Quy hoạch làng nghề gặp khó

01/04/2022 16:27

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ xen lẫn khu dân cư là thực trạng ở hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay. Nhiều người dân đang phải sống chung với ô nhiễm và nguy cơ bệnh tật trong khi việc quy hoạch làng nghề vẫn là một bài toán khó.


Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tại làng nghề gia công, chế tác bạc ở xã Thúc Kháng (Bình Giang). Đây là một trong nhiều làng nghề vẫn hoạt động xen lẫn trong khu dân cư

Loay hoay

Những năm gần đây, nhiều địa phương đã chủ động lập kế hoạch di dời, quy hoạch tập trung làng nghề thành các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp làng nghề nhằm mục tiêu phát triển bền vững nhưng đến nay vẫn bỏ ngỏ vì nhiều lý do.

Năm 2017, để giải quyết tình trạng ô nhiễm từ các làng nghề có hộ sản xuất lớn, UBND huyện Gia Lộc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 2 điểm tiểu thủ công nghiệp tập trung tại làng nghề giày da ở xã Hoàng Diệu và làng nghề mộc Đức Đại (thị trấn Gia Lộc) để từng bước di chuyển các cơ sở sản xuất trong khu dân cư ra điểm tập trung. Tuy nhiên đến hết năm 2021, địa phương vẫn chưa có kế hoạch triển khai, huyện đã loại bỏ 2 điểm tiểu thủ công nghiệp tập trung này ra khỏi quy hoạch, các cơ sở sản xuất làng nghề khi có điều kiện có thể di chuyển ra các cụm công nghiệp, khu công nghiệp.

Đến nay, hàng nghìn cơ sở sản xuất ở làng nghề vẫn nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Đến đầu các làng nghề giày da ở xã Hoàng Diệu đã thấy mùi da giày, xi, keo... rất khó chịu lan tỏa trong không khí. Những mảnh vụn giày da thải bỏ sau khi gia công chủ yếu được thu gom, xử lý theo phương pháp thủ công.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một số làng nghề của nhiều địa phương khác khi quy hoạch, kế hoạch di dời làng nghề ra xa khu dân cư đã có nhưng chưa thể thực hiện. Nhiều huyện chưa có cơ chế hỗ trợ riêng để làng nghề duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường ở làng nghề chủ yếu gắn với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương.  

Nhiều nguyên nhân

Một số địa phương cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là thiếu quỹ đất để quy hoạch, thiếu kinh phí để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật; ngân sách hạn hẹp nên khó hỗ trợ người dân. Mặt khác, việc di dời cơ sở sản xuất sang một vị trí mới cần huy động nguồn vốn lớn mà lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ở làng nghề mộc Đông Giao (xã Lương Điền, Cẩm Giàng), tiếng cưa máy kêu inh ỏi cả ngày cùng với bụi gỗ bay là mối nguy hại lớn với sức khỏe người dân. Do nhiều hộ đã đặt máy móc, xây dựng nhà xưởng kiên cố trong thôn nên xã vừa quy hoạch khu sản xuất tập trung cho người dân thuê đất làm nhà xưởng, vừa quy hoạch khu dân cư mới để người dân có nhu cầu và đủ điều kiện thì chuyển ra. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ năng lực tài chính để đầu tư nhà mới, xưởng mới.

Nhiều hộ sản xuất trong làng nghề cũng không muốn sản xuất tập trung trong một khu riêng biệt bởi đặc trưng của nghề truyền thống là tận dụng thời gian rảnh rỗi lúc nông nhàn, sử dụng lao động gia đình. Làng nghề truyền thống đã gắn liền với nếp sinh hoạt của dân làng. Việc quy hoạch tập trung làng nghề có thể làm thay đổi phong tục, tập quán trong sản xuất của người dân, mất đi nét truyền thống khiến nhiều người e ngại. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đã góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của một bộ phận lớn người dân ở nông thôn thông qua sử dụng có hiệu quả các nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe người dân sinh sống tại làng nghề vẫn chưa được giải quyết triệt để vì khó quy hoạch. Hiện nay, sở này đang tiếp tục tham mưu thực hiện các chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 49/2020/QĐ-UBND về công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và một số chính sách phát triển ngành nghề nông thôn để xây dựng danh mục dự án phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2025.

PHẠM TUYẾT

(0) Bình luận
Quy hoạch làng nghề gặp khó