Bứt phá trong xây dựng nông thôn mới

02/10/2019 08:13

Với quyết tâm của các cấp chính quyền và đồng lòng của người dân, chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới (2010-2019) của Hải Dương đã gặt hái được nhiều thành công...


Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa được gần 1.500 km đường giao thông nông thôn

Vượt xa chỉ tiêu

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), Hải Dương mới đạt bình quân 6,7 trong tổng số 19 tiêu chí/xã. Xuất phát điểm thấp khiến nhiều địa phương loay hoay tìm giải pháp để thực hiện. Khó khăn vừa là rào cản nhưng cũng là động lực để các xã có hướng đi phù hợp, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu NTM.

Là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh đăng ký về đích NTM, xã Thanh Bính (Thanh Hà) gặp không ít trở ngại. Giữa ngổn ngang những bất lợi khi cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nhận thức của người dân chưa cao thì xã vẫn quyết tâm vượt khó để về đích đúng hẹn.

"Được lựa chọn là xã điểm để triển khai phong trào vừa là niềm tự hào song cũng thấy trách nhiệm nặng nề của chính quyền và nhân dân địa phương. Để làm tốt, xã đã khai thác tối đa mọi lợi thế, trong đó lấy việc huy động sức mạnh toàn dân làm trọng tâm. Nhờ vậy, chỉ sau 4 năm, Thanh Bính đã được công nhận đạt chuẩn NTM và đang tiếp tục thực hiện NTM nâng cao", ông Lê Sỹ Tín, Chủ tịch UBND xã cho biết.

Là huyện nghèo nhưng những thành quả mà NTM ở cấp xã mang lại đã thôi thúc Thanh Miện quyết tâm đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2019. Từng bước tháo gỡ vướng mắc, khắc phục hạn chế ở từng tiêu chí, đến nay, địa phương đã hoàn thiện các tiêu chí của huyện NTM.

Theo ông Nhữ Văn Cúc, Chủ tịch UBND huyện, với mong muốn tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các xã, huyện đặt mục tiêu về đích NTM năm 2019, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra và mọi cố gắng đã được đền đáp xứng đáng.

Toàn bộ 18 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện đã hoàn thành 9 tiêu chí cấp huyện và đang chờ cấp có thẩm quyền thẩm định, xét duyệt.

10 năm qua, toàn tỉnh đã huy động hơn 44.400 tỷ đồng để xây dựng NTM. Đáng chú ý là ngân sách nhà nước hỗ trợ 8.285 tỷ đồng, vốn tín dụng 24.257 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 2.000 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp và doanh nghiệp đầu tư.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay, Hải Dương đã có 190 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 86,36 số xã. Dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số lên 200 xã đạt chuẩn và có từ 5-10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

3 huyện, thành phố đã về đích NTM cấp huyện là Kinh Môn, Cẩm Giàng, Chí Linh. 5 địa phương là Nam Sách, Gia Lộc, Thanh Miện, Bình Giang và TP Hải Dương đang đề nghị Trung ương thẩm định kết quả xây dựng huyện NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ NTM.

Với kết quả này, tỉnh đã hoàn thành sớm 1 năm so với chỉ tiêu Trung ương giao là đến năm 2020 có 80% số xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM, ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt NTM và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI đề ra.


Diện mạo nông nghiệp, nông thôn thay đổi sau 10 năm xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Hái quả ngọt

Không chỉ thể hiện ở những con số mà sự hài lòng của người dân chính là thành quả to lớn nhất phong trào xây dựng NTM mang lại. 10 năm qua, bộ mặt nông thôn Hải Dương thay đổi từng ngày. Cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ đã tạo đà thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Chứng kiến những đổi thay to lớn của quê hương, bà Nguyễn Thị Gấm, 65 tuổi ở xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) xúc động nói: “Thấy làng quê thay da đổi thịt, tôi phấn khởi lắm.

Phong trào xây dựng NTM đã gắn kết mọi người, giúp mỗi người dân có trách nhiệm hơn với nơi mình sinh sống. NTM với chúng tôi không phải là những gì quá xa vời mà gần gũi, thân thuộc".

Người dân không chỉ làm nòng cốt trong xây dựng mà còn là chủ thể thụ hưởng những kết quả của phong trào. 10 năm qua, toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa gần 1.500 km đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thúc đẩy giao thương. Môi trường nông thôn được cải thiện dần.

Toàn tỉnh có 835 bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh, gần 3.000 bể chứa thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và 15.000 hầm biogas với công suất xử lý hơn 255 tấn chất thải/ngày đêm.

Đồng ruộng cũng được quy hoạch quy củ với hơn 54.000 ha được dồn điền, đổi thửa và hệ thống thủy lợi chỉnh trang bài bản. Nhờ những nền tảng này mà bức tranh kinh tế nông thôn đã có nhiều khởi sắc.

Các vùng sản xuất lúa, rau màu tập trung được hình thành với tổng diện tích 6.000 ha. Sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao được chú trọng, góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trong tỉnh đạt 42,8 triệu đồng, tăng 14,2 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 2,53%.

Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong đời sống tinh thần của người dân. Hải Dương có gần 700 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% số đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng được chú trọng; ngăn chặn và xử lý kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên địa bàn.

Toàn tỉnh hiện có 208 trong tổng số 220 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển. Kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Theo đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, nông thôn Hải Dương đã thay đổi rõ nét sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Do vậy, tỉnh xác định phong trào xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có mốc kết thúc để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân.

Hải Dương sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM với tất cả các xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020, sau đó tiếp tục hướng tới các mục tiêu cao hơn là NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

PV

(0) Bình luận
Bứt phá trong xây dựng nông thôn mới