Sẵn sàng đưa vải thiều Việt Nam ra thế giới

16/06/2022 15:18

Đây là chủ đề bài tham luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân tại diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới” sáng 16.6.


Đồng chí Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biểu khai mạc diễn đàn

Sáng 16.6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới” (Vietnamese Lychees go global) và khai trương triển lãm số, gian hàng số cùng chủ đề.

Tham dự diễn đàn có đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo UBND 2 tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, đại diện một số bộ, ngành Trung ương và một số sở, ngành, địa phương của 2 tỉnh Hải Dương, Bắc Giang.


Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân tham luận tại diễn đàn

Diễn đàn cũng có sự tham dự của Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam, Phó Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, hơn 30 cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, hơn 20 cơ quan thường trú báo chí nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn khẳng định bạn bè quốc tế chính là sứ giả, cầu nối cho nông sản Việt Nam nói chung, vải thiều nói riêng và cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để mang đến cho người dân thế giới những nông sản ngon, bảo đảm chất lượng và an toàn trong sử dụng.


Nhiều ý kiến được đưa ra nhằm mở rộng thị trường, tăng sản lượng xuất khẩu vải thiều tại phiên tọa đàm

Tham luận tại diễn đàn với chủ đề “Sẵn sàng, bảo đảm chất lượng đưa vải thiều Việt Nam ra thế giới”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân khẳng định vải thiều là cây trồng có giá trị xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh. Vải thiều Thanh Hà được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia, trong đó có một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

Trong bài tham luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin tới diễn đàn về tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà. Diện tích trồng vải toàn tỉnh gần 9.000 ha, sản lượng trung bình hằng năm trên 60.000 tấn; khoảng 50% sản lượng vải thiều của tỉnh được tiêu dùng trong nước, khoảng 40% sản lượng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và 10% sản lượng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.


Các đại biểu nhấn nút khai mạc triển lãm số, gian hàng số “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”

Hải Dương đã xây dựng các vùng vải thiều chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu, thực hiện nhiều giải pháp về giống, khoa học - công nghệ, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Về tổng thể, nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hữu cơ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Hải Dương luôn tự hào về chất lượng vải thiều. Với kinh nghiệm truyền thống hiện có của các hộ nông dân, sự phối hợp của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, vải thiều Hải Dương luôn sẵn sàng để vươn tới các thị trường cao cấp trên toàn thế giới.


Đại biểu trải nghiệm triển lãm số

Qua diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đoàn ngoại giao, cơ quan truyền thông hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá hình ảnh vải thiều nói chung, vải thiều Thanh Hà Hải Dương nói riêng tới các thị trường trong và ngoài nước. Hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội giao thương; nhất là kết nối, giới thiệu nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, sản phẩm vải thiều trên địa bàn tỉnh. Nhấn mạnh thông điệp “sự thành công của nhà đầu tư là sự thành công của chính mình”, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cam kết Hải Dương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, an ninh, trật tự, giao thông, bến bãi đỗ xe và dịch vụ khác để doanh nghiệp, doanh nhân trong nước và quốc tế đến, tiêu thụ sản phẩm vải thiều của tỉnh.

Trong khuôn khổ diễn đàn, phiên tọa đàm với chủ đề “Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam” đã tập trung làm rõ một số vấn đề như đáp ứng các điều kiện xuất khẩu vải thiều tại một số thị trường khó tính; mở rộng thị trường, tăng sản lượng xuất khẩu; bảo quản, vận chuyển vải sau thu mua; sản xuất theo chuỗi…


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân trao đổi với một số đại diện cơ quan quốc tế bên lề diễn đàn

Cũng tại diễn đàn, sản phẩm vải thiều nói riêng, một số nông sản khác nói chung được tổ chức triển lãm số, gian hàng số nhằm giới thiệu tới các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, cơ quan thương mại, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội, vải thiều Thanh Hà chín sớm so với chính vụ từ 20-30 ngày có giá từ 50.000-80.000 đồng/kg. Ngoài chợ truyền thống, vải thiều chín sớm cũng được bán tại nhiều hệ thống siêu thị thực phẩm uy tín với giá khoảng 90.000 đồng/kg. Lý giải về giá bán cao, một số nhà phân phối cho biết đây là loại vải được tuyển chọn từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm chất lượng nên giá cao hơn so với mặt bằng chung.

Cây vải tổ tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Cây vải thiều lâu năm nhất”. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý; đạt top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng, sản phẩm uy tín và được bình chọn là “Tinh hoa đặc sản 3 miền”.

HÀ KIÊN - THÀNH CHUNG

(0) Bình luận
Sẵn sàng đưa vải thiều Việt Nam ra thế giới