Bằng cấp không phản ánh được năng lực của sinh viên

09/07/2019 18:44

Chiều 9.7, các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ.


Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 9.7

Thảo luận về Tờ trình quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ đi đào tạo sau đại học, thưởng phong học hàm, tặng danh hiệu đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Hường (TP Hải Dương) cho biết nội dung Tờ trình có chính sách thu hút đối với những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhưng lại không nói rõ học trường nào. Nếu sinh viên học chính quy ở các trường công lập tốp đầu thì chất lượng tin cậy, còn sinh viên được đào tạo ở các trường dân lập, tư thục hoặc những trường công lập nhưng tốp cuối, đầu vào chỉ xét học bạ thì chất lượng đầu ra rất khó kiểm chứng. "Bằng cấp không phản ánh được hết năng lực của sinh viên. Có những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng làm việc lại không tốt. Chỉ nên thu hút những sinh viên xuất sắc nhưng phải là thủ khoa", đại biểu Hường nói.

Trước băn khoăn của đại biểu Hường, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đại biểu huyện Bình Giang, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 1 cho biết tiêu chuẩn trên chỉ là điều kiện cần, còn nhiều điều kiện khác khi tổ chức phỏng vấn sinh viên trước khi quyết định xét tuyển.

Không đồng tình với ý kiến của đại biểu Hường, đồng chí Bùi Quang Toản, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng với những trường đại học công lập chính quy, việc tốt nghiệp đạt loại xuất sắc không dễ. "Những sinh viên học ở các trường công lập tốp đầu sẽ rất khó đạt được bằng xuất sắc. Những sinh viên đạt được bằng xuất sắc mà tỉnh không có chính sách ưu đãi hấp dẫn chưa chắc họ đã về làm việc", đồng chí Bùi Quang Toản nói. Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh đề nghị chỉ cần bổ sung vào Nghị quyết điều kiện tuyển dụng phải là sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ở các trường công lập tốp đầu.

Thảo luận về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, đại biểu Phạm Thị Thanh Tâm (Bình Giang) cho biết báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ ra có tình trạng con cái tách khẩu cho bố mẹ để hưởng chính sách đối với người nghèo. Đại biểu Tâm đề nghị cần phải phân hóa rõ những đối tượng nghèo tuổi cao và nghèo nhưng còn sức lao động để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. "Không thể chuyển giao khoa học kỹ thuật cho những đối tượng nghèo đã già cả. Cũng không thể cấp tiền cho những người nghèo mà còn sức lao động. Do đó, việc phân hóa đối tượng để hỗ trợ là rất cần thiế", đại biểu Tâm đề nghị.

Đại biểu Mai Xuân Anh (Tứ Kỳ) cho biết hiện nay việc xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động ở các khu công nghiệp rất khó khăn. Tỉnh và các huyện rất quan tâm giải quyết vấn đề này nhưng còn nhiều bất cập. Các dự án đô thị triển khai ở các địa phương nhiều nhưng quỹ đất giành cho nhà ở thương mại còn ít. Các dự án nhà ở xã hội cũng chỉ mới tập trung loại hình nhà ở chung cư. Địa điểm xây dựng nhưng không phù hợp, không gần trường học, chợ nên công nhân không ở. Đại biểu Xuân Anh đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh cần xem xét quy hoạch các dự án phù hợp với nhu cầu, khả năng của người lao động. Khi tiếp nhận, phê duyệt các dự án khu dân cư cần yêu cầu tỷ lệ nhà dành cho người thu nhập thấp, nhất là trong thời gian tới nhu cầu nhà ở của các công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp rất cao.

NHÓM PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bằng cấp không phản ánh được năng lực của sinh viên