Mất an toàn cá lồng mùa lũ

07/08/2018 06:03

Việc phát triển tự phát, thiếu định hướng và không theo quy định khiến việc nuôi cá lồng trên sông trở thành mối lo ngại lớn trong mùa mưa lũ.

Dù đã dựng 14 trụ neo đậu để bảo vệ 38 lồng cá trên sông Thái Bình song anh Nguyễn Văn Thường ở xã Nam Đồng (TP Hải Dương) vẫn chưa yên tâm mỗi khi mưa lớn, nước sông lên cao

Nhiều nguy cơ

40 lồng cá trên sông Kinh Thầy trôi theo dòng nước lũ vào tháng 8.2015 là bài học đau xót với ông Nguyễn Trung Tựu ở xã Nam Tân (Nam Sách). Bị thiệt hại tiền tỷ nên từ năm 2016, ông Tựu chú trọng thực hiện các biện pháp bảo vệ lồng cá, nhất là khi mùa mưa bão đến. Ông đã đầu tư gần 500 triệu đồng để lắp đặt hệ thống neo cố định và dự phòng. Ông còn sử dụng dây chão to buộc giữ các góc lồng với bờ. Khoảng cách giữa các lồng cũng được ông Tựu tính toán kỹ để tạo lối đi vừa thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch cá, vừa dễ dàng xử lý khi có sự cố xảy ra. Thế nhưng ông vẫn thấp thỏm không yên vì sức tàn phá của mưa lũ là không thể lường trước. "Cả gia tài bị nhấn chìm chỉ sau một đêm mưa bão nên tôi không thể chủ quan. Tuy vậy, tôi cũng chỉ biết làm hết khả năng, kết quả ra sao còn phụ thuộc vào diễn biến thời tiết", ông Tựu cho biết.

Dù đã dựng 14 trụ neo đậu để cố định các lồng cá cả trên bờ, dưới lòng sông để bảo vệ 38 lồng cá trên sông Thái Bình song anh Nguyễn Văn Thường ở xã Nam Đồng (TP Hải Dương) vẫn chưa yên tâm mỗi khi mưa lớn, nước sông lên cao. Theo anh Thường, thời điểm lũ về, những người nuôi cá lồng ngoài lo lắng nước sông nhiều phù sa, cá thiếu ô xy dễ bị chết, còn bất an bởi dòng lũ chảy xiết, ảnh hưởng tới các lồng cá. "Tuy đã chằng chống cẩn thận để tăng khả năng chống chịu với bão, lũ nhưng sức nước quá mạnh, nhiều hôm các lồng cá vẫn bị xê dịch từ 10-15 m. Chỉ cần lơ là một chút là toàn bộ công sức có thể trôi sông", anh Thường cho hay.

Rà soát tổng thể để bảo vệ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 3.576 lồng cá với tổng thể tích 389.408 m3 trên các tuyến sông thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố. Nuôi cá lồng trên sông có nhiều ưu điểm và mang lại hiệu quả cao hơn so với cá thả ao nên người dân vẫn đang tiếp tục mở rộng quy mô nuôi. Tuy nhiên, nuôi cá lồng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho không chỉ các hộ nuôi mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống sông khi mùa mưa bão đến.
Ông Đỗ Tiến Bậc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh khẳng định đến nay, toàn bộ các cơ sở nuôi cá lồng trong tỉnh chưa được thẩm định các điều kiện liên quan tới thoát lũ. Do đó, trong mùa mưa bão, tất cả các hộ nuôi cá lồng trên sông đều vi phạm điều 7 Luật Đê điều với hành vi cản trở dòng chảy và thoát lũ. Bên cạnh đó, các hộ nuôi tự ý xây dựng nhà tạm làm kho chứa thức ăn, dụng cụ ngoài bãi sông.

Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành quy hoạch phát triển nuôi cá lồng đến năm 2025. Nhưng vì quy hoạch theo sau nên khi đối chiếu những quy định về đê điều hiện hành có nhiều điểm chưa phù hợp. Nhiều lồng cá được đặt ở vị trí dòng chảy trực tiếp sẽ rất nguy hiểm nếu như nước chảy xiết, nhất là những điểm nuôi với mật độ lớn. Mặt khác, người dân thường lơ là trong việc bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật của lồng nuôi, làm sai kích thước lồng khiến dòng chảy bị cản trở, tăng mức độ rủi ro khi có mưa lũ, gió giật.

Trước thực trạng này, cơ quan chuyên môn cần rà soát tổng thể các cơ sở nuôi cá lồng trong tỉnh để tính toán thoát lũ theo thiết kế. Từ đó đưa ra phương án bảo vệ phù hợp, có như vậy mới có thể tránh được những nguy cơ do các cơ sở nuôi cá lồng gây ra trong mùa mưa bão.

PV 

(0) Bình luận
Mất an toàn cá lồng mùa lũ