Không để lúa, rau màu bị mất trắng do ngập úng

21/07/2018 13:31

Chiều 21.7, đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống úng tại các huyện Bình Giang, Ninh Giang, Thanh Miện.


Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương kiểm tra việc vận hành các trạm bơm tiêu úng tại huyện Bình Giang

Sau khi kiểm tra thực tế tại một số trạm bơm và các khu vực lúa bị ngập úng, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp chống úng, kiên quyết không để lúa, rau màu bị mất trắng do ngập úng kéo dài. Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi huy động tối đa nhân lực khơi thông, giải tỏa dòng chảy và vận hành hết công suất các trạm bơm giúp tiêu úng kịp thời. Trong quá trình bơm tiêu úng, phải bảo đảm yếu tố an toàn, không để xảy ra sự cố. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương có phương án bảo đảm cấp điện đầy đủ cho các trạm bơm tiêu úng.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong và sau mưa úng, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa úng gây ra. Sau khi mưa úng kết thúc, phải khẩn trương khôi phục sản xuất để không ảnh hưởng tới thời vụ.

Một số diện tích lúa gieo thẳng ở huyện Nam Sách bị ứ nước cục bộ. Ảnh: Nguyễn Mơ

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh nên từ đêm 20.7, trên địa bàn Hải Dương đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tính từ ngày 14- 21.7, tổng lượng mưa trên địa bàn huyện Ninh Giang 283mm, Thanh Miện 262mm, Tứ Kỳ 227mm, Nam Sách 235mm; các huyện khác đều có lượng mưa trên 150 mm. Mưa lớn đã gây ra úng ngập tại một số địa phương: Bình Giang ngập 1.200ha, Tứ Kỳ 1.100ha, Cẩm Giàng 1.000ha, Kim Thành 800 ha...

Mực nước các sông tiếp tục dâng cao do ảnh hưởng của mưa lớn, thủy triều, hồ thủy điện xả lũ và các địa phương bơm tháo gạn đề phòng ngập úng. 7 giờ ngày 21.7, mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại đạt 2,87 m (dưới mức báo động I là 1,13 m), sông Luộc tại Bến Trại đạt 2,26 m (dưới mức báo động I là 0,54 m). Trên hệ thống Bắc Hưng Hải, mực nước tại Bá Thủy đạt 2,1 m (dưới mức thiết kế tiêu là 0,45 m).

Mặc dù mưa lớn nhưng do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương chủ động bơm tháo gạn, hạ thấp mực nước đệm từ ngày 18.7 nên trên địa bàn tỉnh chưa có diện tích lúa, rau màu bị ngập úng. Một số diện tích lúa gieo thẳng ở các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Nam Sách bị ứ nước cục bộ. Hiện công ty đang vận hành 88 trạm bơm tại các địa phương để khẩn trương bơm tháo gạn, hạ thấp mực nước trên các tuyến kênh.

Đến 13 giờ 30, lượng mưa đo được tại huyện Thanh Miện đạt 75 mm. Mặc dù mưa lớn nhưng do cấy sớm, lúa đã lên tốt nên gần 6.300 ha lúa mùa của huyện không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, diện tích rau màu ở các xã Lam Sơn, Phạm Kha bị ảnh hưởng khá nặng.

Nhiều diện tích hành ở Phạm Kha bị ngập sâu trong nước

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều diện tích trồng hành, khoai lang của  người dân bị ảnh hưởng nặng. Gần 30 ha khoai lang sắp được thu hoạch của xã Lam Sơn có khả năng thối củ nếu mưa kéo dài và tiêu úng không kịp thời. Hiện tại, người dân đã sử dụng nhiều máy bơm các loại để bơm tiêu úng nhưng do mưa lớn, chưa có dấu hiệu ngớt nên nước chưa rút nhiều.

Lúa mới cấy của xã Lam Sơn chìm trong nước

Tại xã Phạm Kha, nhiều diện tích trồng hành của bà con bị ngập nặng, có những ruộng hành mới trồng bị ngập sâu trong nước. Nhiều ruộng hành chưa đến thời điểm thu hoạch nhưng người dân buộc phải thu hoạch sớm cho dù sản lượng và chất lượng nông sản giảm.

Máy bơm hoạt động hết công suất để cứu diện tích khoai lang sắp được thu hoạch ở xã Lam Sơn

Đại diện lãnh đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thanh Miện cho biết đã tháo gạn, hạ thấp mực nước tại các sông nội đồng; vận hành hết công suất 4 trạm bơm tiêu, gồm Phí Xá, Đò Nuồi, Chùa Khu và Cống Giác. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đến 14 giờ 30 ngày 21.7, trạm bơm Phí Xá vẫn chưa hoạt động.

Diện tích dưa hấu của nông dân xã Cẩm Văn ngoài bãi sông Thái Bình bị ngập úng, không thể tiêu thoát nước

Mưa lớn đã khiến hơn 1.000 ha lúa mùa và gần 200ha cây rau màu ở huyện Cẩm Giàng bị ngập úng, chủ yếu tập trung tại các xã Cẩm Điền, Lương Điền, Ngọc Liên, Cẩm Hưng, Đức Chính, Cẩm Văn... Từ chiều 20.7 đến 15 giờ 30 ngày 21.7, huyện đã huy động hơn 50 máy bơm để bơm tiêu úng trên toàn bộ diện tích hơn 4.000 ha lúa mùa, 200ha cây rau màu trên địa bàn. Huyện chủ động các phương án bảo đảm an toàn cho hơn 1.200 ha nuôi thủy sản tại các xã Cẩm Hoàng, Cẩm Đông, Cẩm Đoài, Thạch Lỗi...

Trạm bơm Tiên Kiều (Cẩm Giàng) hoạt động hết công suất

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành cho biết, đến 14 giờ ngày 21.7, toàn huyện có hơn 700 ha lúa và rau màu bị ngập úng, trong đó diện tích lúa chiếm khoảng 90%. Các xã có diện tích lúa bị ngập úng nhiều là: Cộng Hoà, Tuấn Hưng, Kim Xuyên, Tam Kỳ...

Cánh đồng thôn Phạm Xá 2, xã Tuấn Hưng ngập trong biển nước

Huyện Kim Thành đang huy động 100% số máy bơm để bơm tiêu úng, ưu tiên những vùng thấp, trũng. Một số địa phương huy động máy bơm gia đình của các hộ dân tham gia chống úng. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con cách bảo vệ, chằng néo các lồng bè, ao nuôi cá. Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện cử cán bộ trực ban tại các trạm bơm, chủ động bơm gạn tại các trạm chưa xảy ra ngập úng.

Đến chiều 21.7, mưa lớn kéo dài đã làm cho hơn 2.000 ha lúa mùa mới cấy của huyện Tứ Kỳ, chiếm 25% diện tích lúa toàn huyệnbị úng ngập. Các xã Nguyên Giáp, Tiên Động, Hà Thanh, An Thanh, Minh Đức… có diện tích lúa bị úng ngập nhiều nhất.


Cùng ngày, UBND huyện Tứ Kỳ đã yêu cầu các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan chủ động phương án phòng chống mưa úng. Đại diện Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện cho biết đã vận hành 9 trạm bơm tiêu úng để bơm gạn nước từ ngày 17.7 đồng thời tổ chức vớt bèo, giải tỏa dòng chảy ở những tuyến kênh, cửa cống.  

Từ chiều 20.7 đến 13 giờ ngày 21.7, lượng mưa lớn nhất ở huyện Gia Lộc đạt 93mm, lượng mưa phổ biến đo được từ 50-55mm. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã cho vận hành 88 máy bơm tại 22 trạm bơm hoạt động 24/24 giờ. Tuy lượng mưa lớn nhưng hơn 1.000 ha hoa màu của toàn huyện không bị ảnh hưởng nhiều. Các khu vực nuôi thủy sản không xảy ra tình trạng tràn bờ do người dân đã chủ động bơm thoát nước từ trước.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tổng lượng mưa đo được trên địa bàn huyện Kinh Môn từ tối 20.7 đến trưa 21.7 khoảng 78mm. Đến 11 giờ ngày 21.7, trên địa bàn huyện Kinh Môn chưa xuất hiện tình trạng úng ngập lúa và hoa màu. Tuy nhiên, đã có khoảng 800 ha lúa bị ngập 2/3 cây. Các khu vực ao cá, vùng nuôi thủy sản tương đối ổn định, chưa xảy ra tình trạng nước tràn qua các ao.

Từ ngày 20.7, UBND huyện Kinh Môn đã chỉ đạo đơn vị chức năng vận hành 80 máy bơm chống úng tại 12 trạm bơm trên địa bàn huyện (100% số máy bơm) để tháo nước ra ngoài các sông. Hiện nay do mực nước các sông trên địa bàn huyện tương đối cao nên nếu tiếp tục mưa lớn, việc bơm nước sẽ gặp nhiều khó khăn. Để chủ động tiêu úng, huyện Kinh Môn yêu cầu các địa phương và cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện tăng cường theo dõi diễn biến của mưa, cử cán bộ kiểm tra, giám sát ở các khu vực trọng điểm, thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên để huyện nắm được và có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Điện lực Kinh Môn chủ động cấp điện cho các trạm bơm, không để xảy ra tình trạng mất điện ở các trạm bơm.

Từ chiều 20.7 đến đến 10 giờ sáng 21.7, lượng mưa lớn nhất trên địa bàn huyện Ninh Giang đạt trên 90 mm, lượng mưa phổ biến đo được tại các điểm từ 40-50mm. Toàn huyện hiện có hơn 1.000 ha lúa bị ngập úng, trong đó có khoảng 300 - 400 ha lúa bị ngập hoàn toàn; hơn 300ha rau màu hè thu bị ảnh hưởng. Diện tích lúa bị ngập úng lớn tập trung chủ yếu ở các xã Tân Phong, Đông Xuyên, Kiến Quốc, Văn Giang... Diện tích nuôi thuỷ sản trên địa bàn huyện cơ bản không bị ảnh hưởng do người dân đã chủ động bơm gạn, hạ thấp mực nước đệm từ mấy ngày trước.

 Hơn 1.000 ha lúa của huyện Ninh Giang chìm trong nước

Sáng 20.7, Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện đã cho vận hành 14 trạm với 70/82 máy bơm chống úng bơm 24/24 giờ. Tổng công suất bơm chống úng là 251.300 m3/giờ. Trưa 21.7, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tích cực phòng chống và tiêu úng. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các xã tập trung giải toả vật cản, rong bèo, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh để nước tiêu thoát nhanh; tăng cường kiểm tra các vùng nuôi thuỷ sản để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra...

100% trạm bơm ở Ninh Giang được vận hành để tiêu úng

Tính đến trưa 21.7, hơn 200 ha lúa trên địa bàn huyện Thanh Hà bị ngập úng nặng do ảnh hưởng của mưa kéo dài. Các xã có lúa bị ngập là Hồng Lạc, Tiền Tiến, Quyết Thắng, Tân Việt. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã huy động 9 trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất để phục vụ bơm gạn nước.


Mưa kéo dài khiến nhiều diện tích lúa ở xã Quyết Thắng bị úng ngập. Ảnh:Minh Nguyệt

Tại các vườn ổi, nông dân phải dùng máy bơm liên tục để chống úng nhưng do lượng mưa lớn nên chưa khắc phục được tình trạng úng ngập trên địa bàn. 

Chiều 21.7, lãnh đạo huyện Thanh Hà kiểm tra các điểm úng ngập, các trạm bơm Du Tái ở xã Tiền Tiến và Ba Nữ ở xã Phượng Hoàng. Đến cuối chiều, toàn huyện có gần 1000 ha lúa bị úng ngập.

Trạm bơm Ba Nữ ở xã Phượng Hoàng hoạt động liên tục để bơm gạn nước chống úng. Ảnh:Minh Nguyệt

Lãnh đạo huyện Thanh Hà chỉ đạo các địa phương huy động nhân dân sử dụng máy bơm mini để bơm gạn nước trong vườn cây ăn quả; các xã có nhiều lồng cá ngoài sông Thái Bình như Tiền Tiến, Hợp Đức cần chủ động chằng, buộc lồng cá đề phòng nước lũ dâng cao.

  Cánh đồng xã Quyết Thắng bị ngập sâu. Ảnh:Minh Nguyệt

Trên địa bàn thị xã Chí Linh, lượng mưa đo được phổ biến từ 50-100mm, riêng phường Bến Tắm là 106mm. Mưa to đã làm khoảng 300ha lúa mùa của các địa phương phía nam thị xã như Cổ Thành, Nhân Huệ, Phả Lại, Văn An, Hoàng Tiến bị ngập úng cục bộ.


Để phòng chống úng cho toàn bộ diện tích lúa của thị xã, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi thị xã đã vận hành 67 máy ở 9 trạm bơm trên địa bàn. Nếu trời không mưa tiếp thì đến sáng 22.7 sẽ tiêu úng cho toàn bộ diện tích lúa nêu trên. Hệ thống hồ đập trên địa bàn thị xã đều ở mức an toàn theo mực nước thiết kế và vẫn đang trong giai đoạn tích nước.

Trạm bơm Kỳ Đặc, phường Văn An (Chí Linh) vận hành hết công suất để tiêu úng. Ảnh:Trung Kiên

Thị xã chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huy động nhân lực trực 24/24 giờ để bơm tiêu úng và giám sát mực nước tại các hồ đập. Điện lực Chí Linh bảo đảm cung cấp ổn định nguồn điện cho các trạm bơm. Các HTX chủ động nguồn giống để phục vụ nhân dân tỉa, dặm và gieo cấy lại nếu bị ngập nặng.Thị xã và các xã, phường theo dõi chặt chẽ tình hình mưa để ứng phó kịp thời.

Từ 16 giờ ngày 20.7 đến 11 giờ ngày 21.7, lượng mưa trung bình đo được trên địa bàn huyện Nam Sách là 137 mm. Mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ hơn 200 ha lúa mùa, trong đó có gần 100 ha bị ngập trắng, tập trung ở các xã như: Thái Tân, Minh Tân, Cộng Hòa, Phú Điền, Hiệp Cát và Nam Tân. Mưa lớn cũng đã gây ảnh hưởng hơn 100 ha cây rau màu, chủ yếu là dưa hấu.

Lãnh đạo huyện Nam Sách kiểm tra khu vực nuôi cá lồng ở xã Nam Tân

Lãnh đạo huyện Nam Sách đã xuống các cơ sở kiểm tra thực tế, chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện vận hành tối đa công suất của 5 trạm bơm tiêu gồm: Long Động, Chu Đậu, Đò Hàn, Ngọc Chì và Cộng Hòa với hơn 40 máy bơm, công suất mỗi máy từ 4.000 đến 8.000 m3/ giờ để bơm tiêu úng.Huyện cũng chỉ đạo các xã khẩn trương thực hiện phương án chống úng cho những diện tích lúa mới cấy, cây rau màu vụ hè thu, các khu vực nuôi thủy sản tập trung;khoanh vùng ưu tiên để bơm tiêu thoát nước nhanh đối với diện tích rau màu, diện tích nuôi thủy sản bị ngập nặng. Huy động nhân lực khơi thông dòng chảy, thu dọn bèo bồng, đăng đó, vó bè trên các sông trục,bảo đảmtiêu nước nhanh, kịp thời để bảo vệ lúa mùa.Lãnh đạo huyện Nam Sách cũng đã kiểm tra tình hình của các lồng bè cá trên sông, hướng dẫn các chủ lồng khẩn trương neo buộc, tiến hành các biện pháp bảo đảm an toàn.

Trạm Bơm Chu Đậu bơm tiêu úng

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, mưa lớn những ngày qua đã khiến hơn 1.100 ha lúa vụ mùa của huyện ngập sâu. Khoảng 1.000 ha lúa ngập phất phơ, có nguy cơ ngập hoàn toàn nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài. Các xã Thúc Kháng, Tân Hồng có nhiều diện tích lúa ngập nhất. 

Ngoài hệ thống máy bơm tiêu úng của Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện, các địa phương bố trí các loại máy bơm dã chiến chống úng cứu lúa, chặn tất cả các cửa cống ngăn nước sông chảy vào đồng. Tuy nhiên, công tác chống úng ở Bình Giang rất khó khăn vì hiện tại, mực tại các sông trên địa bàn huyện đều dâng cao.


Nông dân khu 5, phường Việt Hòa (TP Hải Dương) chủ động bơm chống úng bảo vệ diện tích mạ chưa gieo cấy

Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, việc cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng trên địa bàn tỉnh đến 12 giờ ngày 21.7 ổn định, chưa xảy ra tình trạng mất điện. Công ty yêu cầu điện lực các huyện, thành phố, thị xã phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi các địa phương nắm bắt tình hình mưa úng để có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu xảy ra quá tải đường dây, thiết bị, điện lực các địa phương sẽ tạm thời cắt điện sinh hoạt và điện cho tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm chống úng. Đối với các đường dây có nhiều điểm ưu tiên sẽ thực hiện cắt luân phiên các trạm biến áp riêng lẻ.


Người dân khu 4, phường Việt Hòa (TP Hải Dương) đắp lại bờ để giữ lại lượng thóc giống vừa gieo vãi sau khi nước rút

Hiện nay, ngành điện đang quản lý 146 trạm biến áp cấp điện riêng cho các trạm bơm tiêu úng. Ngoài ra còn số lượng lớn các trạm biến áp vừa phục vụ cho việc sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trước mùa mưa bão, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa, thay thế, bổ sung vật tư, thiết bị, bảo đảm việc cấp điện an toàn, ổn định.

 PV - TRUNG KIÊN

Gần 15.500 ha lúa, rau màu, cây ăn quả và nuôi thủy sản bị ngập úng

13 giờ ngày 21.7, mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại đạt 3,04 m (dưới báo động I là 0,96 m), sông Luộc tại Bến Trại đạt 2,56 m (dưới báo động I là 0,34 m). Trên hệ thống Bắc Hưng Hải, mực nước tại Bá Thủy đạt 2,3 m (dưới mực nước thiết kế tiêu là 0,25 m).

Nông dân Đức Chính (Cẩm Giàng) khẩn trương thu hoạch rau màu ngoài bãi sông đề phòng nước sông tiếp tục dâng cao

Do mưa lớn, mực nước sông ngoài và kênh trục dâng cao nên trên địa bàn Hải Dương đã xảy ra ngập úng trên diện rộng. Toàn tỉnh có 15.455,7 ha lúa, rau màu, cây ăn quả và nuôi thủy sản bị ngập úng. Trong đó có 13.472,7 ha lúa, 1.468 ha rau màu, cây ăn quả và 515 ha nuôi thủy sản. Đối với diện tích lúa bị ngập úng, có 3.114 ha ngập trắng, 5.772,2 ha ngập phất phơ, còn lại là ngập 2/3 cây.

Để khẩn trương tiêu úng, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương đã vận hành 112 trạm bơm với tổng số 616 máy bơm. Hiện tại vẫn chưa xảy ra sự cố trong quá trình bơm tiêu úng, các trạm bơm được cấp điện đầy đủ.

    NGUYỄN MƠ

(0) Bình luận
Không để lúa, rau màu bị mất trắng do ngập úng