Cầu Mây “mở cửa” phát triển khu vực tây bắc Kinh Môn

11/07/2020 07:02

Cầu Mây được hoàn thành không chỉ giúp bà con đi lại dễ dàng mà sẽ trở thành động lực quan trọng để kinh tế - xã hội của cả vùng phát triển hơn.


Cầu Mây kết nối với các công trình giao thông khác tạo ra trục phát triển, thay đổi diện mạo cho các địa phương phía tây bắc thị xã Kinh Môn

Cầu Mây trên đường tỉnh 389 qua sông Kinh Môn nối liền các xã, phường phía tây bắc thị xã Kinh Môn với xã Thượng Vũ (Kim Thành) ra quốc lộ 5 đã hoàn thành. Niềm vui của người dân được nhân lên khi ngoài đi lại dễ dàng, việc chuyên chở hàng hóa cũng thuận lợi hơn.

Đi lại thuận tiện

Anh Nguyễn Văn Phương, sinh năm 1970, ở thôn Phương Quất, xã Lạc Long (Kinh Môn) làm nghề lái xe tải chở hàng thuê hơn 10 năm nay. Mùa nào thức nấy, hết chuyên chở nông sản, anh lại chuyển sang chở vật liệu xây dựng. Công việc nhiều lúc thất thường, anh chủ yếu loanh quanh ở mấy xã, phường của khu nam An Phụ, còn muốn vươn sang bên kia sông của huyện Kim Thành thì rất khó bởi xe tải chở hàng xuống phà khá nguy hiểm, nhất là khi nước lớn. Khi cầu Mây đã thông, "thị trường" của anh Phương đã được mở rộng chứ không bó hẹp như trước. Việc đi lại đã thuận lợi và an toàn hơn.

"Tôi bắt đầu có những chuyến hàng lên TP Hải Dương, huyện Cẩm Giàng và ngày nào cũng có việc. Khi chưa có cầu, từ xã Lạc Long ra quốc lộ 5 mà không muốn qua phà thì phải đi đường vòng chừng 15 km và mất khoảng 30 phút. Nhưng nay qua cầu Mây chỉ vài km đã đến quốc lộ 5", anh Phương cho biết.

Nhiều bà con ở các xã Lạc Long, Thăng Long... cũng cho biết thị trường nông sản, nhất là hành mủa ở những địa phương này chắc chắn sẽ tiêu thụ thuận lợi hơn. Cầu Mây không chỉ giúp bà con tiêu thụ nông sản dễ dàng mà sẽ trở thành "xương sống" để bộ mặt kinh tế - xã hội của cả vùng phát triển hơn.

Cầu Mây, đường tỉnh 389 kết nối với khu nam An Phụ của thị xã Kinh Môn gồm các xã, phường: An Phụ, Quang Thành, Thăng Long, Lạc Long, Hiệp Hòa, Thượng Quận. Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng suốt bao năm qua, do hạn chế về giao thông nên cả khu vực gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ trước đến nay, khu vực này chủ yếu tập trung khai thác thế mạnh từ nông nghiệp. Lãnh đạo thị xã Kinh Môn cho biết sau khi cầu Mây hoàn thành, các thế mạnh về công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực nam An Phụ cũng như thị xã Kinh Môn sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn.


Cầu Mây đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Kết nối giao thương

Sau khi cầu Mây hoàn thành, thị xã Kinh Môn đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tập trung củng cố, phát triển hệ thống giao thông. Khoảng 2 tháng nữa, cầu Triều nối phường Thất Hùng với thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đến quốc lộ 18 sẽ hoàn thành. Khi đó, quốc lộ 5, đường tỉnh 389, cầu Mây, cầu Triều, quốc lộ 18 sẽ trở thành trục giao thông kết nối phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa không chỉ của Kinh Môn mà của cả tỉnh và khu vực. Cùng với đó, Dự án đường tỉnh 398 B do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư đã được khởi công từ cuối năm 2019 và đang đẩy nhanh tiến độ. Tuyến đường dài trên 12 km, từ cầu An Lưu 1 đến đường tỉnh 389 đi qua các phường, xã An Phụ, Thượng Quận, Hiệp Hòa, Hiệp An với tổng kinh phí đầu tư trên 100 tỷ đồng. Tuyến đường này sẽ kết nối quốc lộ 17 B và đường tỉnh 389. Để khai thác công năng của cầu Mây, cầu Triều, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang xây dựng kế hoạch cải tạo đường tỉnh 389 dài khoảng 13 km từ cầu Triều đến quốc lộ 5, mở rộng từ 5,5-8 m lên 11 m với tổng kinh phí đầu tư khoảng 183 tỷ đồng.

Theo ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn, những năm qua, do giao thông còn khó khăn nên kinh tế của địa phương phát triển chưa cân đối. Trong khi khu Tam Lưu và Nhị Chiểu phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, thương mại, dịch vụ thì khu vực An Phụ (gồm nam An Phụ và bắc An Phụ) vẫn lấy nông nghiệp làm chủ đạo. Cầu Mây đưa vào hoạt động chắc chắn sẽ làm thay đổi bức tranh kinh tế - xã hội của thị xã Kinh Môn. Khu An Phụ được định hướng tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, đồng thời phát triển du lịch, dịch vụ. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 4 cụm công nghiệp tại khu vực này gồm Thăng Long (rộng gần 50 ha), Quang Trung, Bạch Đằng và Thất Hùng, mỗi cụm rộng 75 ha. Trước đó, UBND tỉnh đã chấp thuận quy hoạch cụm công nghiệp An Phụ trên địa bàn phường An Phụ rộng 50 ha. Ngoài ra, thị xã phát triển một số bến cảng thủy nội địa, dịch vụ nhằm tạo các kho bãi chứa, trung chuyển hàng hóa. Trong đó sẽ xây dựng một cảng thủy nội địa ở phường Thất Hùng, cảng ở xã Thăng Long (khu vực bến phà Tuần Mây cũ) trở thành bến cảng bốc xếp hàng hóa của khu vực.

TIẾN HUY - NGỌC THỦY

(0) Bình luận
Cầu Mây “mở cửa” phát triển khu vực tây bắc Kinh Môn