Làng nghề bún Đông Cận ngày áp Tết

23/01/2020 07:16

Hải Dương có nhiều nơi làm bún nhưng nổi tiếng nhất là nghề làm bún ở thôn Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc).

Theo một số cụ cao tuổi trong làng, nghề làm bún có từ rất lâu đời. Những năm 80 của thế kỷ trước, cả xã Tân Tiến có trên 100 hộ làm nghề, nhưng nay chỉ còn khoảng 60 hộ, tập trung nhiều nhất ở thôn Đông Cận.

Những ngày cận Tết, không khí làm bún ở đây sôi động hơn ngày thường. Theo các hộ làm bún ở thôn Đông Cận, ngày thường, bình quân mỗi hộ làm từ 4 tạ - 1 tấn bún để bán; dịp Tết, sản lượng bún bán ra thị trường tăng thêm từ 1 - 5 tạ/ngày. Người làm bún lãi từ 1.000 - 2.000 đồng/kg bún, trừ hết chi phí bình quân mỗi hộ lãi khoảng 30-80 triệu đồng/tháng, có hộ lãi đến 100 triệu đồng/tháng.

Nghề làm bún ở Đông Cận ngày nay không làm theo phương pháp truyền thống mà chuyển sang làm hoàn toàn bằng máy, mỗi dây chuyền từ 200 - 300 triệu đồng

Gạo được xay nhuyễn sau đó chuyển sang một thùng phuy khác cho nước vào để bột lắng xuống. Sau đó chuyển bột lên máy vắt và quấy bột.

Bột gạo sau khi quấy nhuyễn sẽ tháo xuống bầu ép để ra sợi bún. Các hộ dân phải mất từ 4 - 5 ngày mới ra được 1 mẻ bún

1kg gạo, người dân làm ra 2,5 kg bún, giá từ 7.000-8.000 đồng/kg. Các hộ làm bún ở thôn Đông Cận không dùng hàn the, không chất tẩy trắng

Ngoài sản phẩm bún tươi, các hộ dân còn sản xuất bún khô, giá 44.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ bún ở Đông Cận tập trung ở Hải Dương, Hưng Yên, TP Hải Phòng…

Nhiều hộ làm bún nhiều phải thuê từ 10 - 15 nhân công. Lương bình quân mỗi người khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng

Nhiều hộ làm bún cho biết họ làm tất cả các ngày trong tháng, thậm chí ngày mùng 1 Tết

Làng nghề bún Đông Cận đã được công nhận là làng nghề từ năm 2004

THẾ ANH

(0) Bình luận
Làng nghề bún Đông Cận ngày áp Tết