Bảo vệ “hòn ngọc thô" giữa sông Thái Bình

08/04/2018 19:26

Bãi Soi trên sông Thái Bình là dải đất màu mỡ, có giá trị cao về kinh tế. “Hòn ngọc thô" này còn chưa phát huy hết tiềm năng thì đã bị “cát tặc” rút ruột từng ngày.


Bãi Soi có tiềm năng trở thành địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Trong ảnh: Chị Đoàn Thảo và nhóm bạn trong lần đi “phượt” tại bãi Soi mới đây

Giàu tiềm năng

Bãi Soi nằm giữa sông Thái Bình, đoạn qua các xã Thanh Hải (Thanh Hà) và Đại Đồng (Tứ Kỳ) có tổng diện tích khoảng 197 ha. Xã Đại Đồng được giao quản lý 77 ha, xã Thanh Hải quản lý 120 ha. Người dân 2 xã đều không biết bãi Soi có từ bao giờ, chỉ nghe ông cha kể lại là dải đất này do phù sa sông Thái Bình bồi đắp qua rất nhiều đời mới thành.

Điều kiện thổ nhưỡng ở bãi Soi rất thích hợp cho sản xuất nông nghiệp. Từ năm 1993 đến nay, các xã Đại Đồng, Thanh Hải đã cho hàng trăm hộ dân đấu thầu diện tích đất bãi Soi để trồng chuối, nuôi cá. Năng suất, chất lượng cây trồng, thủy sản ở bãi Soi đều đạt cao. Tuy nhiên do cách trở đò giang, giao thông đi lại không thuận tiện nên việc tiêu thụ các sản phẩm làm ra gặp khó khăn, nhiều nông dân bỏ hoang bãi Soi không canh tác. Một số nông dân cho rằng chỉ cần hạ tầng giao thông được xây dựng thì bãi Soi sẽ trở thành vùng sản xuất nông sản mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ.

Ngoài ra, bãi Soi còn sẵn tiềm năng để trở thành địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Là người sinh ra và lớn lên tại xã Đại Đồng, mấy năm gần đây, anh Chu Văn Lành, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Xuyên Việt (Hưng Yên) đã đưa hàng chục nhóm bạn ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng… về bãi Soi tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái. Anh Lành cho biết mọi người về đây đều cảm thấy thích thú với khung cảnh sông nước thanh bình, yên tĩnh, lại được câu cá, cắm trại, nấu nướng giữa thiên nhiên. “Nhiều khách du lịch muốn đến những nơi có phong cảnh tự nhiên, hoang sơ, yên tĩnh như bãi Soi. Tôi thấy nơi này có nhiều tiềm năng để trở thành địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn”, anh Lành nói.

Đầu tháng 3 vừa qua, theo lời giới thiệu của một người thân, chị Đoàn Thảo ở xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) cùng nhóm bạn làm trong một salon tóc cũng tổ chức đi “phượt” tại bãi Soi. Chị Thảo hào hứng: “Tôi không nghĩ ngay giữa sông Thái Bình lại có địa điểm du lịch lý thú như vậy. Chúng tôi đã có một ngày nghỉ tuyệt vời, được chèo thuyền gỗ, cắm trại, nấu nướng ngay tại bãi Soi. Chắc chắn lần sau chúng tôi sẽ còn quay lại”.

Được biết năm 2017, Công ty TNHH ORGEL Việt Nam đã về khảo sát, nghiên cứu quy hoạch, lập Đề án “khu phức hợp sân golf, vui chơi và nghỉ dưỡng sinh thái bãi Soi”. Điều này cho thấy bãi Soi hoàn toàn có thể trở thành địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, đề án vẫn “án binh bất động”.

Khai thác thế nào?

Trong khi tiềm năng chưa được khai thác nhiều thì bãi Soi vẫn thường xuyên bị “cát tặc” rút ruột. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện Thanh Hà đã bắt giữ hàng chục tàu “cát tặc”, chủ yếu là tại khu vực bãi Soi. Tính đến nay, xã Đại Đồng đã bị mất trên 13 ha, xã Thanh Hải cũng bị mất trên 10 ha ở bãi Soi do sạt lở đất. Mặc dù chính quyền địa phương và ngành chức năng 2 huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà đã tăng cường tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý nhiều tàu hút cát trái phép nhưng "cát tặc" vẫn thường xuyên lén lút hoạt động gây sạt lở nghiêm trọng bờ bãi.

Ông Nguyễn Văn Ngát, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hải cho rằng không thể bảo vệ bãi Soi theo kiểu các địa phương cử người, phương tiện ra canh giữ. Những năm qua, chính quyền 2 xã Đại Đồng, Thanh Hải đã thực hiện biện pháp này nhưng “cát tặc” vẫn cứ lén lút hoạt động. “Bây giờ phải mời được các doanh nghiệp có năng lực đủ mạnh đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái bên đó để khai thác tiềm năng kinh tế là tốt nhất, đồng thời cũng giữ được bãi Soi”, ông Ngát nêu ý kiến.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm du lịch, anh Lành cho biết bãi Soi hoàn toàn có thể trở thành địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách. Nhưng để khai thác bền vững thì cần phải đầu tư quy hoạch, quảng bá, phát triển và cung cấp các dịch vụ tối thiểu như đồ ăn, lều, trại… cho du khách khi về đây khám phá.

Trước khi tính tới khả năng bãi Soi có thể trở thành khu du lịch sinh thái, một số ý kiến cho rằng chính quyền nên giao đất cho các hộ dân có nhu cầu đấu thầu theo quy mô ít nhất từ 10 - 30 ha trở lên để canh tác tập trung mới mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ sản xuất, giúp đỡ người dân  tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Trước mắt, cần có biện pháp đủ mạnh để dẹp các tàu “cát tặc” vẫn ngày đêm nhăm nhe "rút ruột" bãi Soi.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Bảo vệ “hòn ngọc thô" giữa sông Thái Bình