Cần "đất" để hút người tài

09/10/2019 10:01

Mặc dù tỉnh vừa tăng mức hỗ trợ nhằm thu hút nhân tài, nhưng theo nhiều người thuộc nhóm nguồn nhân lực chất lượng cao, điều kiện này vẫn chưa thực sự hấp dẫn.


Với nhiều bác sĩ, việc chọn lựa bệnh viện tuyến trung ương vẫn được ưu tiên hơn do ở đây được tiếp xúc với đa dạng nguồn bệnh, có điều kiện tốt để nâng cao trình độ chuyên môn thông qua đào tạo, hợp tác quốc tế... và thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra. Ảnh: Đức Thành

Thay thế quy định cũ, mức hỗ trợ thu hút nhân tài về tỉnh mới đây đã tăng tương đương hoặc cao hơn một số tỉnh, thành phố trong khu vực. Tuy nhiên, một số người thuộc diện nhân lực chất lượng cao cho rằng tỉnh cần tiếp tục cải thiện nhiều điều kiện mới đủ sức hút người tài.

Thu nhập chưa phải là tất cả

Từng du học theo chương trình Đông Du tại Nhật Bản hơn 10 năm trước, tốt nghiệp thạc sĩ loại khá tại Học viện Công nghệ Tokyo năm 2014, anh Phạm Văn Huệ, quê ở Hoành Sơn (Kinh Môn) hiện đang làm việc cho một dự án viễn thông của Myanmar.

Sau khi tìm hiểu Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ đi đào tạo sau đại học, thưởng phong học hàm, tặng danh hiệu đối với cán bộ, công chức, viên chức do UBND tỉnh mới ban hành, anh Huệ cho rằng còn nhiều khó khăn do chính sách của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn, chưa tiếp cận được với người giỏi ở xa.

Theo anh Huệ, tỉnh có thể thu hút 2 nhóm nhân lực giỏi là người ở nước ngoài có dự định nhưng chưa về nước và người đã về quê hương nhưng phần lớn đang làm trong các doanh nghiệp nước ngoài hoặc tự khởi nghiệp.

"Thu hút nhân lực chất lượng cao mà chỉ hỗ trợ bằng mức lương thì chưa hiệu quả vì họ là những người có thể dễ dàng tìm được mức lương rất cao ở các khu vực khác", thạc sĩ Huệ cho biết.

Cụ thể, anh Huệ và 40% số bạn học người Việt Nam cùng khóa đều đã có việc làm thu nhập cao ở các quốc gia khác. Họ đều sẽ học lên trình độ cao hơn với chi phí tốn kém, nên chỉ với 100 - 120 lần mức lương cơ sở để thu hút giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ... là chưa đủ hấp dẫn người giỏi.


Công ty TNHH Kefico Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc tại khu công nghiệp Đại An) chuyên sản xuất động cơ điện tử tự động... có nhiều chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: Hải Minh

Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng quê ở TP Hải Dương, hiện đang công tác tại Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng không về tỉnh công tác vì anh cho biết ở bệnh viện tuyến trung ương có điều kiện học tập, đào tạo liên tục, tiếp xúc với đa dạng nguồn bệnh, người bệnh, có điều kiện tốt để phát triển bản thân, nâng cao trình độ chuyên môn thông qua đào tạo, hợp tác quốc tế...

Thu nhập cao và tương xứng với công sức bỏ ra là tất nhiên. Nhưng theo tiến sĩ Dũng, không chỉ Hải Dương mà các tỉnh, thành phố khác vẫn chưa đủ sức hấp dẫn nhân tài chính là do còn thiếu các yếu tố thiết yếu khác, thậm chí có ý nghĩa quan trọng hơn cả thu nhập.

Trong khi đó, để tuyển dụng nhân lực chất lượng cao, những môi trường hiện đại khác sẵn sàng cạnh tranh bằng nhiều chính sách, ưu đãi có tính bền vững.

Bác sĩ Nguyễn Văn T. vừa rời khỏi một bệnh viện công của tỉnh để làm việc ở bệnh viện tư cho biết: “Ngoài chế độ đãi ngộ "khủng" như chuyển luôn số tiền hỗ trợ lớn vào tài khoản cá nhân, bệnh viện tư nhân còn có những ưu đãi cho chúng tôi khi mua nhà ở chung cư cao cấp, mua xe ô tô, bố trí trường lớp học cho con em. Môi trường làm việc hiện đại, chủ động, ít áp lực đang tạo cơ hội lớn cho tôi phát triển bản thân".

Thiếu điều kiện để cống hiến, phát triển tài năng

Xung quanh quy định mới của tỉnh, nhiều ý kiến cũng cho rằng vẫn khó hút nhân tài vì "vướng" vào những quy định chưa có hướng dẫn cụ thể. Có ý kiến thắc mắc thế nào là "người có tài năng", "năng khiếu đặc biệt"... trong quy định về việc xét tiếp nhận vào viên chức đối với các đối tượng này. Cho đến nay, các khái niệm trên vẫn chưa có định nghĩa chính thức trong các văn bản pháp luật, chưa có khung pháp lý.



Có người đặt câu hỏi các tuyển thủ sáng giá người Hải Dương ở đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam có được gọi là "người có tài năng", "năng khiếu đặc biệt" hay không và tuyển về tỉnh thì xếp vào vị trí nào?. Ảnh: Thành Chung

Hút nhân tài đã khó, giữ nhân tài còn khó hơn trong điều kiện các tỉnh, thành phố nhỏ còn thiếu "đất" để người có tài phát huy. Ví dụ, với các tuyển thủ sáng giá là người Hải Dương ở đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam và đang ở các câu lạc bộ khác trong nước có được gọi là "người có tài năng", "năng khiếu đặc biệt" hay không và nếu thu hút được về tỉnh, họ sẽ được tuyển vào cơ quan, đơn vị nào để có thể phát huy tài năng?...

Tiến sĩ Hoàng Văn Dũng trao đổi về tháp nhu cầu của nhà tâm lý học nhân văn Abraham Maslow của Mỹ (được thể hiện qua 5 nhu cầu, trong đó nhu cầu tự chứng tỏ mình và nhu cầu được tôn trọng xếp cao nhất trên đỉnh tháp) để khẳng định vai trò quan trọng của việc cung cấp cơ hội - chính là "đất" để nhân tài phát huy.

Trong khi chưa có được các điều kiện theo tháp nhu cầu Maslow thì tiến sĩ Dũng nhận định cả 3 tiêu chí mà các bạn trẻ thường tìm kiếm để xây dựng sự nghiệp là chất lượng cuộc sống (gồm giáo dục, y tế), thu nhập và tiêu chí khác về văn hóa đều còn hạn chế ở trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng.

Đây chính là điểm mắc trong việc thu hút, giữ chân nhân tài, vì ngoài mức lương thỏa đáng, điều mà nguồn nhân lực chất lượng cao mong muốn chính là các điều kiện để khẳng định, được ghi nhận để cống hiến,phát triển bản thân.

Tuy có nhiều điểm tiến bộ so với quy định về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao 10 năm trước, nhưng đúng như chia sẻ của một số người Hải Dương đang công tác, làm việc xa quê, để hút được nguồn lực chất lượng cao, điều quan trọng hơn là tỉnh phải có "đất" để người giỏi đóng góp, cống hiến.

LINH AN

(0) Bình luận
Cần "đất" để hút người tài