Xuất khẩu - những tín hiệu lạc quan

02/05/2018 11:02

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp của tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm để tăng kim ngạch xuất khẩu.

Sản phẩm túi tự hủy của Tập đoàn An Phát ở cụm công nghiệp An Đồng (Nam Sách) đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính

Thuận về giá và thị trường

Sau khi được gặp gỡ, trao đổi với những người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam, tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”, anh Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc) bắt tay ngay vào sản xuất. Anh Trường cho biết so với cùng kỳ năm trước, năm nay doanh nghiệp ký kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu hơn, với giá trị tăng khoảng 10%. Điều này cho thấy chất lượng nông sản của doanh nghiệp đã được đánh giá tốt hơn ở nhiều thị trường. Đáng chú ý là thị trường xuất khẩu đã được mở rộng thêm. Ngoài các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan... công ty đã tiếp cận được những thị trường mới, giàu tiềm năng là Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Singapore, Nga.

Chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, những tháng đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục khẳng định vị thế của mình. Đánh giá về khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, đại diện Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) khẳng định: “Chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố hàng đầu giúp doanh nghiệp tăng sản lượng xuất khẩu và tiếp tục mở rộng thị trường”. Tính đến hết tháng 4, kim ngạch xuất khẩu của công ty ước đạt 85 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) cũng tăng trưởng mạnh. Các doanh nghiệp FDI góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh quý I đạt hơn 1,3 tỷ USD.

Theo đánh giá của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm của tỉnh tăng trưởng nhanh chứng tỏ các doanh nghiệp xuất khẩu đã mạnh lên. Một số mặt hàng như thép, nông sản chế biến đã vượt qua hàng rào thuế quan khắt khe để chiếm lĩnh thị trường. Số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch tăng. Nhiều ngành hàng chủ lực của tỉnh như may mặc, da giày, sản xuất linh kiện điện, điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn như các Công ty TNHH: Công nghiệp Brother, May Tinh Lợi, Sumidenso Việt Nam tích cực đầu tư mở rộng sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Theo ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương, đây là tín hiệu lạc quan, đồng thời góp phần tiếp thêm đà tăng trưởng cho xuất khẩu của tỉnh những tháng tiếp theo.

Thêm cơ hội

Da giày tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu của Hải Dương quý I năm nay đạt mức tăng cao. Các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất. Đây là tiền đề để kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh trong các tháng tiếp theo, nhất là trong quý II. 

Thông thường kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng trưởng chậm vào những tháng đầu năm thì có thể ngay trong quý II này sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Cùng với đó, các mặt hàng dệt may, da giày thường bắt đầu vào vụ sản xuất cao điểm từ giữa năm. Do đó, xuất khẩu các tháng tiếp theo của tỉnh được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Mặc dù Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được ký kết nhưng đã mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu. Không cần đợi đến khi hiệp định này có hiệu lực, Canada đã thông báo loại bỏ 42% số dòng thuế đối với sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào nước này. Một số doanh nghiệp Nhật đã đến Hải Dương tìm hiểu cơ hội nhập khẩu nông sản của Hải Dương. Ông Phạm Ánh Dương, đại diện Tập đoàn An Phát ở cụm công nghiệp An Đồng (Nam Sách) nhận định: “Hiệp định CPTPP mặc dù không có sự tham gia của Mỹ nhưng nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được mở ra. Ngoài xuất khẩu sang thị trường Mỹ, ngay trong quý II và III của năm nay, doanh nghiệp sẽ ký thêm hợp đồng xuất khẩu túi tự hủy thân thiện môi trường với các đối tác của Nhật Bản. Tăng cường tiếp thị, giới thiệu sản phẩm tại thị trường các nước đã tham gia ký kết CPTPP để đón đầu những lợi ích từ hiệp định này mang lại”. 

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VK FTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU FTA) đã có hiệu lực từ hơn một năm nay tiếp tục giúp các doanh nghiệp của tỉnh mở rộng thị trường, tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu. Theo ông Lê Viết Thụ, Giám đốc Công ty TNHH May TBT Thanh Hà (Thanh Hà), thay vì xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp đang tập trung xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp đang tích cực nâng cao năng lực sản xuất, nhanh chóng nắm bắt các công nghệ mới để tìm cơ hội mở rộng thị trường trong xu thế hội nhập. Nếu không nhanh chân, cơ hội lớn sẽ tuột khỏi tầm tay và chuyển sang doanh nghiệp các nước khác.

Kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu tăng trưởng mạnh góp phần tiếp thêm động lực để Hải Dương đạt và vượt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5,5 tỷ USD trong năm 2018. Để đạt được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp còn cần sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa của cơ quan công quyền. Tỉnh tiếp tục trải “thảm đỏ” để thu hút đầu tư có chất lượng và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh yên tâm sản xuất, kinh doanh.

LAN ANH

Kim ngạch xuất khẩu của Hải Dương quý I năm nay đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 95%. Các công ty TNHH có kim ngạch xuất khẩu lớn là May Tinh Lợi, Sumidenso Việt Nam, Công nghiệp Brother Việt Nam... Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao và tăng mạnh là linh kiện điện, điện tử, may mặc, giày da, chế biến nông sản…

(0) Bình luận
Xuất khẩu - những tín hiệu lạc quan