Một ngày theo chân đội tiêu hủy lợn ở Thanh Miện

02/06/2019 07:29

Công việc vất vả, chưa nhận được trợ cấp, thậm chí phải bỏ tiền túi để mua thêm phương tiện chống dịch... nhưng họ vẫn nỗ lực để hạn chế dịch lây lan.

Tiêu hủy lợn ở xã Chi Lăng Bắc

Phơi mình dưới nắng

Suốt mấy tháng qua, đội tiêu hủy lợn gồm 3 người luôn thường trực tại trụ sở Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Miện. Phương tiện gồm máy xúc, xe kéo, vôi bột, bình phun hóa chất, bình phun sơn đánh dấu, những chiếc cân loại lớn... luôn trong tình trạng sẵn sàng.

Một ngày cuối tháng 5, dưới tiết trời nắng nóng gần 40 độ C, đội tiêu hủy nhận lệnh xuất phát đến một hộ dân tại thôn Tào Khê, xã Chi Lăng Bắc. Trên đường xuống điểm phát dịch các thành viên đội tiêu hủy cụm 4 huyện Thanh Miện cho biết mỗi ca làm việc thường không có thời gian cố định. Có việc là làm, hết việc mới nghỉ, bất kể thời gian. Khi nào tiêu hủy xong hết lợn dịch họ mới về nhà, không để kéo dài sang hôm sau. Trong đợt cao điểm, có ngày đội phải tiêu hủy 4 tấn lợn với số lượng lên đến cả trăm con. Riêng khâu kiểm đếm và cân đã mất một buổi.

Khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại nhà anh Vũ Văn Khuyên, hộ dân có lợn nhiễm dịch. Cái nắng tháng 5 như đổ lửa khiến mặt sân bê tông chẳng khác nào chiếc chảo rang khổng lồ. Vậy mà nhiều thành viên trong đội tiêu hủy vẫn phải khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ, tay đeo găng, chân đi ủng để bắt tay vào công việc. Từng con lợn đều được kiểm tra, đánh dấu một cách tỉ mỉ trước khi cho vào bao để cân kiểm đếm. Trời nắng nóng hầm hập, nước từ lợn dịch chảy ra cộng với mùi hôi thối từ những con lợn đã chết xuyên qua lớp khẩu trang, xộc thẳng vào mũi làm những người có mặt không khỏi rùng mình. “Những ngày đầu, có người về nhà nhìn thấy cơm không dám ăn, thấy thịt không dám gắp vì cảnh lợn chết la liệt luôn hiện ra trước mắt. Cơn buồn nôn đẩy lên tận cổ. Giờ đi dập dịch nhiều, chúng tôi đã miễn nhiễm rồi”, ông Vũ Văn Phó, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân xã, thành viên đội tiêu hủy kể.

Tiếng lợn ré lên từng hồi khiến cái nắng nóng, ngột ngạt càng thêm gay gắt. Mọi người đã bắt đầu thấm mệt nhưng vẫn kiểm tra kỹ càng, phun thuốc khử trùng từng khu chuồng trại, đánh dấu rồi cho lợn lên xe tiêu hủy. Cả đoàn rời nhà anh Khuyên tiến thẳng ra bãi rác của thôn - địa điểm được chọn làm nơi tiêu hủy lợn dịch. Trên đoạn đường khoảng 2 km, cứ chốc chốc một thành viên lại đi tụt về phía sau chiếc xe chở lợn để kiểm tra, tránh nước từ lợn chết chảy xuống đường tạo ra nguồn lây bệnh. Tại điểm tập kết, một hố chôn sâu 4 m đang chờ sẵn. Vừa kiểm soát công việc, anh Vũ Khắc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện vừa kể: “Số lợn phải tiêu hủy của hộ dân vừa rồi không nhiều, đường vào nhà thuận lợi nên anh em cũng đỡ vất vả. Nhớ có lần đội chúng tôi đi dập dịch tại một hộ dân ở xóm 8, thôn Phú Khê, khu chuồng trại nằm sâu dưới chân đê, có nhiều con lợn nái nhiễm bệnh nặng tới hơn 2 tạ. Anh em phải khiêng tay từng con, loay hoay xoay xở mãi mới đưa được lợn cho vào xe đưa đi chôn lấp. Xong việc hôm đó, ai nấy đều mệt bã người”. Anh Diệp còn kể anh Nghiệp - thành viên trong đội tiêu hủy mỗi lần đi chôn lợn về đều bị gia đình "cấm cửa", không cho đến gần khu nuôi lợn của gia đình để hạn chế nguồn lây nhiễm bệnh.

Quá 12 giờ, nắng nóng và oi bức giữa trưa khiến ai nấy mặt mày sây sẩm. Mỗi người một việc, người phủ bạt lên hố chôn, người kiểm tra lại số lượng lợn lần cuối. Mặc bộ đồ bảo hộ kín mít và khoác trên vai bình phun thuốc vài chục cân nên ông Vũ Văn Thanh luôn ướt đẫm mồ hôi. Ông kể: “Sau khi phun khử trùng tại chuồng trại tôi phải nhanh chóng di chuyển ra bãi chôn lấp phun khử trùng, tránh để phát sinh ô nhiễm. Năm nay đã ngoài 60 tuổi nên nhiều lúc bà nhà tôi khuyên nghỉ làm, nhưng tôi đều gạt đi. Mình còn làm được việc thì vẫn phải tiếp tục. Việc tiêu hủy lợn khá vất vả nên nếu nghỉ thì ít người dám làm”.

Theo kế hoạch, sau khi xong việc tại thôn Tào Khê, đoàn sẽ di chuyển đến một hộ dân tại thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam để tiếp tục tiêu hủy. Với mục tiêu không để việc dập dịch kéo dài sang hôm sau nên đội tiêu hủy đã chuẩn bị sẵn mỗi người một hộp cơm hoặc bánh mỳ. Các thành viên thay phiên nhau tìm nơi râm mát, cách xa hố chôn tranh thủ ăn lót dạ.

Quá tải

Trong đợt cao điểm, có ngày đội phải tiêu hủy tới 4 tấn lợn

Đến ngày 27.5, toàn bộ 19 xã của huyện Thanh Miện đều có lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Toàn huyện đã tiêu hủy 17.514 con lợn với trọng lượng 945.201 kg. Huyện có 4 cụm, mỗi cụm có 1 đội tiêu hủy.

Trong đợt cao điểm dập dịch, khối lượng công việc nhiều nên huyện phải tăng cường thêm 5 đội tiêu hủy mới có thể bảo đảm khối lượng công việc được giao. Nhiều nữ cán bộ đang công tác tại các phòng, ban của huyện cũng phải tham gia các đội tiêu hủy.

Việc tiêu hủy lợn dịch trong những ngày cao điểm hết sức khó khăn và vất vả. Rất nhiều cán bộ gần như kiệt sức ngay trong lúc dập dịch, đặc biệt là cán bộ nữ. “Nhiều thời điểm trong đội có cán bộ nữ đi tăng cường, anh em chúng tôi phải tìm cách bố trí cho phù hợp, tránh để họ phải làm việc lâu dưới trời nắng nóng.

Ngay cả cánh đàn ông chúng tôi nhiều lúc trên đường đưa lợn ra hố chôn cũng buộc phải dừng xe nghỉ tạm vì say nắng. Theo quy định, gia đình nào có khu chuồng trại tách biệt, nằm cách xa nhau thì chỉ tiêu hủy toàn bộ số lợn trong khu chuồng có dịch. Số lợn trong khu vực chuồng tách biệt còn lại được phép giữ nên nhiều lúc cùng một nhà mà chúng tôi phải quay lại nhiều lần vì tái dịch nên càng vất vả”, anh Diệp chia sẻ.

Mỗi thành viên trong đội tiêu hủy lợn đều là cán bộ đang công tác tại nhiều phòng, ban của huyện. Ngoài công việc chuyên môn phải giải quyết, mỗi khi có thông tin về lợn nhiễm dịch là cả đội phải ngay lập tức tập trung lên đường dập dịch. Để việc dập dịch nhanh, triệt để, thường xuyên làm ngoài giờ trong khi vẫn phải bảo đảm công việc chuyên môn khiến nhiều thành viên quá tải. Trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ đội tiêu hủy chưa được giải quyết để khích lệ các thành viên.

Do việc thống kê, đối chiếu hồ sơ giữa Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp với Phòng Tài chính và UBND xã mất nhiều thời gian nên chưa đội tiêu hủy nào nhận được kinh phí hỗ trợ. Được biết anh em đội tiêu hủy nhiều khi phải bỏ tiền túi ra mua dụng cụ như găng tay, bình xịt... Công việc vất vả, lại thường xuyên tiếp xúc với lợn chết nên chuyện bị gia đình khuyên ngăn, phản đối là thường tình.

Không chỉ căng mình dập dịch, các đội tiêu hủy còn phải bám sát địa bàn, theo dõi các hố chôn để tránh xảy ra vi phạm. Mỗi hố chôn đều được đánh dấu trên bản đồ địa chính và lên lịch giám sát, quản lý nhằm xử lý kịp thời những sự cố liên quan đến ô nhiễm môi trường. Nhờ đó mà đến nay trên địa bàn huyện Thanh Miện chưa có hố chôn nào xảy ra tình trạng sụt lún, rò rỉ nước dịch.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tình hình bệnh dịch. Nhờ quan tâm phòng chống dịch nên các đội tiêu hủy lợn đã liên tiếp phát hiện 2 trường hợp vận chuyển và giết mổ lợn bị nhiễm dịch. Đêm 6.4, lực lượng chức năng huyện Thanh Miện bắt quả tang anh Ngô Văn Nhuận (sinh năm 1979) ở thôn Thủ Pháp, xã Đoàn Kết đang giết mổ lợn trong vùng có dịch với tổng trọng lượng 325 kg.

Đây là số lợn anh Nhuận nhặt ở ven đường thôn Thủ Pháp rồi đem về nhà giết mổ làm thức ăn cho đàn chó của gia đình. Ngày 24.4, trong khi đang làm nhiệm vụ dập dịch tại xã Thanh Giang, lực lượng chức năng huyện lại phát hiện ông Nguyễn Hữu Lừng (sinh năm 1964) ở tổ 10, thôn Phù Tải vận chuyển 4 con lợn nái bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi với trọng lượng gần 1 tấn từ nơi khác về báo địa phương xin tiêu hủy nhằm trục lợi tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Số lợn này được phát hiện do vẫn còn chữ cán bộ thú y huyện đánh dấu bằng sơn trước khi đem tiêu hủy. Để không còn xảy ra tình trạng lấy lợn từ hố chôn mang đi tiêu thụ nên bất kể thời tiết nắng hay mưa, cơ quan chức năng của huyện đều cử người đến giám sát và đợi đến khi lấp hố xong mới di chuyển đến điểm dập dịch khác.

Một ngày làm việc mệt nhoài của đội dập dịch cụm 4 kết thúc. Các thành viên trong đội tiêu hủy nhanh chóng gỡ khẩu trang, găng tay rồi ngồi bệt xuống gốc cây cho lại sức. Với tất cả thành viên trong đội, tiêu hủy lợn là việc không muốn nhưng vẫn phải làm. Chỉ mong cơn bão dịch này sớm đi qua để đội tiêu hủy không bao giờ phải xuất hiện thêm lần nữa, có như thế người dân mới sớm ổn định chăn nuôi.

ĐỖ QUYẾT - HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Một ngày theo chân đội tiêu hủy lợn ở Thanh Miện