Hoạt động bến bãi vật liệu xây dựng mùa mưa bão. Bài 2: Có hay không việc bắt tay với “cát tặc”?

25/05/2018 09:30

Cát được vận chuyển, tiêu thụ một cách dễ dàng. Các chủ bến bãi sẵn sàng mua cát không rõ nguồn gốc đã đặt ra nghi vấn: Phải chăng các bến bãi đang tiếp tay cho “cát tặc”?


Nhiều chủ bến bãi mua cát không cần giấy tờ chứng minh nguồn gốc đã tiếp tay cho hoạt động khai thác cát trái phép (ảnh mang tính minh họa)

Tình trạng cát không rõ nguồn gốc được tiêu thụ một cách dễ dàng đã đặt ra câu hỏi: Có hay không việc chủ nhiều bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) bắt tay với "cát tặc"?

Mua không cần hóa đơn

Trong vai một người muốn mua cát san lấp công trình, chúng tôi gặp chủ tàu VP 12xx tên M. khi người này đang neo tàu tại bến thủy nội địa của ông Đặng Văn Nhạ ở xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ). M. cho biết cát được nhập từ các mỏ ở Hà Nội hoặc Vĩnh Phúc, giá bán tại mép nước từ 50.000 - 53.000 đồng/m3 tùy tỷ lệ chiết khấu. Khi phóng viên hỏi về hóa đơn để tiện cho việc thanh toán với chủ đầu tư, M. thẳng thắn: "Bọn em lấy nhỏ lẻ nên không có hóa đơn. Anh muốn có hóa đơn phải lên tận mỏ đặt vấn đề người ta mới cấp. Nói thật với anh, 100% số tàu cát cấp về các bến ở Hải Dương không thể xuất hóa đơn cho anh đâu". Theo M., trong quá trình khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, chưa bao giờ tàu của M. phải xuất trình bất kỳ một loại giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc. 

Cách bến của ông Nhạ chưa đầy một cây số, H. chủ tàu VP 15xx đang neo tàu tại bến thủy nội địa của ông Dương Văn Thế ở xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) để bán cát. Cũng như M., cát được H. đưa từ Hà Nội về bán ở đây mà không cần bất cứ loại hóa đơn, giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc. "Anh mua cát mà yêu cầu hóa đơn thì bọn em không đáp ứng được. Em bán ở bến này nhiều rồi có thấy ai hỏi hóa đơn hay giấy tờ gì đâu. Cứ có cát là bán được thôi", H. nói. 

Chủ một doanh nghiệp có bến thủy nội địa ở xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) cho biết thời điểm này cát đen dùng cho san lấp tại Hải Dương khá hiếm nên cát thường được nhập từ các mỏ ở Hà Nội, Bắc Ninh. Mặc dù khẳng định là cát có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhưng khi phóng viên đề nghị cho xem hóa đơn mua bán cát thì người này lấy lý do hóa đơn cất ở nơi khác, không cho xem được.

"Cát tặc" vẫn còn đất sống

Người dân TP Hải Dương thường kháo nhau muốn biết tình trạng khai thác cát trái phép trong tỉnh diễn ra như thế nào chỉ cần ra khu Ngọc Châu (TP Hải Dương) là rõ. Ngày nào cũng vậy, trời vừa sáng là có vài chục tàu "không số" tải trọng từ 140 - 150 m3 chở đầy cát ở cửa âu thuyền chờ vào sông Sặt để bán tại các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang và một số huyện của tỉnh Hưng Yên. H. là dân làng chài Kim Lai, chủ một tàu cát nhỏ đang đợi đến lượt vào âu thuyền cho biết cát được các chủ tàu ở đây mua lại từ tàu lớn chạy từ Hà Nội, Vĩnh Phúc xuống. Giống như hầu hết các tàu khác, cát của H. cũng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Mặc dù khẳng định cát được mua lại từ tàu lớn khai thác trong mỏ nhưng làm thế nào để chứng minh điều đó thì H. chịu. 

Biết tôi đang tìm mua cát để san lấp một công trình trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, H. giới thiệu cho tôi một người tên C. cùng ở làng chài Kim Lai. Liên hệ qua điện thoại, C. cho biết có thể cung cấp đủ số lượng theo yêu cầu. Theo C., nếu muốn giá rẻ khách nên dùng cát lấy từ bãi soi của các xã Thanh Hải, Trường Thành (Thanh Hà) hoặc Đại Đồng, Tứ Xuyên (Tứ Kỳ). “Mặc dù đang trong thời kỳ cao điểm chống khai thác cát trái phép nhưng bọn em vẫn tranh thủ lấy được. Hôm nọ bọn em đã bị đoàn liên ngành kiểm tra, xử phạt mỗi tàu mấy triệu vì không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc cát. Nhưng có phải lúc nào đoàn liên ngành cũng đi kiểm tra, bắt giữ, xử phạt đâu. Anh cứ yên tâm, bọn em có đủ cát đáp ứng nhu cầu của anh”, C. khẳng định. 

Qua nhiều nguồn tin, chúng tôi biết rằng mỗi đêm có vài chục tàu ở nhiều địa phương tỏa đi các tuyến sông khai thác trộm cát. Mỗi tàu có trọng tải từ 140 - 160 m3, sử dụng máy hút công suất loại lớn nên chỉ 2 - 3 tiếng là đầy. Lượng cát này sẽ được tiêu thụ ở hàng trăm bến bãi kinh doanh VLXD dọc các tuyến sông trong tỉnh.

Anh Vũ Minh Tăng ở thị trấn Minh Tân (Kinh Môn), người chuyên cung cấp cát cho các công trình san lấp tại Hải Phòng cho biết: “Nhiều chủ bến bãi kinh doanh VLXD sử dụng hóa đơn “ma” hoặc quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa nguồn cát đầu vào. Nhiều trường hợp chủ bến bãi có hợp đồng thật với chủ mỏ cung cấp cát nhưng số lượng cát trong hóa đơn với số lượng cát thực tế chênh nhau một trời một vực. Lượng cát dôi ra đó đều là cát không rõ nguồn gốc, mua gom của các đối tượng khai thác trái phép”. 

Cát được vận chuyển, tiêu thụ một cách dễ dàng mà không cần giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Các chủ bến bãi sẵn sàng mua cát không rõ nguồn gốc đã đặt ra một nghi vấn: Phải chăng các bến bãi đang tiếp tay cho “cát tặc”?

 VỊ THỦY

(0) Bình luận
Hoạt động bến bãi vật liệu xây dựng mùa mưa bão. Bài 2: Có hay không việc bắt tay với “cát tặc”?