Bàn giao lưới điện nhưng không được hoàn vốn, vì sao?

12/08/2018 05:41

Mặc dù đã bàn giao xong lưới điện cho ngành điện quản lý nhưng người dân và chính quyền một số xã vẫn thắc mắc vì sao họ không được hoàn vốn.

Hiện nay, một số tài sản của người dân đang được ngành điện sử dụng. Trong ảnh: Sau nhiều năm bàn giao lưới điện, đến nay người dân và chính quyền xã Văn Đức (Chí Linh) vẫn thắc mắc chưa được hoàn vốn

Tài sản vẫn hiện hữu

Sau khi có chủ trương tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2008, tỉnh ta triển khai bàn giao lưới điện. Đến nay, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) đã tiếp nhận lưới điện của 191 xã với gần 2.980 km đường dây hạ áp, 346.072 công tơ 1 pha, 9.041 công tơ 3 pha. Khi mới tiếp nhận, hầu hết lưới điện trong tình trạng xuống cấp, tỷ lệ tổn thất cao. Ngành điện đã đầu tư cho hệ thống lưới điện này hàng trăm tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Sau nhiều năm bàn giao, người dân và chính quyền một số xã trong tỉnh còn băn khoăn việc có xã được hoàn vốn, có xã thì không. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Văn Đức (Chí Linh) cho biết: "Tôi thấy một số nơi sau khi bàn giao lưới điện thì được hoàn vốn do trước đó người dân đã đóng góp kinh phí đầu tư lưới điện, còn chúng tôi thì không nhận được số tiền này. Khi bàn giao, chúng tôi không hiểu cụm từ tăng giảm vốn là thế nào mà chỉ nghĩ có biên bản đánh giá giá trị tài sản còn lại thì sẽ được nhận tiền. Người dân trong xã đã nhiều lần thắc mắc, có ý kiến tại các kỳ họp HĐND xã, chúng tôi cũng đã hỏi cơ quan chức năng của huyện nhưng vẫn chưa được giải thích thỏa đáng".

Những kiến nghị, thắc mắc của người dân, lãnh đạo xã Văn Đức cũng là ý kiến của đại diện một số xã trong tỉnh về việc hoàn vốn sau khi bàn giao lưới điện. Ngoài việc huy động nhân dân đóng góp, UBND xã Đồng Tâm (Ninh Giang) còn thanh lý cả đàn trâu để lấy kinh phí lắp đặt đường điện. Những năm sau này, xã thường xuyên trích kinh phí để nâng cấp đường dây, cải thiện chất lượng điện. Nhưng bàn giao lưới điện xong, xã không được hoàn trả vốn. Ông Trịnh Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: "Hiện còn khoảng 90% số cột điện hạ áp do người dân đầu tư đang được ngành điện sử dụng. Chúng tôi không hiểu vì sao địa phương không được hoàn vốn?".

Nhưng thiếu hồ sơ

Việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh được ngành điện thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Công thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh. Theo "Hướng dẫn giao nhận và đánh giá giá trị còn lại lưới điện hạ áp 0,4 kV khi bàn giao cho Điện lực Hải Dương để thực hiện đề án bán điện đến hộ nông thôn" do liên ngành Sở Công thương - Sở Tài chính ban hành ngày 29.4.2009 thì để bàn giao lưới điện, các đơn vị, địa phương tổ chức họp Đảng bộ, HĐND, UBND xã, HTX ra nghị quyết thống nhất về việc chuyển giao quản lý và tài sản lưới điện cho Điện lực Hải Dương. Xã có văn bản đề nghị bàn giao tài sản lưới điện gửi Sở Công thương, UBND huyện, Điện lực Hải Dương. Điện lực Hải Dương làm việc với các xã, HTX và có văn bản bàn giao, xây dựng kế hoạch thực hiện bàn giao. Các xã có tài sản bàn giao và Điện lực Hải Dương phối hợp thực hiện kế hoạch, thiết lập các hồ sơ, thực hiện kiểm đếm, xác định giá trị tài sản, thống nhất bằng biên bản. Hồ sơ giao nhận phải có giấy tờ gốc về nguồn gốc đầu tư lưới điện. Trong trường hợp không đủ hoặc không còn hồ sơ gốc, hai bên lập lại hồ sơ tại thời điểm bàn giao.

Hướng dẫn cũng nêu rõ việc hoàn trả vốn trong giao nhận lưới điện. Theo đó, lưới điện được đầu tư bằng vốn của HTX, vốn vay hoặc huy động nhân dân đóng góp thì được xem xét hoàn trả vốn. Tại thời điểm bàn giao phải có đầy đủ hồ sơ gốc. Hệ thống điện đầu tư bằng vốn ngân sách, vốn có nguồn gốc từ ngân sách và phần vốn không xác minh được nguồn gốc (tại thời điểm bàn giao) thì không được hoàn trả vốn. Việc giao nhận lưới điện được hai bên giao nhận lập thành hồ sơ, biên bản giao nhận. Căn cứ vào hồ sơ, biên bản giao nhận, Hội đồng thẩm định giá tài sản lưới điện của tỉnh tổ chức thẩm định việc giao nhận và trình UBND tỉnh phê duyệt. Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh là căn cứ để hai bên thực hiện giao nhận, hạch toán tăng giảm vốn và hoàn trả vốn (nếu có).

Theo đại diện Điện lực Hải Dương, việc bàn giao lưới điện, hoàn trả vốn ngành điện đã thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và các quyết định hoàn trả vốn UBND tỉnh đã phê duyệt. Những xã không nhận được hoàn vốn là do tại thời điểm bàn giao không đưa ra được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc vốn hình thành tài sản nên được xác định bàn giao theo hình thức tăng giảm vốn. Một số xã bàn giao theo hình thức tự nguyện không nhận vốn nên cũng không được hoàn trả vốn. Tổng giá trị tài sản Điện lực Hải Dương tiếp nhận của các địa phương những năm qua đạt gần 35,1 tỷ đồng. Đơn vị phải hoàn trả vốn cho các địa phương 28,4 tỷ đồng; đến nay đã hoàn trả 27,977 tỷ đồng, còn gần 423 triệu đồng của 3 xã là Tân Dân, Thất Hùng (Kinh Môn) và Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) chưa hoàn trả là do địa phương chưa lên làm thủ tục thanh toán.

Nguyên nhân khác khiến địa phương không được hoàn trả vốn là do việc thay đổi đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã. Những cán bộ xã bàn giao lưới điện trước đây không bàn giao hồ sơ, giấy tờ, không giải thích về vấn đề này cho những cán bộ mới nên họ không nắm được.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Bàn giao lưới điện nhưng không được hoàn vốn, vì sao?