Nhân viên môi giới bất động sản chuyển hướng tiếp thị

21/10/2020 13:11

Khi tin nhắn, cuộc gọi rác không còn hoành hành như trước đã giảm nhiều phiền toái cho các chủ thuê bao di động; một bộ phận nhân viên môi giới bất động sản cũng mất đi kênh tiếp thị truyền thống. 

Nhiều nhân viên môi giới BĐS bắt đầu chuyển hướng tiếp cận khách hàng trực tiếp

Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác chính thức có hiệu lực từ ngày 1.10.2020. 

Hết cảnh bị làm phiền

​Làm nghề lái xe taxi, thường xuyên phải di chuyển trên đường, anh Nguyễn Quang Tuấn ở phố Kho Đỏ (TP Hải Dương) từng liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi, tin nhắn mời chào quảng cáo mua, thuê căn hộ chung cư, dự án đất nền... Nhiều khi đang trên đường tới điểm đón khách, thấy có cuộc gọi đến nghĩ là khách gọi giục, anh nghe máy thì nhận được một tràng dài giới thiệu về dự án BĐS.

Anh Lê Huy Hoàng ở phố Mai Hắc Đế (TP Hải Dương) cũng cho biết trước đây có ngày anh nhận được gần chục tin nhắn, cuộc gọi mời mua nhà đất từ các sàn giao dịch BĐS, nhân viên môi giới. Có khi cuộc gọi này vừa kết thúc, cuộc gọi khác lại đến. Anh Hoàng từng phải cài đặt chế độ tắt tiếng cuộc gọi không rõ trên điện thoại di động nhưng rồi phải mở lại vì sợ có người quen khi cần việc gọi đến mà không nhận được sẽ rất bất tiện. "Ngày nào cũng có cuộc gọi, tin nhắn mời chào quảng cáo, giới thiệu nhà đất, căn hộ chung cư...", anh Hoàng nói.

Không chỉ nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn quảng cáo vào các giờ hành chính, nhiều chủ thuê bao di động còn nhận được tin nhắn, cuộc gọi vào cả giờ nghỉ trưa, lúc nửa đêm. "Có hôm đang ăn trưa thấy có cuộc gọi đến, tôi mở máy nghe thì đầu dây kia là giọng phụ nữ giới thiệu đang mở bán đất nền tại Cẩm Phả (Quảng Ninh) và mời chào nếu quan tâm tôi sẽ có 1 suất ưu đãi", chị Lê Thị Nga ở phố Điện Biên Phủ (TP Hải Dương) kể. Chị Nga cho biết thêm không chỉ gọi từ các số điện thoại lạ, chị còn liên tục nhận được các tin nhắn giới thiệu dự án nhà đất ở Quảng Ninh, Hà Nội, thậm chí cả Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh. Ban đầu chỉ nhận 1 - 2 tin nhắn, nhưng có lúc phải nhận quá nhiều thì thực sự khó chịu. Chị rất ngạc nhiên vì sao chủ những tin nhắn, cuộc gọi trên có số điện thoại của các chủ thuê bao, thậm chí còn biết rõ người đó làm việc ở đâu.

Tiếp thị trực tiếp

​Trước những biện pháp mạnh của Chính phủ, cơ quan quản lý buộc các công ty BĐS, nhân viên môi giới, thị trường phải chuyển hướng tiếp cận khách hàng. Anh Nguyễn Văn Hưng, nhân viên môi giới BĐS cho biết gọi điện thoại, nhắn tin là cách để quảng cáo, giới thiệu BĐS truyền thống khá hiệu quả. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 91 có hiệu lực, những người làm môi giới như anh đã bắt đầu chuyển hướng sang sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo. Gần đây anh phát triển quảng cáo, chạy sản phẩm trên cả Instagram, Youtube... 

Chị Phạm Thị Lựu hiện đang làm cộng tác viên cho một số dự án BĐS trên địa bàn TP Hải Dương cho hay để trụ lại với nghề, giờ đây nhân viên môi giới BĐS phải tiếp cận khách hàng, tiếp thị sản phẩm bằng nhiều hình thức khác nhau. Gần đây, chị chú trọng hướng đến kênh tiếp thị trực tiếp, xin thông tin, địa chỉ để giới thiệu. Bên cạnh đó, thông qua các trang mạng xã hội, chị tạo lập, tham gia các trang, hội, nhóm ở nhiều lĩnh vực khác nhau để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chia sẻ thông tin từ người này sang người khác trên trang cá nhân...

Theo một số chủ doanh nghiệp BĐS, Nghị định 91 làm ảnh hưởng lớn tới việc tiếp cận khách hàng của các nhân viên môi giới, vì vậy các công ty cũng đã bắt đầu tính đến việc đổi mới trong tiếp cận khách hàng theo hướng bền vững, chuyên nghiệp như: ứng dụng các phầm mềm giới thiệu, quảng cáo sản phẩm trên các thiết bị điện thoại thông minh, quảng cáo qua báo, đài, các pano, màn hình LED công cộng...

Từ ngày 1.10.2020, Nghị định 91 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác chính thức có hiệu lực. Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, đây là biện pháp mạnh nhằm bảo vệ người dùng điện thoại di động tránh bị làm phiền bởi những cuộc điện thoại, tin nhắn chào mời quảng cáo, bán các loại sản phẩm khác nhau, trong đó có BĐS. Nghị định  nêu rõ người quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi được người sử dụng đồng ý trước về việc nhận quảng cáo; người quảng cáo phải chịu trách nhiệm và có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo. Người quảng cáo vi phạm các quy định trên đều bị xử phạt.

Theo ông Lê Tuấn Việt, Trưởng Phòng Bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông, mặc dù nghị định có hiệu lực từ 1.10 nhưng hiện nay nhiều khách hàng vẫn nhận được tin nhắn rác là do "độ trễ" của văn bản và một số sim điên thoại đưa ra thị trường trước đây chưa được chuẩn hóa thông tin... Tới đây sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nghị định, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định...

TRƯƠNG HÀ


(0) Bình luận
Nhân viên môi giới bất động sản chuyển hướng tiếp thị