Quảng cáo sai sự thật, người dùng chịu thiệt

26/12/2018 07:33

Quảng cáo sai sự thật, phóng đại công dụng của sản phẩm xuất hiện ngày càng nhiều nhưng người tiêu dùng lại không tố cáo đòi quyền lợi.


 Người mua hàng hóa nên phản ánh về hành vi quảng cáo sai sự thật để bảo vệ mình và người khác (ảnh có tính minh họa)

Để thu hút người mua, không ít doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã cố tình phóng đại công dụng, giá trị của sản phẩm khiến người tiêu dùng bức xúc, thậm chí mất tiền oan vì tin vào những lời quảng cáo “có cánh”.

Thổi phồng công dụng

Tháng trước, chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Quang Bị, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) nhận được tờ rơi quảng cáo của một công ty dược giới thiệu về sản phẩm thực phẩm chức năng được coi là “thần dược” có tên là L. của Nhật Bản. Theo như quảng cáo, dược phẩm này có khả năng chữa và phòng chống được nhiều bệnh, trong đó có cả bệnh ung thư. “Nhận được tờ quảng cáo tôi thấy hay hay vì dược phẩm này có nhiều công dụng. Trình dược viên của hãng còn đến tận xóm tôi giới thiệu nên nhiều người tin tưởng. Một số người bị bệnh nặng sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng để mua. Tôi cũng mua hai hộp mất khoảng 1,6 triệu đồng”, chị Hạnh nói.

Tuy nhiên, sản phẩm chị Hạnh đã mua không có công dụng thần thánh như quảng cáo. Thành phần ghi trên vỏ là thức ăn bổ sung dinh dưỡng chiết xuất từ mầm lúa và một thành phần khác có tên EGCG. EGCG thực chất là viết tắt của từ epigallocatechin gallate, một chất được chiết xuất từ trà xanh. Vì chỉ viết tắt như vậy nên nhiều người dùng như chị Hạnh đã tin đây là một thần dược có khả năng chống lại bệnh ung thư. Đây có thể là hình thức quảng cáo mập mờ, không minh bạch nhằm kiếm lời.

Theo thông tin thu thập được từ một số cửa hàng chuyên bán thuốc và thực phẩm chức năng trên phố Lý Thường Kiệt (TP Hải Dương), những loại thực phẩm chức năng dạng như trên chỉ có giá khoảng 10.000 đồng/gói (tương đương khoảng 100.000 đồng/hộp 10 gói) nhưng thực tế người dân ở xóm chị Hạnh đã phải bỏ ra gấp gần 10 lần số tiền để mua một loại thực phẩm có thành phần tương tự.

Cách đây không lâu, chị Triệu Thị Loan ở khu 6, phường Tân Bình (TP Hải Dương) đã phải đăng lên mạng xã hội cảnh báo cho nhiều người biết về một cửa hàng chuyên bán đồ không đúng với quảng cáo. Chị Loan cho biết lúc nhìn hình ảnh họ giới thiệu thì thấy chiếc áo đẹp. Chị gọi điện hỏi lại thì họ bảo chất đẹp nhưng vài ngày sau nhận hàng thì chiếc áo đó nhàu nhĩ không khác giẻ lau.

Quảng cáo là kênh giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận những sản phẩm mới phù hợp nhu cầu và thị hiếu, đồng thời có nhiều lựa chọn khác nhau trong mua sắm. Song quảng cáo sai sự thật, phóng đại quá mức gây nhầm tưởng cho người dùng là vi phạm pháp luật. 


Người dùng có thể khiếu kiện lên Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh nếu thấy doanh nghiệp, cửa hàng quảng cáo sai sự thật (Ảnh minh họa)

Chọn cách im lặng

Mặc dù mua phải sản phẩm không tốt giống như quảng cáo nhưng tâm lý chung của người dùng hiện nay vẫn chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Anh Nguyễn Văn Tú ở phố Quang Trung (TP Hải Dương) cho biết: “Tôi đến một cửa hàng chuyên bán đồng hồ xách tay của Nhật Bản ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) để mua tặng vợ chiếc đồng hồ thông minh nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày cưới. Xem quảng cáo trên truyền hình, tôi thấy chiếc đồng hồ được thiết kế khá đẹp, nhiều tính năng, giá phải chăng. Nhưng đến xem trực tiếp thì chiếc đồng hồ không giống với những gì đã giới thiệu. Thậm chí chủ cửa hàng còn bảo quảng cáo như vậy để hút khách. Tôi rất bực mình vì họ quảng cáo sai sự thật”. Khi hỏi tại sao lại không khiếu kiện lên cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về việc quảng cáo sai sự thật của cửa hàng thì anh Tú cho biết: “Kiện làm gì cho mất công, cũng chả được gì thậm chí còn rước họa vào thân”.

Theo đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hải Dương, người dùng có thể khiếu nại để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi. Nhưng thực tế những kiến nghị liên quan đến quảng cáo sai sự thật hiện rất ít, đa số người dùng chấp nhận im lặng. Cơ quan quản lý thị trường cũng rất ít xử phạt được những vi phạm liên quan đến quảng cáo sai sự thật như vậy.

Hiện nay, quảng cáo sai sự thật, phóng đại công dụng của sản phẩm xuất hiện nhiều, nhất là trên mạng xã hội. Trước thực trạng trên, người mua cần mạnh dạn phản ánh để cơ quan chức năng có thể phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, góp phần làm lành mạnh thị trường.

HẢI MINH

Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo có nêu: phạt từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo; quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ…

(0) Bình luận
Quảng cáo sai sự thật, người dùng chịu thiệt