Lược Vạc trong cuộc cạnh tranh mới

09/12/2019 10:00

Dù nghề làm lược ở làng Vạc không còn ở thời kỳ hoàng kim nhưng sản phẩm lược bí hiện vẫn có chỗ đứng trên thị trường và mang lại thu nhập cho người dân nơi đây.

Đa số các công đoạn sản xuất lược đều được làm thủ công

Khi mà nơi ăn chốn ở sạch sẽ hơn, không còn nhiều chấy như ngày trước, trên thị trường lại có các loại dầu gội trị được chấy, cộng thêm cuộc cạnh tranh với lược nhựa, nhưng lược tre làng Vạc vẫn giữ được chỗ đứng của mình dù quy mô sản xuất giảm.

Làng Hoạch Trạch (còn gọi là làng Vạc) ở xã Thái Học (Bình Giang) có nghề làm lược bí (lược tre dùng để chải chấy) đã hằng trăm năm nay. Dù nghề làm lược ở đây không còn ở thời kỳ hoàng kim nhưng sản phẩm lược bí hiện vẫn có chỗ đứng trên thị trường và mang lại thu nhập cho người dân nơi đây.

Chị Nhữ Thị Nhàn, Trưởng thôn Hoạch Trạch cho biết vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, hầu hết các hộ dân trong làng đều làm lược. Sản phẩm lược tre của làng Vạc được tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu sang Campuchia. Lược làm đến đâu, bán hết đến đó. Rất nhiều hộ trong làng giàu lên từ nghề làm lược. Những năm gần đây, số hộ làm lược trong làng giảm. Cả thôn có hơn 1.200 hộ thì chỉ còn khoảng 200-300 hộ làm nghề. Đa số những người làm nghề đều đã ngoài 40 tuổi, rất ít người trẻ theo nghề.

Gắn bó với nghề lược ngót 50 năm, ông Trần Văn Huy ở đội 5, thôn Hoạch Trạch kể từ khi còn là một cậu bé 6-7 tuổi, ông đã biết phụ bố mẹ bẻ răng lược. Một chiếc lược thành phẩm phải trải qua hơn 30 công đoạn. So với nhiều nghề khác, nghề làm lược không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì. Bây giờ, một số công đoạn như đánh bóng lược, mài răng… đã có máy móc hỗ trợ giúp tăng năng suất nhưng đa số các công đoạn vẫn phải làm thủ công. Trước đây, mỗi tháng, vợ chồng ông làm khoảng 2.000 cái, nay có máy móc hỗ trợ tăng lên 3.000 cái. Giá bán từ 5.000-6.000 đồng/cái, mỗi tháng, hai vợ chồng ông Huy lãi từ 7-10 triệu đồng. 

Theo ông Huy, trên thị trường xuất hiện nhiều loại lược nhựa với thiết kế và mẫu mã đa dạng nhưng đặc điểm chung là răng lược mềm, thưa và không thể chải chấy. Chỉ có loại lược bí với răng lược mảnh, cứng, xếp dày nhau thì mới có thể chải chấy được. Giờ không còn nhiều chấy như ngày xưa nhưng các bà, các cô vẫn ưa dùng loại lược này để chải sạch gầu khi gội đầu.

Trước đây, người làng Vạc làm ra 2 loại lược bí là lược kỹ và lược hàng. Lược kỹ là loại đẹp, lược hàng thì xấu hơn. Hiện những hộ trong làng còn giữ nghề đều sản xuất loại lược kỹ. Trung bình, mỗi nhà làm được từ 1.000-3.000 chiếc/tháng. Lược ở đây cũng không có giá chung, mỗi nhà bán một giá. Nhà làm lược đẹp nhất làng có thể bán lược từ 10.000-15.000 đồng/chiếc, bình quân từ 3.000-7.000 đồng/chiếc. Nghề làm lược mang lại cho người dân ở đây thu nhập từ 2-5 triệu đồng/người/tháng. Với nhiều người già, quá tuổi không đi làm trong doanh nghiệp thì mức thu nhập từ nghề làm lược như vậy cũng là phù hợp với họ. 

Ở làng Hoạch Trạch có những hộ làm lược thành phẩm, nhưng cũng có những hộ chỉ sản xuất từng bộ phận rồi liên kết với các hộ khác sản xuất ra chiếc lược hoàn thiện. Anh Nguyễn Văn Thiện ở đội 2, thôn Hoạch Trạch nhận gia công nẹp cho bà con trong thôn. Mỗi ngày anh làm khoảng 2.000 đôi nẹp, thu nhập 1 từ 7-8 triệu đồng/tháng. Trước đây, anh Thiện cũng làm lược thành phẩm nhưng 20 năm trở lại đây, anh chuyên làm nẹp lược. Việc chuyên môn hóa giúp anh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhiều hộ khác trong làng chuyên làm hom lược, có hộ chuyên đi thu mua nguyên liệu và có những người chuyên bán các sản phẩm của làng. Sự phân bố lao động ở đây rất tự nhiên và phối hợp chặt chẽ với nhau.

Hiện nay hầu hết người trẻ của làng Hoạch Trạch không theo nghề làm lược nhưng người dân nơi đây cũng không sợ nghề bị mai một, thất truyền. “Những người con làng Vạc lớn lên trong tiếng chặt, tiếng cưa, tiếng mài lược… thuộc lòng từng công đoạn làm ra chiếc lược. Vậy nên khi nào cần là họ vẫn có thể làm ra sản phẩm truyền thống này”, chị Nhàn nói.  

HN

(0) Bình luận
Lược Vạc trong cuộc cạnh tranh mới