Phía sau thành công của nhà nông

16/12/2018 11:24

Nguồn vốn của Agribank tỉnh Hải Dương đã tiếp sức cho nhiều nông dân trong tỉnh đầu tư phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả...

Cán bộ tín dụng của Agribank Thanh Hà kiểm tra mục đích sử dụng vốn của gia đình chị Thắm ở xã Liên Mạc (Thanh Hà)

"Bà đỡ"

Men theo những cung đường bê tông mới mở, len lỏi giữa những vườn ổi xanh bạt ngàn, chúng tôi đến khu trồng rau an toàn VietGAP của gia đình chị Nguyễn Thị Thắm ở xã Liên Mạc (Thanh Hà). Chị Thắm cười tươi bảo: "Tôi vừa bán lứa ổi trái vụ giá khá cao. Năm nay, ổi ngon, ngọt, lại được giá nên nông dân Liên Mạc phấn khởi lắm".

Đưa cán bộ của Agribank Thanh Hà ra thăm khu vườn vừa mới được đầu tư làm nhà màng, nhà lưới, chị Thắm thông báo: “Hơn 400 triệu đồng vay của ngân hàng vừa rồi tôi đầu tư cả vào khu đất này. Toàn bộ vùng cấy lúa không mấy hiệu quả trước đây sẽ được thay bằng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Rau canh tác trong nhà lưới bảo đảm tươi, sạch, đủ điều kiện để bán vào hệ thống cửa hàng tiện ích Vinmart+. Trước đây, nếu không mạnh dạn vay vốn ngân hàng thì có lẽ tôi không thể có được cơ ngơi như bây giờ".

Năm 2014, chị Thắm vay gần 100 triệu đồng để đầu tư trang trại nuôi cá và trồng ổi. Toàn bộ số tiền vay của Agribank, chị Thắm đầu tư hết vào ruộng, vườn. Mô hình trồng ổi và nuôi cá của gia đình chị Thắm từ đó đến nay đều cho thu nhập tốt. Hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình chị Thắm thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ trồng ổi và nuôi cá. Chị Thắm cho biết: “Vốn của Agribank tỉnh Hải Dương đã trở thành bà đỡ giúp nhà nông chúng tôi mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Nếu không có vốn thì dù có ý tưởng hay đến mấy nhà nông cũng khó có thể biến nó thành hiện thực".

Sau bao năm bôn ba làm ăn ở Đài Loan, anh Hà Văn Hiền ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) trở về quê nhà mong muốn tìm cơ hội làm giàu. Toàn bộ vốn liếng anh Hiền dành dụm được trong thời gian đi lao động ở nước ngoài quá ít, không đủ để anh lập một trang trại nuôi gà đẻ quy mô lớn hiện đại như anh mong muốn. Đầu năm 2017, anh Hiền dốc toàn bộ số vốn sẵn có cộng với hơn 1 tỷ đồng được Agribank Ninh Giang cho vay để đầu tư mở trang trại. Số vốn được vay không nhỏ nên ban đầu anh Hiền khá lo lắng nhưng đến giờ thì rất yên tâm vì riêng ấp nở trứng gà cũng mang lại cho gia đình anh thu nhập từ 120-140 triệu đồng/tháng. Có đợt trứng gà lên giá, số tiền thu được từ ấp nở trứng tăng gấp 3 lần. Nếu làm ăn suôn sẻ chẳng mấy mà anh Hiền trả hết nợ.

Đồng hành

Thời gian qua, Agribank tỉnh Hải Dương luôn đồng hành cùng với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của nhiều địa phương trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Agribank Ninh Giang cho biết: “Ninh Giang là vùng đất thuần nông nên nguồn vốn để phát triển nông nghiệp rất cần thiết. Đến hết tháng 11 năm nay, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn trên địa bàn huyện đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cuối năm 2017. Nhờ nguồn vốn này, nhiều trang trại chăn nuôi hiện đại ở Ninh Giang đã hình thành. Những cánh đồng trồng cam, bưởi, ổi, cây rau màu quy mô lớn đã và đang phủ xanh những vùng đất màu mỡ nơi đây". Theo ông Bắc, thời gian tới Agribank Ninh Giang tiếp tục cam kết đồng hành cùng với nông dân các xã trong huyện, giúp nhà nông khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của đồng đất quê hương để làm giàu. 

Dự định làm giàu của nhiều nông dân như anh Hiền, chị Thắm đã thành hiện thực nhờ một phần tiếp sức của đồng vốn Agribank. Từ thành công ban đầu, hiện nay họ đều mong muốn được tiếp tục vay vốn để đầu tư, phát triển sản xuất. Anh Hiền cho biết trong năm nay sau khi trả một phần nợ gốc sẽ tiếp tục vay thêm khoảng 800 triệu đồng từ Agribank Ninh Giang để mở rộng thêm 1.000 m2 trang trại. 

Thời gian qua, để hỗ trợ nhà nông đầu tư phát triển sản xuất, Agribank tỉnh Hải Dương đã đẩy mạnh các chương trình cho vay. Tiêu biểu như chương trình hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; phát triển chăn nuôi tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, bảo đảm vệ sinh môi trường; hỗ trợ vay vốn nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp... 

Để nhà nông tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, Agribank tỉnh Hải Dương đã thông qua các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tạo điều kiện tín chấp cho nông dân vay vốn; tư vấn, hỗ trợ người dân sử dụng vốn hiệu quả và giám sát sử dụng vốn đúng mục đích. Năm qua, Agribank tỉnh Hải Dương cũng đã triển khai mô hình ngân hàng lưu động, góp phần giúp bà con ở các vùng xa của tỉnh giao dịch thuận lợi, dễ dàng; đồng lãi được trả đúng hạn và an toàn. Bên cạnh đó, nguồn tín dụng của Agribank tỉnh Hải Dương đã giúp nhiều địa phương chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

HẢI MINH

Đến hết tháng 11, dư nợ cho vay của Agribank chi nhánh tỉnh Hải Dương đã đạt hơn 12.200 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 10,46% so với cuối năm 2017. Nợ xấu chỉ chiếm 0,37% tổng dư nợ, giảm 0,05% so với cuối năm 2017. Hiện nay, ngân hàng đang tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Huy động vốn của ngân hàng đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 15% so với cuối năm 2017.

(0) Bình luận
Phía sau thành công của nhà nông