Ấn tượng Lễ hội vải thiều

10/06/2018 11:18

Ngay từ sáng sớm, từng dòng người, xe trên khắp các ngả đường hối hả đổ về Quảng trường Thanh Bình để hòa mình vào không khí Lễ hội vải thiều lần đầu tiên được tổ chức ở Thanh Hà.


Đông đảo người dân từ khắp nơi hòa mình vào lễ hội vải thiều lần đầu tiên được tổ chức. Ảnh: Thành Chung

Tôn vinh thành quả lao động

Từ 4 giờ sáng, bà Vũ Thị Quý, ở xã Thanh Thủy đã thức dậy hái những chùm vải tươi ngon nhất trong vườn nhà mang đến gian hàng trưng bày hàng nông sản của xã. "Trời nắng nóng nên vải trưng bày từ chiều hôm trước đã xuống mã. Chúng tôi muốn người dân khắp nơi thấy vải Thanh Hà tươi ngon, mẫu mã đẹp ra sao nên bảo nhau dậy hái từ sáng sớm. Lúc này vải căng mọng, còn ướt hơi sương nên nhìn bắt mắt", bà Quý nói.


Mấy chục năm liên tục trồng, chăm sóc vải, đây là lần đầu tiên địa phương tổ chức giới thiệu, tôn vinh thành quả lao động của mình và những người nông dân khác nên anh Phạm Văn Thắng, ở xã Thanh Khê đã không bỏ qua dịp này để tham gia lê hội. Gia đình anh Thắng hiện có có 2 mẫu vải trồng theo quy trình VietGAP nên công chăm sóc, bảo vệ cho đến ngày thu hoạch vất vả hơn những diện tích trồng vải khác. "Lễ hội thu hút rất đông nhân dân, doanh nghiệp khắp nơi nên chắc chắn uy tín, chất lượng vải thiều Thanh Hà sẽ được biết đến ở cả trong và ngoài nước. Chúng tôi mong muốn lễ hội sẽ được tổ chức hằng năm để người dân có cơ hội giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, nhất là vải thiều Thanh Hà ra các thị trường", anh Thắng phấn khởi nói.

Đây là năm đầu tiên, UBND tỉnh tổ chức một lễ hội lớn để giới thiệu, quảng bá nông sản đặc trưng của tỉnh tới du khách gần xa. Vì vậy, những người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm rất phấn khởi, vui mừng. Ngoài sản phẩm chủ lực là vải thiều, nhiều sản vật địa phương khác cũng góp mặt tại lễ hội.

Tại Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương năm 2018, Ban tổ chức đã bố trí 48 gian hàng để các địa phương trưng bày những sản phẩm thế mạnh của địa phương. 50 nông sản mang đặc trưng vùng miền của tỉnh như vải thiều Thanh Hà, nếp cái hoa vàng Kinh Môn, rươi cáy Tứ Kỳ, cà rốt Đức Chính, dưa hấu Kim Thành… được giới thiệu một cách rộng rãi, bài bản tới đông đảo du khách.

Du khách thích thú

Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương không chỉ là cơ hội để kết nối giao thương, du khách gần xa biết đến những nông sản nổi tiếng của Hải Dương mà còn được trải nghiệm thực tế khu du lịch sinh thái sông Hương.

Để kịp thời gian tham dự lễ hội, gia đình ông Nguyễn Văn Lượng ở quận Đồ Sơn (Hải Phòng) đã phải bắt chuyến xe sớm về thị trấn Thanh Hà. Ông Lượng cho biết: “Mặc dù ở xa, đi lại vất vả nhưng tôi thấy công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng. Lễ hội diễn ra sôi nổi, tấp nập song vẫn quy củ, bài bản. Khi lễ hội kết thúc, gia đình tôi sẽ dành thêm 1 ngày để tham quan, hái vải tại vườn, đi thuyền trên sông Hương và thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đất này”.

Bà Ngô Thị Tân ở thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt dù đã 75 tuổi song vẫn nhờ cháu đưa đến lễ hội ngay từ sáng sớm để chọn chỗ ngồi. "Nếu mỗi năm có một lần lễ hội thì người dân ở các nơi sẽ càng biết đến vải thiều Thanh Hà nhiều hơn. Bán được nhiều vải thì người dân cũng đỡ vất vả hơn", bà Tân nói.

Du khách thưởng thức vải thiều ngay tại các gian hàng. Ảnh: Tiến Huy

Kết nối giao thương 

Lễ hội vải thiều là dịp để các doanh nghiệp sản xuất, phân phối tiêu thụ nông sản trên cả nước tìm hiểu về những sản phẩm nông sản của Hải Dương. Đây là cầu nối giao thương, tạo niềm tin cho người sản xuất, người bán và người tiêu dùng.

Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH CP Sản xuất Hưng Việt (Gia Lộc) cho biết hằng năm đều thu mua vải thiều của người dân Thanh Hà. Nhưng năm nay thông qua lễ hội việc thu mua sẽ bài bản hơn, doanh nghiệp tin cậy hơn. Vụ vải này, doanh nghiệp dự kiến thu mua, sơ chế và phân phối cho doanh nghiệp khác khoảng 7.000 tấn vải.

Đại diện Liên minh HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn Co.op) cho biết lễ hội là một sự kiện quan trọng để nâng cao trách nhiệm của người dân đối với sản phẩm của mình. Vải thiều Hải Dương ngày càng có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Do đó tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà cần tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng, mẫu mã quả vải. Năm nay, dự kiến Sài Gòn Co.op sẽ thu mua 1.000 tấn vải của Thanh Hà để tiêu thụ trong chuỗi siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích trên cả nước.

Chị Nguyễn Thị Cúc ở xã Liên Mạc là Giám đốc 1 HTX chuyên tiêu thụ nông sản cho nhân dân địa phương cũng có mặt tại lễ hội lần này để tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương. Hiện nay, HTX của chị Cúc đã thu mua, phân phối số lượng lớn ổi cho hệ thống siêu thị VinMart. Cũng như nhiều đơn vị tiêu thụ nông sản khác, chị Cúc mong muốn lễ hội sẽ được tổ chức định kỳ để tạo cơ hội kết nối giữa người sản xuất và các đơn vị tiêu thụ nông sản.

Theo Ban tổ chức, lễ hội lần này có 230 doanh nghiệp sản xuất, phân phối, tiêu thụ nông sản tiêu biểu trên cả nước tham dự. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp có năng lực tiêu thụ, xuất khẩu nông sản lớn như Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (Tập đoàn Vingroup)...

Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho khu vực tổ chức lễ hội, các lực lượng của Công an tỉnh, Công an huyện Thanh Hà, Công an các xã, thị trấn lân cận đã được tăng cường. Trung tá Nguyễn Lương Trọng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) cho biết 17 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Thanh Hà phân luồng, hướng dẫn giao thông. Đến hơn 9 giờ, khi lễ hội kết thúc, khu vực xung quanh lễ hội không xảy ra ùn tắc, không xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông. 

TIẾN HUY - NGUYỄN MƠ

(0) Bình luận
Ấn tượng Lễ hội vải thiều