Ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

10/08/2018 05:45

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng hiện có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Khi đầu tư vào lĩnh vực này, doanh nghiệp lại gặp vướng mắc ở nhiều khâu.

Dự án xây dựng trang trại chăn nuôi, giết mổ gia cầm Viways của Công ty CP Chế biến thực phẩm Viways gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính

Lĩnh vực nông nghiệp có nhiều tiềm năng, nhưng số doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh còn ít so với các lĩnh vực khác. Làm gì để khuyến khích DN đầu tư vào đây đang là vấn đề rất đáng quan tâm.

Vướng ở nhiều khâu

Sau 9 tháng đề xuất đầu tư dự án xây dựng trang trại chăn nuôi, giết mổ gia cầm Viways ở phường Chí Minh (Chí Linh), đến tháng 4.2018, Công ty CP Chế biến thực phẩm Viways mới được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án. Nhưng đến nay, công ty này vẫn chưa thể hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đất đai để xin giấy phép xây dựng. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc công ty cho biết: “Sau khi được chấp thuận dự án, chúng tôi muốn nhanh chóng thực hiện các thủ tục cần thiết về đất đai để đầu tư xây dựng nhưng 4 tháng nay vẫn không xong. Giấy tờ phải chuyển qua, chuyển lại giữa Sở Tài nguyên và Môi trường đến thị xã Chí Linh. DN không được các đơn vị trả lời hay hướng dẫn cụ thể để hoàn thiện các thủ tục này như thế nào. Mặc dù là dự án được ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng công ty chưa được hưởng ưu đãi cụ thể nào”.

Công ty TNHH một thành viên Rau củ quả Thanh Hà ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà) đã đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới để trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP và gặp không ít khó khăn. Chị Phạm Thị Huyền Trang, Phó Giám đốc công ty chia sẻ: “Các chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều. DN đầu tư vào nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro. Năng suất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, đất đai. Khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này, chúng tôi phải tự nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Trong các khâu sản xuất, tiêu thụ, DN đều phải tự liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để có hiệu quả đòi hỏi phải có nguồn vốn, diện tích đất lớn, chủ đầu tư phải có kiến thức, kinh nghiệm về kỹ thuật trong nông nghiệp. Anh Lê Văn Việt, Giám đốc HTX Sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc) cho rằng người dân luôn có tâm lý giữ đất hoặc chỉ cho thuê đất với thời gian ngắn, trong khi các DN muốn thuê đất lâu năm để bảo đảm thời gian thu hồi vốn. Do vậy rất khó khăn cho DN nếu phải đàm phán với hàng trăm hộ dân để tích tụ được vùng sản xuất lớn. 

Qua tìm hiểu, nhiều DN đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều cho rằng việc tiếp cận các quy hoạch vùng hiện nay còn khó khăn. DN muốn đầu tư lớn thì gặp khó khăn về vấn đề đất đai. Thậm chí có vùng đã được quy hoạch đúng lĩnh vực DN đang đầu tư nhưng khi muốn gom đất để mở rộng dự án thì địa phương lại không tạo điều kiện để DN triển khai. Các DN muốn đầu tư vào nông nghiệp còn thiếu thông tin định hướng mang tính chuyên sâu về ngành. Nhiều DN cũng cho biết tiêu chí để được hưởng chính sách ưu đãi trong nông nghiệp rất khó, chưa kể đến việc DN phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính mới được hỗ trợ.

Phần lớn các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào nông nghiệp muốn mở rộng dự án nhưng thường gặp khó khăn về quỹ đất. Trong ảnh: Dự án của HTX Nuôi trồng thủy sản Xuyên Việt ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc)

Gỡ mắc về đất đai

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm, khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc ban hành các đề án, cơ chế, chính sách; cải cách TTHC trong việc đăng ký kinh doanh, chấp thuận đầu tư, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. DN được miễn, giảm tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập DN, miễn thuế nhập khẩu tài sản, hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định... Mặc dù vậy, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực này vẫn rất hạn chế.

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2008 đến nay, Hải Dương mới chấp thuận cho 41 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đầu tư trên 3.723 tỷ đồng, sử dụng gần 93 ha đất. Trong số này, mới có 1 dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, 5dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Các dự án còn lại chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến và sơ chế bảo quản hàng nông sản. Toàn tỉnh hiện có hơn 900 DN đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, bằng hơn 8% tổng số DN của tỉnh. 

Để khuyến khích và thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, chính quyền địa phương cần hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, tiếp cận được các ưu đãi đầu tư theo quy định. Chính quyền cơ sở cần vận động, tuyên truyền nhân dân để cùng nhà đầu tư thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, cho thuê đất đủ diện tích theo nhu cầu DN với thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại theo hướng bền vững, tỉnh cần quy hoạch chi tiết những vùng có quy mô lớn, hình thành quỹ đất sạch để triển khai thực hiện dự án và định hướng đầu tư vào những vùng quy hoạch đó. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư vào nông nghiệp.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp