Tỷ giá USD tăng: Kẻ vui, người buồn

20/07/2018 06:11

Giá USD tăng mạnh so với VND thời gian qua đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu.

Các ngân hàng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho người dân và doanh nghiệp

Tỷ giá tăng mạnh

Đầu giờ sáng ngày 18.7, tỷ giá USD/VND được Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Hải Dương niêm yết mua vào 23.015VND/USD, bán ra 23.085VND/USD, tăng cả hai chiều mua vào và bán ra so với những ngày đầu tháng 7  hơn 90 đồng/USD.

Mặc dù không được niêm yết công khai nhưng tại thị trường tự do ngày 16.7, tỷ giá USD bán ra đã vượt ngưỡng 23.200 VND/USD, mua vào ở mức 23.100 VND/USD, tăng từ 100-120 đồng/USD so với tuần trước.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương, tỷ giá đồng USD so với VND tăng mạnh trong thời gian qua là do tác động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lên mức 1,75%/năm, tăng 0,25% so với hồi đầu năm. Thông tin FED dự báo sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm ít nhất 3 lần nữa từ nay đến cuối năm đã làm cho đồng USD tăng giá nhanh, tạo áp lực đẩy tỷ giá VND tăng cao.

Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh, số lượng các doanh nghiệp trở về Mỹ đầu tư kinh doanh cũng tăng theo. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hải Dương, khi nền kinh tế Mỹ mạnh lên cũng đồng nghĩa với việc đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác.

Theo dự báo các chuyên gia tài chính, từ nay đến cuối năm, đồng bạc xanh tiếp tục có xu hướng tăng và mạnh hơn các đồng tiền khác. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không tác động nhiều đến giá trị của đồng tiền này.

Tỷ giá USD tăng giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa như Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Tuyên (Bình Giang) tăng lợi nhuận

Đủ cung cấp ngoại tệ cho doanh nghiệp

Đối với những doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ giá tăng không có lợi. Theo ông Lê Xuân Hiển - chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu các sản phẩm máy và thiết bị nâng hạ của Mỹ và Italia ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), đồng USD tăng giá mạnh đã làm cho chi phí nhập máy của doanh nghiệp tăng so với trước đây.

Nếu như trước đây, doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra 1 tỷ đồng là có thể nhập được 2 chiếc máy nâng hạ tự động của Mỹ thì nay phải mất đến 1,3 tỷ đồng do tỷ giá tăng. "Doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán máy cho khách trong nước từ cuối năm trước nên đến thời điểm này không thể yêu cầu khách hàng phải trả thêm tiền mà tự doanh nghiệp phải giảm lợi nhuận, thậm chí phải bỏ tiền túi ra để bù chênh lệch do tỷ giá tăng. Về lâu dài, chúng tôi phải đàm phán lại với doanh nghiệp đối tác để giảm giá nhập, làm sao để giá bán máy tại Việt Nam không tăng nhiều", ông Hiển nói.

Tỷ giá tăng cũng tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp phải nhập nguyên, phụ liệu sản xuất từ nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện Công ty TNHH Vietwood ở Bình Giang cho biết mặc dù doanh nghiệp nhập nguyên liệu sản xuất từ Đức nhưng cũng bị tác động không nhỏ bởi đồng USD tăng giá. Bán hàng trong nước thu tiền VND nhưng thanh toán bằng đồng USD nên buộc phải đổi tiền đồng sang USD để trả cho họ. Biến động tỷ giá sẽ làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng, hàng hóa bán ra tại thị trường trong nước buộc phải tăng giá, sức cạnh tranh của sản phẩm giảm sút.    

Trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu "méo mặt" thì các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước hoặc tỷ lệ sử dụng nguyên, nhiên liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất chiếm tỷ lệ nhỏ lại phấn khởi. Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) cho biết đây là tin vui đối với các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu bởi nguồn tiền thu được từ việc xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng lên. Hiện nay, doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng nông sản, nhất là su lơ xanh sang thị trường Mỹ. Nếu đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá thì lợi nhuận doanh nghiệp thu được sẽ nhiều hơn.

Đồng USD tăng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời phải nghiên cứu lại phương án sản xuất, ưu tiên sử dụng nguồn nguyên phụ liệu có nguồn gốc trong nước, qua đó thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển. Ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu bị ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành sản phẩm. Khi chi phí sản xuất tăng thì hàng hóa sớm muộn cũng tăng, sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Theo đại diện một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, hiện nay các ngân hàng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho doanh nghiệp. Mặc dù tỷ giá tăng nhưng chưa xuất hiện tình trạng găm giữ đồng USD. Nhu cầu USD trên thị trường vẫn ổn định và thanh khoản trên hệ thống tốt. Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước đang ở mức cao sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng chống đỡ trước các cú sốc từ bên ngoài.

LAN ANH

(0) Bình luận
Tỷ giá USD tăng: Kẻ vui, người buồn