Một triệu đồng cho dịch vụ đưa khách say và xế hộp về nhà

06/01/2020 13:57

Với 1 khoản tiền theo thỏa thuận, khách say và phương tiện (ô tô) sẽ được đưa về nhà an toàn.

Từ 1.1, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Luật nghiêm cấm việc ‘Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn’. Trước thực tế này, dịch vụ đưa người say về nhà bắt đầu phát triển ở nhiều khu vực với mức chi phí khác nhau.

Anh Giang Minh Đức (Hà Nội), admin của trang Say tìm xế - Xế đỡ say cho biết về quy trình hoạt động của dịch vụ: "Khách hàng cần thuê lái xe đưa đón lúc đi liên hoan, mang xe về nhà sau khi đi nhậu… phải có thông tin, thời gian và địa điểm cụ thể.

Sau đó, khách sẽ chọn tài xế theo danh sách, địa bàn và liên hệ với chúng tôi để xác nhận thông tin chuyến đi. Từ đó, chúng tôi sẽ sắp xếp lịch trình cho tài xế".

Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực khiến dịch vụ chở người say về nhà phát triển

Anh Đức đang có khoảng 10 tài xế thực hiện dịch vụ này. Các tài xế đều là người quen nên anh hoàn toàn tin tưởng. "Phải có đội xế quy củ, minh bạch thì mới phát triển được", anh nói.

"Yêu cầu đối với tài xế là phải có ảnh, sơ yếu lý lịch, giấy tờ tùy thân và bằng lái. Tài xế nam sẽ phục vụ khách nam, tài xế nữ sẽ phục vụ khách nữ. Chúng tôi ưu tiên các tài xế có kinh nghiệm lâu năm và thành thạo dịch vụ", anh cho biết thêm.

Về mức giá, anh Đức tiết lộ: "Chi phí ban đầu đang là tự thỏa thuận giữa khách và tài xế được thuê tùy theo vị trí địa lý. Sau này, chúng tôi sẽ xây dựng mức giá cụ thể".

Anh cũng cho biết thêm chi phí này sẽ cao hơn nhiều so với giá xe ôm, taxi thông thường bởi khung giờ thường rơi vào ban đêm và chở người say sẽ vất vả hơn.

Mới thành lập dịch vụ nhưng nhóm tài xế của anh Đức đã thực hiện được một số chuyến. "Chủ yếu các chuyến này là khách ở tỉnh xa. Họ xuống Hà Nội liên hoan sau đó quá say nên yêu cầu chúng tôi hỗ trợ để về tỉnh. Hiện dịch vụ mới triển khai nên khách và tài xế đều là người tôi quen và các chuyến đi đều an toàn, thuận lợi".

Anh cũng tiết lộ nhóm của anh vừa thực hiện chở khách chuyến Hà Nội - Lạng Sơn với mức giá 1 triệu đồng.

Admin của trang cũng thừa nhận hiện khách hàng chưa quen với loại hình dịch vụ này nên việc triển khai gặp khá nhiều khó khăn. 

Một tài xế vi phạm nồng độ cồn

"Dịch vụ đưa người say về nhà ở Hàn Quốc đã triển khai rất chuyên nghiệp. Nếu triển khai ở Việt Nam, chúng ta cần thêm thời gian bởi người Việt có thói quen sau khi say thường nhờ người thân, bạn bè đưa về. Sắp tới, tôi đang có dự định phát triển thành app để dịch vụ chuyên nghiệp hơn", anh nói thêm.

Tương tự, anh Phạm Văn Hải (sinh năm 1985, Bắc Ninh) cũng triển khai dịch vụ đưa người say về nhà tại TP Bắc Ninh.

Anh Hải đã từng có thời gian sống và làm việc tại Trung Quốc và thấy dịch vụ này khá phát triển. Khi về nước, anh mong muốn triển khai từ cách đây khá lâu nhưng chưa có cơ hội. Sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, anh quyết tâm triển khai dịch vụ.

"Bảng giá đối với việc đưa khách và xe máy về nhà sẽ là 200.000 trong nội thành TP Bắc Ninh. Nếu ở ngoại thành, chúng tôi phụ thu 20.000 đồng/km.

Yêu cầu đối với việc tuyển xế của dịch vụ đưa người say về nhà

Với khách và xe ô tô trong khu vực nội thành TP Bắc Ninh, chúng tôi áp dụng mức giá 350.000 đồng. Nếu khách ở ngoài thành phố, chúng tôi phụ thu thêm 20.000", anh Hải cho biết.

Tài xế này cũng khẳng định việc tuyển tài xế cho dịch vụ này rất khắt khe. Để bảo đảm an toàn cho khách, tài xế muốn làm dịch vụ phải cung cấp bằng lái xe, hồ sơ và đặc biệt ưu tiên các tài xế có sức khỏe, kinh nghiệm để làm việc khung giờ đêm và hỗ trợ người say về nhà.

Theo anh, khó khăn nhất khi triển khai dịch vụ này ở Việt Nam là hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, chưa phát triển các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm.

"Sau khi đưa khách về nhà, tài xế buộc phải có phương tiện để quay về nhà mình. Hiện chúng tôi đang triển khai đưa khách về nhà theo nhóm. Tức là sẽ có 2 người đi cùng 1 chuyến để sau khi hoàn thành dịch vụ, tài xế có người đưa quay trở về nhà.

Sắp tới, tôi dự định sẽ mua xe đạp điện (loại gấp nhỏ gọn) có thể cho vào cốp xe ô tô. Như vậy khi đến đón khách, tài xế cho xe của mình vào xe ô tô của khách. Sau khi trả khách, có thể dùng phương tiện của mình để về nhà", anh nói thêm.

Các tài xế cũng nhận định, đang dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu khách hàng cao nên họ sẽ tuyển thêm tài xế để phát triển dịch vụ của mình hơn.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Một triệu đồng cho dịch vụ đưa khách say và xế hộp về nhà