Điện mặt trời đến với người dân

28/01/2020 10:05

Thông qua các thiết bị kỹ thuật, năng lượng mặt trời đã được chuyển hóa thành điện năng phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Công nhân Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Huy Hoàng Solar lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho khách hàng ở TP Hải Dương

Với những lợi ích kinh tế thiết thực và thân thiện với môi trường, điện mặt trời được các nhà khoa học nhận định sẽ là một trong những nguồn năng lượng chính trong tương lai.

Nhiều khách hàng sử dụng

Sau một thời gian tìm hiểu qua bạn bè, đọc các tài liệu trên internet về những lợi ích điện mặt trời (ĐMT) mang lại, tháng 5.2019, anh Cao Văn Thái, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên ThaiHD (TP Hải Dương) đã đầu tư 500 triệu đồng lắp đặt hệ thống ĐMT áp mái công suất 50 kWp. Đây là hệ thống ĐMT áp mái công suất lớn nhất trong tỉnh hiện nay.

"Vào mùa hè, mỗi tháng tôi phải trả từ 30-40 triệu đồng tiền điện để vận hành máy bơm, lọc nước phục vụ kinh doanh bể bơi. Từ khi lắp ĐMT, điện thu được tôi bán cho ngành điện trong khi vẫn sử dụng điện của ngành điện phục vụ các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh. Sau khi đối trừ, mỗi tháng tôi giảm được khoảng 10 triệu đồng. Tôi thấy sử dụng ĐMT khá hợp lý nên dự định đầu tư thêm 500 triệu đồng nữa để lắp đặt ở bể bơi dưới huyện Thanh Miện", anh Thái nói.

Anh Thái lắp ĐMT bên trên mái ngói khu vui chơi nên không tốn diện tích. Vào mùa hè, các tấm pin hấp thu nhiệt phía trên nên bên dưới rất mát. Trong quá trình sử dụng, anh Thái không hề gặp bất kỳ khó khăn nào.

Nhen nhóm tại Hải Dương từ năm 2017 nhưng thời gian gần đây ĐMT áp mái mới nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. Trước tháng 5.2019, toàn tỉnh có 12 khách hàng lắp đặt ĐMT áp mái với tổng công suất 40 kWp, đến tháng 10.2019 tăng lên 66 khách hàng với tổng công suất 354 kWp.

"Với những lợi ích thiết thực, trước hết là giảm tiền điện tiêu thụ hằng tháng, ĐMT ngày càng thu hút sự quan tâm của khách hàng. Chúng tôi cho rằng thời gian tới, ĐMT áp mái sẽ phát triển mạnh mẽ", ông Trần Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương nói.

Đón đầu xu hướng sử dụng ĐMT áp mái trong tương lai, anh Đinh Bá Huy ở TP Hải Dương đã thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Huy Hoàng Solar chuyên lắp đặt ĐMT. Thành lập đầu năm 2019, đến nay công ty đã lắp 7 công trình, trong đó có hệ thống ĐMT công suất lên đến 30kWp.

Theo anh Huy, hiện có rất nhiều khách hàng đến công ty để được tư vấn về giá lắp đặt, thời gian sử dụng và lợi ích kinh tế ĐMT áp mái mang lại. "ĐMT phù hợp cho cả cá nhân cũng như doanh nghiệp. Với doanh nghiệp hoạt động ban ngày có thể sử dụng trực tiếp điện từ các tấm pin mặt trời. Còn các gia đình, nhu cầu sử dụng điện ban ngày ít có thể bán cho ngành điện. Pin mặt trời có tuổi thọ 20-25 năm. Với giá bán ĐMT như hiện nay, khách hàng chỉ mất 5-6 năm là có thể thu hồi vốn. Sau đó, họ sử dụng điện không mất tiền", anh Huy khẳng định.

Nguồn năng lượng xanh vô tận

Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, điện luôn phải "đi trước một bước". Những năm qua, nước ta đã phải đầu tư phát triển các nguồn điện dưới nhiều hình thức như nhiệt điện, thủy điện, năng lượng tái tạo... Đến nay, tổng công suất nguồn điện của cả nước đạt mức 48.000 MW. Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện trong nước tăng khoảng 10%/năm. 

Trong khi nhu cầu sử dụng điện không ngừng tăng thì các nguồn phục vụ sản xuất điện lại giảm. Hiện tiềm năng khai thác các dòng sông để phát triển thủy điện gần như không còn. Các nhà máy nhiệt điện gần đây gặp khó khăn khi nguồn than khan hiếm.

Những năm qua, sản xuất điện bằng than đã ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên cũng như sức khỏe con người. Đập ngăn nước của nhà máy thủy điện làm cho các vùng hạ lưu rơi vào tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Các dự án phát triển điện hạt nhân đã tạm dừng triển khai trong khi phát triển điện gió chi phí tốn kém...

Theo đánh giá của ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ĐMT là nguồn năng lượng xanh vì không phát sinh mùi, không bụi, không khói và không có tiếng ồn. Đây là nguồn năng lượng tái tạo không thể cạn kiệt nên không lo nguyên liệu thay thế. Khoa học - công nghệ phát triển, công suất của một tấm pin mặt trời đã tăng hàng chục lần so với trước.

Nguyên liệu sản xuất đa dạng, phong phú làm cho giá các tấm pin rẻ hơn, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Việc xử lý các tấm pin cũng đơn giản nên không lo về vấn đề rác thải sau khi đã sử dụng xong.

Ở Hải Dương, vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 10), trung bình sẽ có 168 giờ nắng/tháng và mùa đông có 48 giờ nắng/tháng. "Với những ưu điểm nổi trội, ĐMT đang được coi là nguồn năng lượng quan trọng, khắc phục được những hạn chế của các nguồn năng lượng khác. Trong tương lai, đây là nguồn năng lượng chính phục vụ phát triển kinh tế-xã hội", ông Bình nói.

THANH HÀ

Wp (Watts peak) là đơn vị đo lượng năng lượng sinh ra, được sử dụng cho các thiết bị năng lượng mặt trời. KWp là viết tắt của kilowatt ‘peak’ của một hệ thống. Khi các tấm pin mặt trời hoạt động, sẽ chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện, được đo bằng kWh (kilowatt giờ). Trung bình 1 kWp pin mặt trời cần một diện tích khoảng 9 m2 và có khả năng sản xuất ra 4-5 kWh/ngày.
(0) Bình luận
Điện mặt trời đến với người dân