Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp: Bài toán khó với tổ chức Đoàn

07/04/2018 06:19

Start up không còn là khái niệm mới mẻ đối với thanh niên hiện nay. Nhưng sau 2 năm được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, chương trình khởi nghiệp ở tỉnh ta vẫn gặp nhiều khó khăn.

Hầu hết thanh niên khởi nghiệp theo phương pháp truyền thống. Trong ảnh: Mô hình trang trại anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn)

Nghèo ý tưởng sáng tạo

Để thực hiện có hiệu quả chương trình do Trung ương Đoàn phát động, Tỉnh đoàn đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2018-2022. Đề án sẽ được triển khai tới các Huyện đoàn, Thị đoàn, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thanh niên về khởi nghiệp. Năm đầu tiên, đề án sẽ chọn lọc và hỗ trợ ít nhất một dự án khởi nghiệp. Năm thứ 2 trở đi, mỗi năm hỗ trợ thành công ít nhất từ 2-3 dự án. Đến năm 2022, đề án sẽ hỗ trợ ít nhất 15 dự án khởi nghiệp. Tỉnh đoàn là đơn vị cầu nối ý tưởng khởi nghiệp và tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng để hiện thực hóa ý tưởng cho thanh niên.

Từ nay đến cuối năm, Tỉnh đoàn phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” trong sinh viên; phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh xây dựng thí điểm tổ hợp văn phòng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp - cà phê doanh nhân - khu vườn ý tưởng khởi nghiệp để làm nơi học hỏi, rút kinh nghiệm. Đối với thanh niên nông thôn, các Huyện đoàn, Thị đoàn, Thành đoàn tích cực tổ chức tư vấn và giới thiệu gương thanh niên làm giàu, thành công từ nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ. Tỉnh đoàn sẽ xây dựng Quỹ "Bảo trợ ý tưởng khởi nghiệp cho thanh niên” và kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ, gây quỹ. Nguồn quỹ sẽ hỗ trợ thực hiện từ 2-3 dự án khởi nghiệp có hiệu quả. Tỉnh đoàn đứng ra tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, thanh niên, tạo cơ hội cho thanh niên và doanh nhân thành đạt nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp.

Theo khảo sát của Tỉnh đoàn, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu ý tưởng khởi nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có một số sinh viên theo học ngành kinh tế có ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh, còn những ngành nghề khác tuyệt nhiên không có. Những ý tưởng đã có cũng khó thực thi vì chưa đem lại lợi nhuận cao. Anh Nguyễn Hồng Sáng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Nhiều thanh niên còn thụ động, ngại suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo. Tỉnh ta có nhiều khu công nghiệp, phần lớn thanh niên sẵn sàng đi làm thuê cho doanh nghiệp như một cái máy mà quên đi sở thích, sở trường của mình, mặc dù ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường từng có ước mơ, hoài bão”.

Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp nghèo nàn sẽ rất khó thu hút, thuyết phục nhà đầu tư. Vì thế, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn tích cực tuyên truyền, khuyến khích thanh niên sáng tạo và chọn lọc các dự án khả thi trước khi gửi Đoàn cấp trên thẩm định.

Chưa có mô hình khởi nghiệp cụ thể

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp hiện đang là "bài toán" khó đối với các tổ chức Đoàn. Ngoài 2 nguồn vốn thanh niên được vay gồm: nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm do Trung ương Đoàn ủy thác (thường gọi là nguồn vốn 120) và vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thì thanh niên chưa được hỗ trợ gì thêm trong phát triển kinh tế. Tỉnh đoàn đang quản lý 805 triệu đồng từ nguồn vốn 120 cách đây hơn 10 năm. Thanh niên trong tỉnh có nhu cầu phát triển kinh tế được vay quay vòng tối đa 50 triệu đồng/người. Số vốn ít ỏi này chỉ có thể hỗ trợ họ lập thêm chuồng trại, kinh doanh theo phương thức truyền thống. Còn muốn vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, thanh niên phải có tài sản thế chấp hoặc thuộc diện hộ nghèo mới được vay. Hầu hết thanh niên lại đang sống cùng bố mẹ nên chưa có tài sản riêng.

Trong khi thanh niên ở các tỉnh khác như Bắc Giang, Nghệ An đang sôi nổi khởi nghiệp thì ở tỉnh ta đến thời điểm này chưa có mô hình nào cụ thể. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết thanh niên vẫn giữ tư duy truyền thống để khởi nghiệp mà chưa có nhiều thay đổi trong nhận thức. Khi nhận được hướng dẫn của Trung ương Đoàn về chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, một số Đoàn Thanh niên cấp huyện vẫn còn chưa biết thực hiện thế nào. Chị Nguyễn Thị Ánh, Phó Bí thư Huyện đoàn Kim Thành cho biết: “Hằng năm, Huyện đoàn Kim Thành vẫn phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác để tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên chứ chưa có kế hoạch cụ thể. Hiện tại chúng tôi đang tuyên truyền đến đoàn viên thanh niên về chương trình khởi nghiệp quốc gia để nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của đoàn viên".

Đề án "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" là một cơ hội tốt cho thanh niên lập nghiệp. Các cấp bộ đoàn trong tỉnh cần nhạy bén, năng động hơn nữa, tăng cường tuyên truyền để thanh niên trong tỉnh kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội, khởi nghiệp thành công.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp: Bài toán khó với tổ chức Đoàn