Kỳ công nghề vẽ tranh tường

20/07/2019 14:21

Hiện nay, nhu cầu vẽ tranh trên tường khá nhiều đã tạo điều kiện cho các họa sĩ có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Họa sĩ Lê Đắc Tứ vẽ bức tranh tường với chủ đề về thiên nhiên, tạo điểm nhấn cho phòng ngủ của nhà một khách hàng ở huyện Kinh Môn

Thị trường ưa chuộng

Tranh tường xuất hiện nhiều ở các quán cà phê, trường học, nhà hàng, phòng khách, phòng ngủ của các gia đình, nhà thờ, đình, chùa… Với các chủ đề đơn giản về con vật, phong cảnh, đời sống sinh hoạt nên người vẽ tranh tường cũng không quá nặng nề về việc phải có tác phẩm để đời, do đó có thể thoải mái sáng tác.

Họa sĩ Lê Đắc Tứ ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) có nhiều năm kinh nghiệm vẽ tranh tường. Anh Tứ cho biết vẽ tranh 3D, tranh cổ điển, vẽ hình người trên tường thường khó và phức tạp, đòi hỏi người họa sĩ phải có trình độ, kỹ thuật và hiểu biết mới thể hiện được hết "cái thần" của tranh. Dòng tranh 3D là trào lưu mới, họa sĩ phải có tay nghề cao mới vẽ được những bức tranh mà khiến người xem có cảm giác như thật. “Ngoài kỹ thuật pha màu, cách thể hiện tối sáng, đỉnh cao của vẽ tranh 3D là kéo được cái bên trong tường nối tiếp ra ngoài hoặc mượn không gian bên ngoài để hỗ trợ cho tranh 3D, khiến bức tranh sống động. Có như vậy, tác phẩm mới thành công”, anh Tứ nói.

Để vẽ được một bức tranh tường cần có năng khiếu, con mắt thẩm mỹ, trí tưởng tượng phong phú và nắm được kỹ thuật pha màu, bố cục. Họa sĩ Nguyễn Văn Quỳnh ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề chia sẻ tranh vẽ trên tường chia ra 2 yếu tố là màu và bố cục. Mỗi cái có độ khó riêng nhưng pha màu là khó nhất vì nó rất đa dạng. Hơn nữa, tranh vẽ xong, đẹp hay không lại phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người.

Theo các họa sĩ, để bắt đầu vẽ tranh tường, việc đầu tiên phải sơn lót trắng từ 1 - 2 lần, sau đó lên ý tưởng cho khung tranh. Mẫu do khách hàng tự chọn hoặc có thể gợi ý chủ đề để họa sĩ sáng tác theo. Người vẽ có trách nhiệm phác hình, bố cục bức tranh và lên màu. Lên màu chia làm 2 bước, lên màu nền và vẽ chi tiết. Sau khi vẽ xong, họa sĩ thường phủ tiếp một lớp dầu bóng để giữ màu cho tranh và giúp bức tranh có chiều sâu hơn. Về chất liệu vẽ, nếu trong nhà thì sử dụng sơn dầu, acrylic, ve tường, ngoài trời có thể sơn Nikko, Toa… tùy vào từng không gian để sử dụng các loại chất liệu vẽ khác nhau nhằm giữ bức tranh bền màu.

Tranh vẽ lên tường thường ở không gian ngoài trời nên họa sĩ rất khó tập trung. Vất vả nhất là vẽ các mảng tường tại các không gian và địa hình không thuận lợi ở trên các tầng cao. Chẳng hạn như vẽ mây trên trần nhà phải ngửa mặt liên tục, rất mỏi cổ. Do phải đứng mấy tiếng đồng hồ trên giáo lại vừa tập trung thể hiện hết "cái thần" cho tranh, chỉ cần không để ý rất dễ bị ngã.

Theo nghề này, nhiều họa sĩ phải đi làm tỉnh ngoài, xa gia đình hàng chục ngày, thậm chí cả tháng trời. Không ít họa sĩ đã phải bỏ nghề vì chưa có thương hiệu, việc ít hoặc trình độ kém nên thu nhập không ổn định. Có những họa sĩ kỹ thuật chưa cao, nhận vẽ những dòng tranh 3D, tranh cổ điển khó nên thu nhập thấp vì phải mất nhiều thời gian, vật liệu, thậm chí khách hàng không hài lòng.

Thu nhập cao

Toàn tỉnh hiện có hơn 100 họa sĩ làm nghề vẽ tranh tường, có những họa sĩ thực thụ, có người làm nghề “tay trái”, rồi cả thầy, cô giáo trong các trường học và sinh viên mỹ thuật. Đây là nghề mang lại thu nhập cao so với mặt bằng xã hội nên nhiều người theo học để hành nghề. Thị trường vẽ chủ yếu trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình.

Nhiều người ví nghề này như đi câu, vẽ nhiều thì mới có thu nhập cao. Theo anh Tứ, giá tranh tường được tính theo m2 . Những dòng tranh dễ vẽ như tranh ở các trường học có giá khoảng 200.000 - 300.000 đồng/m2 ; tranh vẽ phong cảnh, đời sống sinh hoạt khoảng 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/m2 . Riêng dòng tranh 3D có những bức lên đến 3 - 4 triệu đồng/m2 . Tuy nhiên, giá tiền của tranh còn phụ thuộc vào thương hiệu, trình độ của họa sĩ, gu thẩm mỹ của khách hàng. Có người vẽ những bức tranh đơn giản có thể chỉ cần vài tiếng là xong, tranh phức tạp hơn mất từ 2 - 4 ngày. Một số họa sĩ "ẵm" từ 10 - 15 triệu đồng/bức tranh. Họa sĩ Lê Đắc Tứ hiện có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ tháng từ nghề vẽ tranh tường. Còn họa sĩ Nguyễn Văn Quỳnh có thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng. Người ít việc và vẽ tranh đơn giản cũng có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở lên.

Thị hiếu, gu thẩm mỹ của người sử dụng tranh tường cũng rất khác nhau. Nhưng với xu hướng như hiện nay, nghề vẽ tranh tường sẽ còn thịnh hành và phát triển mạnh trong tương lai.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Kỳ công nghề vẽ tranh tường