Ưu đãi giá điện cho công nhân ở trọ: Quy định đã có, vẫn khó thực hiện

11/12/2018 12:06

Công nhân ở trọ vẫn phải chịu giá điện sinh hoạt mức cao dù chính sách mới đã có hiệu lực.

Gia đình anh Hoàng Văn Hơn thuê nhà ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) phải trả tiền điện sinh hoạt với giá 3.800 đồng/kWh

Mới đây, Bộ Công thương sửa đổi một số nội dung liên quan đến chính sách áp giá bán điện sinh hoạt cho người lao động thuê nhà trọ theo hướng đơn giản hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít công nhân ở trọ vẫn không được hưởng chính sách này và phải chịu giá điện sinh hoạt ở mức cao do chủ nhà trọ đưa ra. 

Ngậm ngùi chịu giá cao

Thông tư số 25/2018/TT-BCT của Bộ Công thương có hiệu lực thi hành từ ngày 26.10.2018 quy định cụ thể về việc áp giá bán điện sinh hoạt cho người ở trọ. Trường hợp thuê nhà có hợp đồng từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện. Trường hợp người thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 cho toàn bộ sản lượng đo đếm được tại công tơ. Nếu chủ nhà kê khai đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú. Cứ 4 người thuê nhà được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Định mức của ngành điện đang áp dụng đối với giá điện sinh hoạt chia thành 6 bậc, trong đó mức giá thấp nhất là 1.549 đồng/kWh, mức cao nhất là  2.701đồng/kWh.

Tháng 7 vừa qua, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát việc thực hiện giá bán lẻ điện sinh hoạt tại một số khu nhà trọ ở các huyện Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Kim Thành, Nam Sách, thị xã Chí Linh và TPHải Dương. Kết quả cho thấy các chủ nhà trọ đều thu với mức giá từ 2.000-4.000 đồng/kWh. Trong đó, chỉ có khoảng 24% số chủ nhà thu mức 2.000 đồng/kWh, nghĩa là cơ bản đúng so với hóa đơn tiền điện do ngành điện lực phát hành; còn lại đều thu mức từ 2.500 đồng/kWh trở lên, cao hơn so với quy định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau ngày 26.10 khi Thông tư 25 của Bộ Công thương có hiệu lực thi hành, không ít người thuê trọ vẫn phải chịu mức giá điện theo kiểu dịch vụ của chủ nhà trọ đưa ra.

Gần 1 năm trước, vợ chồng chị Vũ Thị Hường và anh Hoàng Văn Hơn quê ở Lạng Sơn xuống TP Hải Dương làm công nhân may và thuê trọ ở khu 1, phường Cẩm Thượng. Ngay khi thuê nhà, anh chị đã làm đầy đủ thủ tục đăng ký tạm trú với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ngay từ đầu chủ nhà cho biết sẽ thu tiền điện với mức 3.800 đồng/kWh. Biết là giá điện cao nhưng vợ chồng chị Hường vẫn phải chấp nhận vì anh chị đã thử đi tìm hiểu một số khu nhà trọ lân cận thì giá điện đều ở mức tương ứng. Tháng 11.2018 là tháng đầu tiên sau khi Thông tư25 của Bộ Công thương có hiệu lực thi hành nhưng giá điện mà vợ chồng chị Hường phải trả vẫn không có gì thay đổi. 

Tương tự, anh Quàng Văn Hùng, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam, đang ở trọ tại thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) cho biết mặc dù vợ chồng anh ở đây đã khá lâu, có đăng ký tạm trú nhưng phải chịu giá điện sinh hoạt 3.000 đồng/kWh, kể cả trong tháng 11. Không chỉ riêng anh mà cả dãy trọ hàng chục phòng cũng đều như vậy. 

Vì sao?

Có nhiều nguyên nhân khiến quy định bán điện giá ưu đãi cho người ở trọ chưa được thực hiện nghiêm. Nhiều chủ nhà trọ không muốn chịu thiệt, có tư tưởng “kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy”. Với cách thức này, chủ nhà càng có nhiều phòng trọ thì mức lãi từ thu tiền điện theo kiểu dịch vụ sẽ càng tăng. Ngoài ra, cũng có chủ nhà trọ cho rằng việc đăng ký để hưởng mức giá điện ưu đãi cho người thuê trọ khiến họ mất nhiều thời gian, phiền phức. Bà Đồng Thị Liên, người có nhà trọ cho thuê tại phường Ái Quốc (TPHải Dương) cho biết công nhân đến ở trọ rất thất thường. Hầu như tháng nào khu phòng trọ của nhà bà cũng có người chuyển đi, người chuyển đến. Nếu cứ mỗi lần như vậy bà lại phải đi báo thay đổi nhân khẩu thì rất mất thời gian, phiền hà…

Một lý do nữa là hiện nay nhiều người thuê trọ vẫn chưa nắm bắt được quy định ưu đãi về giá bán điện. Vợ chồng chị Hường, anh Hùng kể trên đều chưa biết đến quy định này. Một số người khác do có chỗ trọ thuận tiện nên chấp nhận trả giá điện cao vì không muốn chuyển chỗ trọ.

Nhằm bảo đảm cho người thuê trọ được hưởng giá điện theo đúng quy định, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 9.11, Sở Công thương đã có văn bản đề nghị các đơn vị bán lẻ trên địa bàn tỉnh và các đơn vị liên quan chung tay phối hợp thực hiện. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trên địa bàn. Xử phạt nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp chủ nhà cho thuê thu tiền điện sinh hoạt sai quy định. Đề nghị các ngành chức năng cần quyết liệt vào cuộc, để không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người lao động đi ở trọ mà còn bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật hiện hành.

THANH NGA

Khoản 6, điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đưa ra mức phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.

(0) Bình luận
Ưu đãi giá điện cho công nhân ở trọ: Quy định đã có, vẫn khó thực hiện