Kiên quyết xử lý dự án chậm giải ngân

09/09/2020 07:01

UBND tỉnh đã cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công đối với nhiều dự án, công trình, kiên quyết xử lý các chủ đầu tư chậm giải ngân nguồn vốn…


Dự án xây dựng đường từ cầu Triều đến đường tỉnh 389 được bổ sung 28,7 tỷ đồng trong năm 2020

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), UBND tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp kiên quyết xử lý các chủ đầu tư dự án chậm giải ngân hoặc không có khả năng giải ngân vốn trong năm nay.

Điều chuyển, giảm vốn

Năm 2020, dự án lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư được cấp 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án này đang trong quá trình rà soát các quy hoạch và mới giải ngân chưa được 5% vốn giao năm 2020. Vì vậy, UBND tỉnh quyết định cắt giảm 20 tỷ đồng vốn đã phân bổ cho dự án trong năm nay. 

Dự án xây dựng khối nhà khám, hành chính, nghiệp vụ kỹ thuật và nội trú của Bệnh viện Phụ sản Hải Dương được quyết định chủ trương đầu tư tháng 8.2019. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Năm 2020, dự án được giao hơn 136 tỷ đồng vốn ĐTC từ nguồn ngân sách tỉnh, trong đó có 40 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2020, còn lại là vốn từ năm 2019 chuyển sang. Đến giữa tháng 8.2020, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC của dự án mới đạt dưới 5%. UBND tỉnh đã quyết định giảm 93 tỷ đồng từ nguồn vốn năm 2019 chuyển sang để điều chuyển cho dự án khác.

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều dự án, công trình bị cắt giảm, điều chuyển vốn ĐTC. Ngày 18.8 vừa qua, UBND tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch ĐTC giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2020 vốn ngân sách địa phương nguồn ngân sách tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh quyết định giảm hơn 366,7 tỷ đồng của 54 chương trình, dự án đã được phân bổ chi tiết kế hoạch ĐTC 5 năm, trong đó có 16 dự án, chương trình dư vốn; 38 chương trình, dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán và 17 chương trình, dự án không cân đối, bố trí được đủ vốn. UBND tỉnh cũng giảm hơn 124,7 tỷ đồng vốn ĐTC kế hoạch năm 2019 chuyển sang năm 2020 của 6 dự án không có khả năng giải ngân trong năm 2020. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến giữa tháng 8.2020, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC nguồn ngân sách tỉnh đạt 58%, nguồn ngân sách trung ương đạt hơn 35%. Còn 15 dự án sử dụng ngân sách địa phương đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2019 trở về trước chưa giải ngân hết vốn. Gần 40 dự án chuyển tiếp có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Nhiều dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA có tỷ lệ giải ngân thấp. 


Dự án xây dựng khối nhà khám, hành chính, nghiệp vụ kỹ thuật và nội trú của Bệnh viện Phụ sản Hải Dương bị cắt giảm 93 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020 do giải ngân chậm

Báo cáo tiến độ theo tuần

2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Đây cũng là năm kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tại nhiều cuộc họp, hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc sớm giải ngân các nguồn vốn còn lại là động lực quan trọng trong tăng trưởng và khôi phục nền kinh tế. Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn theo kế hoạch giao. Tổ chức, cá nhân nào làm chậm, vi phạm phải xử lý nghiêm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh thực hiện dự án và giải ngân hết vốn đầu tư kế hoạch năm 2020. 

Thời gian qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã rà soát tình hình triển khai, tiến độ giải ngân của từng dự án, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp xử lý cụ thể. Ông Nguyễn Hoài Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết lãnh đạo ban yêu cầu bộ phận chuyên môn phải báo cáo tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư theo tuần. Ban đã xây dựng kế hoạch giải ngân từ tháng 8.2020  đến tháng 1.2021 của từng dự án và cam kết giải ngân theo kế hoạch hằng tháng đã xây dựng. Đối với các dự án không thể giải ngân được vốn đã giao, ban sẽ tập hợp lại số vốn dư, đề nghị UBND tỉnh điều chuyển trong nội bộ các dự án do ban làm chủ đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND cấp huyện, cấp xã sẽ định kỳ rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định điều chuyển vốn đầu tư của các dự án giải ngân không đạt kế hoạch sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn. Từng nguồn cụ thể sẽ tiếp tục được rà soát, điều chuyển trong các tháng tới. Riêng các dự án hoàn thành từ năm 2019 trở về trước đã được bố trí vốn năm 2020 phải điều chuyển vốn do nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét không bố trí nguồn vốn để thanh toán trong năm 2021.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Kiên quyết xử lý dự án chậm giải ngân