày, công việc của họ thường bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc lúc 6 giờ tối. Với tour ngắn ngày (1 ngày) khởi hành sớm, nhiều khi hướng dẫn viên du lịch phải dậy từ 2 - 3 giờ sáng đến công ty lấy lịch trình, nước uống rồi mới đi đón khách. “Thứ 6 đi tiếp thị đến 9 - 10 giờ đêm mới về đến nhà, nhưng có khi 3 giờ sáng hôm sau đã phải lên đường hướng dẫn du lịch theo tour. Thời gian nghỉ ngơi của chúng tôi rất ít, có ngày chỉ được ngủ 3 - 4 tiếng”, anh Hoàn nói.

Khi theo tour, hướng dẫn viên du lịch phải dậy trước khách, ăn sau khách nhưng phải xong trước. Ngoài việc liên tục phải trau dồi kiến thức, người làm hướng dẫn viên du lịch phải thông thuộc thông tin các địa danh, có năng khiếu tổ chức trò chơi... nhằm tạo sự vui vẻ, hứng khởi cho khách. 

Anh Hoàn cho biết mỗi tháng được công ty trả 3 triệu đồng tiền lương (số tiền này gọi là hỗ trợ kinh phí xăng xe, điện thoại). Còn muốn có thu nhập thì phải theo tour đi làm hướng dẫn viên. Song điều này còn phụ thuộc vào hướng dẫn viên đó có được công ty tin tưởng giao nhiệm vụ hay không. Những ai được chọn đi tour sẽ có thu nhập bình quân 400.000 - 600.000 đồng/ngày. Chỉ có điều, du lịch chỉ mang tính chất mùa vụ. Những tháng còn lại đa phần hướng dẫn viên du lịch gần như “ngồi chơi xơi nước”.

Nghề tiếp thị du lịch chịu rất nhiều áp lực. Cạnh tranh với các doanh nghiệp lữ hành khác, bị chính khách hàng ép giá nên đôi khi làm không có lãi. Không hiếm đơn vị còn chây ì trong việc trả tiền sau mỗi tour du lịch khiến những nhân viên tiếp thị du lịch bị lãnh đạo phê bình, trừ tiền lương. Anh Hoàn cho biết riêng Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hòa Bình hiện còn khoảng 3 tỷ đồng tiền khách nợ từ năm 2017. Tại địa bàn 2 huyện anh Hoàn phụ trách có một số trường hợp còn nợ tiền tour từ năm 2013. Những chỗ số nợ ít, anh Hoàn chấp nhận phải bỏ tiền túi ra thanh toán với công ty. 

Nhân viên tiếp thị du lịch cũng đối diện với nguy cơ gặp tai nạn giao thông trên đường đi làm. Năm 2015, anh Cường đi làm ở Kinh Môn bằng xe máy đã va chạm với 1 chiếc xe ô tô 4 chỗ. Vụ tai nạn tuy không gây thiệt hại về người nhưng anh Cường cũng bị sây sát khắp tay chân, xe máy bị hư hỏng nặng. Có lẽ cũng vì vất vả, áp lực mà chẳng thấy có mấy người là nữ theo nghề tiếp thị du lịch.

Vào mùa du lịch, những nhân viên tiếp thị kiêm hướng dẫn viên du lịch có rất ít thời gian dành cho gia đình. Tình cảm giữa vợ với chồng, bố với các con... đôi khi cũng xao nhãng. Công ty của anh Cường cách nhà hơn 20 km nhưng trong mùa cao điểm làm du lịch cũng chẳng mấy khi anh về thăm bố mẹ. Nhiều khi công việc căng thẳng khiến anh đau đầu, đôi khi cáu gắt với chính người thân. “Đúng là thiệt thòi nhiều thứ nhưng vì là cái nghề kiếm cơm, nuôi cả gia đình nên chúng tôi phải chấp nhận”, anh Cường bộc bạch.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhọc nhằn nghề tiếp thị du lịch