Mục tiêu PCI năm 2018 liệu có đạt?

06/04/2018 06:48

Để đạt mục tiêu năm 2018 nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất cả nước thì chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan của Hải Dương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.


Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp năm 2018 lần thứ nhất, đại diện Công ty CP Đầu tư phát triển khu công nghiệp Cộng Hòa (Chí Linh) cho biết khó thu hút đầu tư do bãi rác tồn tại từ lâu sát khu công nghiệp

Mục tiêu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Dương năm 2017 không đạt như kỳ vọng khi chỉ xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Để đạt mục tiêu năm 2018 nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất cả nước thì chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan của Hải Dương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.


Thứ hạng tiếp tục giảm

Chỉ số PCI năm 2017 của tỉnh Hải Dương đạt 60,36 điểm, xếp thứ 49 trong cả nước, tụt 13 bậc so với năm 2016. Đây là năm thứ ba liên tiếp chỉ số PCI của tỉnh bị giảm thứ hạng.

Năm qua, Hải Dương nằm trong nhóm 23 tỉnh có chỉ số PCI xếp hạng trung bình và đứng thứ 21 trong nhóm này, chỉ trên tỉnh Hậu Giang và tỉnh Cà Mau. So với nhóm các tỉnh, thành phố xếp loại trung bình thì PCI của Hải Dương ở mức trung bình yếu. Xét về mặt địa lý, so sánh PCI của Hải Dương với các tỉnh có nhiều điểm tương đồng về địa hình, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội thì chỉ số PCI của tỉnh cũng rất khiêm tốn. Trong 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, PCI của Hải Dương đứng thứ 10, chỉ trên Hưng Yên (hơn 1,27 điểm).

Trở lại năm 2016, PCI của Hải Dương xếp thứ 36 của cả nước, nằm trong nhóm 29 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI xếp loại khá và cao hơn 15 tỉnh, thành khác trong nhóm này. So với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, chỉ số PCI của Hải Dương cao hơn 2 tỉnh. Như vậy, năm 2017, so sánh ở tiêu chí vùng miền và cả nước cùng nhóm xếp hạng thì PCI của Hải Dương đều bị tụt giảm mạnh.

Năm 2017, Hải Dương có 4/10 chỉ số thành phần PCI bị giảm điểm là gia nhập thị trường, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và tính năng động của chính quyền. Điều đáng chú ý, trong 4 chỉ số này có 2 chỉ số đã bị giảm điểm trong năm 2016 là tính minh bạch và cạnh tranh bình đẳng. 2 chỉ số giảm điểm còn lại là những chỉ số đã tăng điểm trong năm 2016 nhưng lại bị giảm trong năm 2017. Điều này cho thấy, việc cải thiện chỉ số PCI của tỉnh chưa hiệu quả. Một số biện pháp để nâng cao những chỉ số giảm điểm của năm trước đã có tác dụng thì hiệu quả chưa bền vững.

Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp năm 2018 lần thứ nhất, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận sự chậm trễ trong giải quyết các thủ tục đất đai đối với Công ty CP Đồng Tâm miền Bắc và đề nghị đại diện doan nghiệp nếu gặp khó khăn, vướng mắc có thể điện thoại trực tiếp cho giám đốc sở 

Cần các giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt


Điểm số PCI năm 2017 của tỉnh tăng 2,41 điểm so với năm2016 nhưng thứ hạng bị tụt tới 13 bậc. Điều này cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã tin tưởng hơn vào sự điều hành của các cấp chính quyền. Nhưng so với các tỉnh, thành phố khác, sự chuyển động trong cải thiện chỉ số PCI của Hải Dương còn chậm.

Báo cáo ngày 15.3 của Tổ công tác PCI của tỉnh về việc triển khai nhiệm vụ cải cách chỉ số PCI năm 2017 đã chỉ ra nhiều hạn chế trong việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Nhiều cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Đề án cải thiện chỉ số PCI, Nghị quyết 35, Nghị quyết 19, cam kết giữa VCCI với UBND tỉnh nhưng không chỉ đạo thực hiện cụ thể, quyết liệt nên chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, công chức. Công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế. Việc tinh giản biên chế, luân chuyển cán bộ ở nhiều cơ quan chưa được thực hiện nghiêm túc nên không tạo ra hiệu ứng tích cực cho những người làm việc tốt, cảnh báo, xử lý người làm việc yếu kém....

Để đạt mục tiêu PCI năm2018, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết của đơn vị, địa phương mình, có các nhóm giải pháp thực hiện cụ thể, đồng bộ. Quan trọng nhất là công tác cán bộ, sử dụng cán bộ có năng lực phẩm chất tốt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kiên quyết thay thế cán bộ yếu kém, gây nhũng nhiễu, có nhiều điều tiếng với người dân, doanh nghiệp. Việc phân công công việc cần rõ ràng, minh bạch, một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Hiện nay, nhiều tỉnh có chỉ số PCI cao đã áp dụng những sáng kiến để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh Bắc Ninh có bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và UBND cấp huyện. Tại tỉnh Đồng Tháp, sinh hoạt cà phê doanh nhân do Văn phòng UBND tỉnh chủ trì. Còn ở Cần Thơ, vào sáng thứ hai hằng tuần, các giám đốc sở, ngành không họp mà dành thời gian tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Trong bối cảnh hiện nay, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh chịu áp lực rất lớn. Hải Dương phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới hy vọng đạt được mục tiêu đề ra.

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Mục tiêu PCI năm 2018 liệu có đạt?