Lao động tự do xoay xở việc làm

12/04/2020 19:43

Dịch Covid-19 đang làm cho nhiều lao động tự do không thể tiếp tục kiếm sống bằng nghề cũ. Không ít người đang xoay xở để tìm việc làm mới, kiếm thu nhập lo cho cuộc sống.

Nhiều lao động tự do ở nhà bán hàng online kiếm thêm thu nhập (ảnh trái). Chủ một cửa hàng gội đầu ở phố Trương Mỹ (TP Hải Dương) phải đóng cửa và chuyển sang bán mỹ phẩm online (ảnh phải)

Xoay đủ nghề 

Hàng loạt các chợ dân sinh, cửa hàng kinh doanh các dịch vụ, mặt hàng không thiết yếu phải dừng hoạt động, tạm nghỉ do dịch bệnh đang kéo theo rất nhiều người mất việc làm, không có thu nhập. Chị V., chủ chuỗi Spa HL. (đường Nguyễn Hữu Cầu, TP Hải Dương và một số huyện lân cận) đã phải đóng cửa nhiều ngày qua. Chuỗi spa là toàn bộ vốn tích cóp và tiền chị vay ngân hàng để đầu tư. Mỗi ngày cửa hàng không hoạt động là chị như ngồi trên đống lửa vì phải lo nguồn hỗ trợ để giữ chân nhân viên, tiền thuê nhà, tiền trả lãi và nguồn chi tiêu hằng ngày của 5 người trong gia đình. Những ngày cửa hàng mới nghỉ chị xoay sang bán mỹ phẩm online. Nhưng khách hàng vắng dần vì giảm nhu cầu dùng mặt hàng này. Vốn có chút tay nghề nấu ăn, chị nấu một số món rồi bán online, giao hàng tận nhà cho khách. Cả ngày bận rộn nấu nướng, giao hàng cho khách nhưng công việc này cũng chỉ đủ để chi tiêu tằn tiện cho cả nhà trong thời gian ngắn. Tiền hỗ trợ nhân viên 1,5 triệu đồng/người/tháng chị đang phải dùng bằng nguồn vay lãi. Nếu dịch bệnh kéo dài thêm, nguy cơ cao là chị phải chấm dứt hợp đồng với nhân viên...

Điện thoại của chị Nguyễn Thị H. (chủ một cơ sở sản xuất bao bì ở Lai Cách, Cẩm Giàng) những ngày này liên tục đổ chuông do có nhiều người gọi đến xin việc. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, chị thường thuê nhân công nhận việc về nhà làm. Dù tiền gia công rất thấp, chỉ 50.000-60.000 đồng/người/ngày nhưng theo chị, may mắn là cơ sở vẫn có việc và số người đến để nhận việc về làm càng đông. Hiện nay, ngoài số công nhân thời vụ cũ, cơ sở của chị đang cho khoảng 10 lao động mất việc ở các cơ sở khác, hoặc do dịch bệnh nên tạm dừng nghề cũ nhận việc về làm. Chị H. cũng không dám giao việc cho nhiều người vì chưa biết trong thời gian tới cơ sở có tiếp tục nhập được nguyên liệu hay không.

"Trước đây thu nhập của tôi được khoảng 9 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải tiền nuôi 2 con ăn học và sinh hoạt hằng ngày. Nhưng do dịch bệnh, lúc đầu công ty giảm thu nhập, đến nay thì cho nghỉ hẳn không lương vô thời hạn, chưa biết bao giờ đi làm lại”, anh T.A. (ở phường Hải Tân, TP Hải Dương) lái xe thuê cho một công ty du lịch cho biết. Vợ anh có cửa hàng gội đầu ở nhà, nhưng từ sau Tết, cả 2 vợ chồng đều đã nghỉ vì dịch. Vì phải lo bữa ăn cho cả nhà, để kiếm tiền, anh tìm các nguồn nông sản ngon như mật ong, bột sắn, rau củ… cho vợ bán online nhưng thu nhập cũng không đáng là bao. Hiện anh quay ra nhận sửa chữa các loại đồ điện dân dụng… 

Cùng với việc dừng hoạt động của các cửa hàng, quầy hàng bán đồ không thiết yếu tại các chợ dân sinh, rất nhiều người buôn bán nhỏ phải dừng kinh doanh. Chị Lê Thị Kh. chuyên đẩy xe hoa quả đi bán rong tại các chợ Đông Ngô Quyền, Thanh Bình (TP Hải Dương) đã mất nguồn thu nhập từ 200.000-350.000 đồng mỗi ngày để lo cho cả nhà. Không còn trẻ để có thể sử dụng điện thoại, mạng xã hội bán hàng online, chị tranh thủ vỡ thêm đất trống quanh khu dân cư để trồng rau, mua gà về nuôi... thêm vào bữa ăn cho gia đình.

Không bỏ ai lại phía sau 

Đến nay, khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới chỉ dự báo được số lượng người lao động trong các doanh nghiệp của cả nước bị ngừng việc chứ chưa tính toán được con số người lao động phổ thông, lao động tự do có thể mất việc làm vì dịch bệnh. Tại Hải Dương cũng chưa thể thống kê hiện có bao nhiêu người sinh sống bằng các nghề bán hàng, "buôn thúng, bán mẹt", nghề tự do... bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, những khó khăn mà nhóm người này gặp phải trong tình hình hiện nay thì đã rõ. Phần lớn họ không có nguồn tích trữ nhiều, thu nhập thấp, ít tham gia bảo hiểm xã hội, không có nguồn thu nhập khác. 

Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để giúp người nghèo chống dịch Covid-19. Người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, người lao động bị giãn việc, mất việc và hộ kinh doanh cá thể sẽ được Chính phủ hỗ trợ trong thời gian tối đa 3 tháng để ứng phó với dịch. “Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”, đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy nhanh việc hỗ trợ càng sớm càng tốt. 

Đồng lòng với Chính phủ, tuy đang trong giai đoạn gay go phòng chống dịch, nhưng với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh, kể cả những lao động tự do quá khó khăn. Việc rà soát, hỗ trợ cần khẩn trương, công khai, minh bạch để tạo sự công bằng, đồng lòng trong toàn xã hội. 

LINH AN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động tự do xoay xở việc làm