Nhiều thay đổi lớn ảnh hưởng đến người lao động từ 1.1.2021

04/01/2021 14:14

Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 với nhiều thay đổi lớn ảnh hưởng đến hàng chục triệu người lao động (NLĐ).

Người lao động có thể được thưởng “không chỉ bằng tiền”

Bộ luật Lao động sửa đổi quy định về “thưởng” thay vì “tiền thưởng” như bộ luật năm 2012. Theo điều 103, khái niệm thưởng cho NLĐ được mở rộng, có thể là tiền, tài sản hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.

Như vậy, từ ngày 1.1.2021, người sử dụng lao động được phép thưởng cho NLĐ không chỉ bằng tiền mà còn có thể bằng tài sản hoặc các hình thức khác.

Quốc khánh được nghỉ 2 ngày

Bộ luật Lao động sửa đổi quy định bổ sung thêm một ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh, có thể là ngày 1.9 hoặc 3.9 dương lịch, tùy theo từng năm và theo đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Như vậy, tổng số ngày nghỉ lễ, Tết hằng năm sẽ nâng lên 11 ngày, gồm: Tết dương lịch nghỉ 1 ngày; Tết âm lịch nghỉ 5 ngày; ngày thống nhất đất nước 30.4 nghỉ 1 ngày; Quốc tế lao động 1.5 nghỉ 1 ngày; Quốc khánh nghỉ 2 ngày; Giỗ Tổ Hùng Vương (10.3 âm lịch) nghỉ 1 ngày.

Trong những ngày này, NLĐ được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương. Nếu làm việc vào những ngày này sẽ được hưởng ít nhất 300% lương.

Thêm 2 trường hợp nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương

So với luật cũ, Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung thêm 2 trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương, cụ thể là trường hợp bố nuôi chết và mẹ nuôi chết.

Cấm ép người lao động mua hàng hóa công ty

Bộ luật quy định người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ. Đặc biệt, không được ép buộc NLĐ chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Tăng tuổi nghỉ hưu

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam; 4 tháng với lao động nữ.

Tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do

Bộ luật Lao động sửa đổi cho phép NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do, chỉ cần báo trước 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn.

Trong một số trường hợp, NLĐ còn được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước như không được bố trí theo đúng công việc, không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc…

PV (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều thay đổi lớn ảnh hưởng đến người lao động từ 1.1.2021